Từng bán 14 triệu USD cổ phiếu Nvidia gần như mỗi ngày, chốt lời ngay trước cú sập thị trường, CEO Jensen Huang khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên với câu hỏi “tại sao”
Dù bán cổ phiếu theo kế hoạch công khai, CEO Jensen Huang của Nvidia vẫn khiến dư luận xôn xao. Nhiều phân tích, bình luận trái chiều đã xuất hiện.
- 16-09-2024Nvidia và nỗi lo chịu bi kịch giống Intel: Từng là 'nhà thiết kế chip vĩ đại nhất thế giới' giờ chịu cảnh già nua, lép vế về mọi mặt
- 07-09-2024CEO Jensen Huang tiết lộ bán hơn 5 triệu cổ phiếu Nvidia trong 4 tháng liên tiếp, chưa định dừng lại cho đến năm sau: Chuyện gì đang xảy ra?
- 06-09-2024Là công ty 2,6 nghìn tỷ USD nhưng gần 50% doanh thu đến từ chỉ 4 khách hàng duy nhất, Nvidia khiến nhà đầu tư lo lắng
Năm năm trước, CEO Jensen Huang của Nvidia có khối tài sản ròng đáng nể là 3,73 tỷ USD. Hiện tại, khối tài sản của ông đã tăng vọt lên 104 tỷ USD, theo Forbes.
Ông Huang đã làm việc tại Nvidia hơn ba thập kỷ. Nhưng chỉ khoảng hơn một năm trở lại đây, giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip này mới bắt đầu tăng phi mã. Các nhà đầu tư đa số đều vui mừng khi lựa chọn hãng chip này và tin tưởng vào người đàn ông được mệnh danh là “Taylor Swift giới công nghệ”.
Nhưng tốc độ tăng trưởng chóng mặt của Nvidia khiến một số chuyên gia đặt câu hỏi rằng liệu năng lực quản trị của công ty có trưởng thành tương xứng hay không.
Theo hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), CEO Jensen Huang đã bán hơn 633 triệu USD cổ phiếu của nhà sản xuất chip này kể từ tháng 6/2024. Ông bán cổ phiếu theo từng đợt, mỗi đợt 120.000 cổ phiếu từ ngày 13/6 đến ngày 5/9, tương đương với gần 5,3 triệu cổ phiếu. Thậm chí trong giai đoạn từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8, CEO Huang gần như bán ra đều đặn 14 triệu USD cổ phiếu mỗi ngày.
Điều này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao ông lại bán ra thay vì tiếp tục nắm giữ cổ phiếu công ty mình. Câu hỏi này lại dẫn đến một vấn đề khác: Tại sao ngay từ đầu CEO Huang lại nắm giữ nhiều cổ phiếu đến vậy?
Các nhà đầu tư hiện muốn có thêm thông tin về doanh nghiệp ở cấp cao nhất. Họ muốn thấy quản trị doanh nghiệp minh bạch hơn, kế hoạch kế nhiệm công khai và thay đổi cơ cấu lương thưởng để thúc đẩy kỷ nguyên tiếp theo.
Một kế hoạch định trước
CEO Jensen Huang đang bán cổ phiếu Nvidia theo một kế hoạch rất cụ thể. Ông thực hiện theo Quy tắc 10b5-1. Theo đó, các giám đốc điều hành và nhân viên sử dụng một lịch trình định trước để mua bán cổ phiếu công ty của họ, từ đó tránh vi phạm luật giao dịch nội gián. Quy tắc 10b5-1 sẽ xác định số lượng, giá cả và ngày giao dịch. Một bên thứ ba cũng sẽ được thuê để tiến hành bán hàng, tránh bị khách hàng tác động.
Dù không phải giao dịch nội gián, CEO Nvidia vẫn bán ra đúng thời điểm cổ phiếu đạt đỉnh rồi giảm xuống.
Theo Phó Chủ tịch Nell Minow của công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp ValueEdge Advisors, đây không phải là ý tưởng hay.
“Điều tôi muốn nơi một giám đốc điều hành là phải lạc quan về cổ phiếu. Tôi muốn giám đốc điều hành luôn nghĩ rằng: 'Ôi trời, cổ phiếu này thực sự sẽ sớm có giá trị hơn nhiều', chứ không phải: 'Ồ, tốt hơn là tôi nên bán một ít vì tôi đang ... trải qua cảm giác lo âu khi để tất cả trứng vào một giỏ”, bà nói.
Năm nay không phải năm đầu tiên CEO Nvidia áp dụng Quy tắc 105b-1. Ví dụ, vào tháng 9 năm ngoái, ông đã bán 237.500 cổ phiếu Nvidia trị giá hơn 117 triệu USD theo thỏa thuận giao dịch 10b5-1. So với năm nay, ông bán 323 triệu USD cổ phiếu Nvidia chỉ trong tháng 7.
CEO Jensen Huang cũng không phải lãnh đạo cấp cao duy nhất xác nhận bán cổ phiếu của công ty. Debora Shoquist – Phó Chủ tịch điều hành phụ trách hoạt động, Colette M. Kress - Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc tài chính và Ajay K. Puri - Phó Chủ tịch điều hành phụ trách hoạt động thực địa trên toàn thế giới, đã tiết lộ các kế hoạch tương tự.
Bà Minow chỉ ra: “Điều đó báo hiệu rằng cổ phiếu đã tăng mạnh và họ hơi lo lắng về điều đó. Và thông tin ấy chắc chắn gây hoang mang cho các nhà đầu tư. Có lẽ tôi cũng nên bán cổ phiếu Nvidia… Nếu họ không tin tưởng vào cổ phiếu của mình, thì tại sao tôi phải làm thế?”.
Bán cổ phiếu để tránh tình trạng như Elon Musk?
Vậy nếu đã có kế hoạch bán cổ phiếu, tại sao CEO Jensen Huang lại không bán hết số cổ phiếu cùng lúc mà lại chia thành từng đợt, từng ngày?
James Reda, Giám đốc Điều hành tại công ty tư vấn Gallagher, giải thích với Fortune rằng nếu ông ấy bán ra ồ ạt, cổ phiếu sẽ giảm. CEO phải là người nhạy cảm với điều đó. Nếu ông ấy sở hữu nhiều cổ phiếu, bán ra dần dần có thể là một chiến lược tốt hơn. Kế hoạch 10b5-1 là công khai, vì vậy thị trường sẽ nhận thức được và sẽ không bị bất ngờ.
Trong khi một số nhà phân tích như Minow muốn những người sáng lập tập trung vào cổ phiếu của công ty họ thì Reda lại không đồng tình.
“Nếu không bán cổ phiếu, ông ấy có thể sẽ giống như Elon Musk, vay thế chấp cổ phiếu để tiêu dùng và kinh doanh”, ông nói.
Lương thưởng bằng cổ phiếu quá lớn?
Khi xem qua hồ sơ nộp lên SEC của các công ty công nghệ lớn, chúng ta sẽ thấy hàng loạt các điều khoảng lương thưởng phức tạp dành cho lãnh đạo cấp cao.
Mark Zuckerberg của Meta nổi tiếng với mức tương 1 USD nhưng chi phí an ninh ngốn tới 24,4 triệu USD. Tim Cook của Apple nhận mức lương thưởng phụ thuộc vào hiệu suất công ty là 49 triệu USD. Sundar Pichai của Alphabet được cấp cổ phiếu ba năm một lần, dẫn đến khoản tiền lương 226 triệu USD vào năm 2022.
Hồ sơ cũng cho thấy một thông lệ phổ biến ở Thung lũng Silicon: Các CEO, đặc biệt là những người sáng lập, thường xuyên được thưởng cổ phiếu. Điều này không chỉ để họ duy trì cảm giác quyền lực mà còn là phương pháp đã được chứng minh để thúc đẩy những người ở cấp cao nhất.
Hồ sơ uỷ quyền năm 2024 của Nvidia tiết lộ rằng CEO Huang được trả mức lương là 996.514 USD, với các khoản thưởng bằng cổ phiếu trị giá 26 triệu USD và khoản thưởng bằng tiền mặt bổ sung là 4 triệu USD. Tổng thu nhập của ông trị giá khoảng 34,17 triệu USD.
Bà Minow cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy ông Huang đã được tin tưởng quá nhiều. “Đừng cho ông ấy cổ phiếu nữa. Rõ ràng là ông ấy có quá nhiều. Và đó là lý do tại sao ông muốn bán bớt”, Minow nói.
Theo Fortune
Nhịp Sống Thị Trường