MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tua bin gió ngoài khơi lớn nhất thế giới chính thức được Trung Quốc kết nối vào lưới điện: Cao 146 m, mỗi vòng quay 'quét' 50.000 m2, đủ cung cấp điện cho 36.000 hộ trong 1 năm

21-07-2023 - 12:17 PM | Tài chính quốc tế

Tua bin gió ngoài khơi với công suất khổng lồ chính thức được kết nối vào lưới điện Trung Quốc, với công suất 16 MW. Tua bin này cao hơn 34 mét so với các tua bin gió ngoài khơi thông thường.

Tua bin gió ngoài khơi với công suất 16 megawatt, lớn nhất thế giới, đã đi vào hoạt động ở tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc. Ngoài ra, tua bin này cũng chính thức được kết nối với lưới điện quốc gia Trung Quốc vào ngày 19/7, theo China Media Group (CMG).

Tua bin gió ngoài khơi có đường kính cánh quạt lớn nhất thế giới và công suất đơn lớn nhất đạt 16 MW. Tua bin có thể được sử dụng phổ biến ở các vùng biển có tốc độ gió trung bình hoặc cao.

Hồi cuối tháng 6, toàn bộ tổ máy tua bin gió ngoài khơi khổng lồ của Trung Quốc đã được lắp đặt hoàn thiện.

Với trục ở độ cao 146 mét và đường kính cánh quạt đạt 252 mét, cánh quạt của tua bin này có vòng quay khoảng 50.000 m2, tương đương 7 sân bóng đá. Tua bin này cao hơn 34 mét so với các tua bin gió ngoài khơi với công suất 10 MW thường được sử dụng.

Trong điều kiện lý tưởng, một tổ máy có thể tạo ra 34,2 kWh điện trong mỗi vòng quay và sản lượng điện trung bình hàng năm đạt 66 triệu kWh, đủ cung cấp cho 36.000 hộ gia đình với 3 thành viên tiêu thụ trong 1 năm.

Tua bin gió ngoài khơi lớn nhất thế giới chính thức được Trung Quốc kết nối vào lưới điện: Cao 146 m, mỗi vòng quay 'quét' 50.000 m2, đủ cung cấp điện cho 36.000 hộ trong 1 năm - Ảnh 1.

Mỗi động cơ chính được cấu tạo từ hàng nghìn bộ phận, với tổng trọng lượng 413 tấn, tương đương hơn 270 chiếc ô tô. Do có trọng lượng lớn nên quá trình nâng hạ khi các máy lắp ráp đưa động cơ lên trục cũng gặp nhiều thách thức.

Feng Wei, điều phối chính của tàu lắp đặt tua bin, cho biết: “Trọng lượng và chiều cao của động cơ này đòi hỏi tàu lắp đặt phải có hiệu suất cực lớn trong quá trình cẩu. Tàu Bạch Hạc Than được sử dụng cho quá trình này, là thiết bị lắp đặt năng lượng gió hiện đại nhất của Trung Quốc, tích hợp các chức năng bao gồm vận chuyển và tự nâng.”

Feng cho biết, tàu này có sức nâng 2.000 tấn và hoạt động được dưới nước ở độ sâu tối đa 70 mét. Do đó, tàu có thể đáp ứng nhu cầu xây dựng tua bin gió ngoài khơi và biển sâu.

Thách thức của quá trình nâng vật nặng lên cao thậm chí còn phức tạp hơn khi phải thực hiện ở ngoài khơi.

Jia Xiaogang, giám đốc điều hành khu vực eo biển Phúc Châu, thuộc chi nhánh Phúc Kiến của Tập đoàn Tam Hiệp, cho hay: “Điều kiện vùng biển ở khu vực này rất phức tạp. Do đó, thời gian cho việc cẩu tua bin gió 16 MW là rất ngắn. 133 công nhân phải làm việc theo 3 ca và duy trì việc lắp đặt liên tục 24 giờ/ngày.”

Tua bin gió ngoài khơi lớn nhất thế giới chính thức được Trung Quốc kết nối vào lưới điện: Cao 146 m, mỗi vòng quay 'quét' 50.000 m2, đủ cung cấp điện cho 36.000 hộ trong 1 năm - Ảnh 2.

Hệ thống phát điện - có nhiệm vụ chuyển đổi năng lượng gió thu được từ cánh quạt thành điện năng, là một trong những bộ phận quan trọng nhất của tua bin gió ngoài khơi này. Máy phát điện tự phát của tua bin gió 16 MW đã được giảm trọng lượng xuống khoảng 20 tấn, đánh dấu bước đột phá về công nghệ trong việc “thu nhỏ” các máy phát điện công suất lớn.

Vòng bi trục chính với cánh quạt siêu dài, nhẹ cũng được Trung Quốc sản xuất ngay trong nước. Hàng trăm thiết bị cảm biến cùng radar laze được bảo phủ quanh tua bin gió, có thể cảm nhận nhiệt độ, độ ẩm và tốc độ gió để theo dõi hoạt động. Với các hệ thống thông minh, tua bin có thể tự điều chỉnh góc, công suất khi điều kiện thời khắc nghiệt.

Việc áp dụng các hệ thống thông minh và hiện đại giúp cải thiện khả năng thích ứng với môi trường của tua bin gió, giúp thiết bị này có thể được sử dụng quy mô lớn ở bờ biển phía đông nam Trung Quốc.

Theo CMG, Trung Quốc đã sản xuất gần 60% thiết bị điện gió trên toàn thế giới. Đến cuối năm 2022, tổng công suất lắp đặt của điện gió ngoài khơi toàn cầu là 57,6 GW và Trung Quốc chiếm 53% thị phần.

Ngoài ra, xuất khẩu thiết bị gió của Trung Quốc cũng đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng, với các thiết bị được bán cho 49 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng công suất lắp đặt đạt 11,93 triệu kW.

Tham khảo CGTN

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên