MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từng có giá trên 100.000 đồng/cp, “Vua cá tra” một thời đang ngụp lặn dưới mệnh giá vì sa đà vào đầu tư tài chính

28-10-2016 - 13:11 PM | Doanh nghiệp

Từng là công ty số 1 trong ngành thủy sản cách đây chục năm nhưng Navico (ANV) giờ đây đang chật vật tìm kiếm lợi nhuận do trót đầu tư gần nghìn tỷ đồng vào một loạt lĩnh vực như phân bón, ngân hàng, bảo hiểm...

Nếu nói đến 3 chữ “vua cá tra”, giờ đây người ta hầu như chỉ nhớ đến Vĩnh Hoàn (VHC) và Hùng Vương (HVG). Nhưng khoảng 10 năm trước, khi những doanh nghiệp này còn chưa trở thành người khổng lồ của ngành thì ngôi vị “vua” thuộc về một cái tên khác, đó là CTCP Nam Việt (Navico, mã chứng khoán ANV).

Vua cá tra xuống dốc

Navico thành lập từ năm 1993 với vồn điều lệ ban đầu là 27 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp. Đến năm 2000 nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của cá tra, cá ba sa tại An Giang, Công ty quyết định mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực thuỷ sản, khởi đầu bằng việc xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản Nam Việt.

Gặp thời và phát triển mạnh mẽ, năm 2006 Navico đã chính thức chuyển thành Công ty Cổ Phần với số vốn điều lệ là 600 tỷ đồng. Khi đó, doanh nghiệp này đứng đầu trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Theo VASEP, Navico chiếm tới 21% giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước năm 2006.

Đầu năm 2007, trước sự khởi sắc của hoạt động kinh doanh và cơn say của chứng khoán Việt Nam, công ty dễ dàng chào bán được 6 triệu cổ phiếu với mức giá hơn 110.000 đồng/cp qua đó đưa Navico trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu lớn nhất ngành.


Trong khi Vĩnh Hoàn tăng trưởng mạnh mẽ thì Navico lại ngày càng sa sút

Trong khi Vĩnh Hoàn tăng trưởng mạnh mẽ thì Navico lại ngày càng sa sút

Trong 2 năm 2007, 2008, Navico vẫn chứng tỏ vị thế số 1 của mình với doanh thu trên 3.000 tỷ đồng. Nhưng lợi nhuận ngày càng “hẻo”. Cho đến những năm sau, con số lợi nhuận của doanh nghiệp càng nhìn càng thấy buồn. Riêng năm 2009, Navico còn lỗ tới 182 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng kinh tế toán cầu, ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Không chỉ giảm một nửa các đơn hàng, Navico còn chịu gánh nặng từ việc mua cá quá lứa theo kêu gọi của Chính phủ nhằm cứu người nuôi cá tra và khiến cho chi phí tăng vọt.

Sau đó, kinh tế toàn cầu thoát đáy, Navico cũng hồi phục trở lại nhưng ngôi vị vua không thể giữ được nữa dù quy mô của công ty vẫn là những con số không hề nhỏ. Sự khó khăn của ngành thủy sản là một nguyên nhân, riêng Navico còn sa đà vào việc đầu tư dàn trải.

Mục tiêu “Xây dựng Navico là thế giới của Pangasius”, nhưng doanh nghiệp còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như ngân hàng (MDBank - nay đã sáp nhập vào Maritime Bank), bảo hiểm, khoáng sản (crom) và đặc biệt, phân bón chính là lĩnh vực đã kéo Navico xuống hố sâu.

Cùng với sự sa sút thì cổ phiếu "trăm nghìn" thuở nào đã lao dốc mạnh, chỉ loanh quanh mệnh giá suốt nhiều năm nay. Hiện tại, ANV chỉ có giá 7.200 đồng/cp.


Biến động giá cổ phiếu ANV từ khi niêm yết (giá đã điều chỉnh do chia cổ tức). Cổ phiếu này hiện dao động quanh mức giá 7-8.000 đồng.

Biến động giá cổ phiếu ANV từ khi niêm yết (giá đã điều chỉnh do chia cổ tức). Cổ phiếu này hiện dao động quanh mức giá 7-8.000 đồng.

Một cuộc lột xác?

Tại năm khó khăn nhất (2009), Navico vẫn kiên định tiếp tục góp vốn vào nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 – Vinachem (DAP Lào Cai), khi đó đang là một lĩnh vực hái ra tiền.

Tổng cộng Navico đã rót tới 613 tỷ đồng - tức xấp xỉ bằng vốn điều lệ của công ty - để sở hữu 40,5% vốn của DAP Lào Cai. Thế nhưng khi đi vào hoạt động từ năm 2015, DAP Lào Cai đã liên tục lỗ lớn khiến công ty phải chịu vạ lây.

Tính đến cuối Q2/2016, khoản đầu tư vào DAP Lào Cai đã bốc hơi 30% giá trị tương đương 180 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Navico vừa báo lãi lớn trong quý 3/2016 nhờ đẩy được “cục nợ” này đi với giá 547 tỷ đồng, nhờ đó mà kết quả kinh doanh quý 3 khởi sắc trở lại do được hoàn nhập dự phòng.

Điều thú vị là Công ty TNHH Đại Tây Dương - công ty đứng ra mua "cục nợ" của Navico với giá cao - lại chính là công ty của ông Doãn Tới, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Navico. Bản thân ông Doãn Tới và gia đình cũng đang phải dùng rất nhiều cổ phiếu thuộc sở hữu của cá nhân làm tài sản đảm bảo cho một số khoản vay của Navico.

Mặc dù công ty Đại Tây Dương đã đứng ra mua lại DAP Lào Cai nhưng công ty này chưa thanh toán mà toàn bộ 547 tỷ đồng được ghi nhận dưới dạng các khoản phải thu (phải thu ngắn hạn 100 tỷ, phải thu dài hạn 447 tỷ).

Dù chưa rõ các khoản phải thu có thể thu hồi được đầy đủ không nhưng trước mắt, việc chuyển nhượng DAP Lào Cai cho một công ty cùng chủ đầu tư đã giúp Navico thoát khỏi gánh nặng và có thể cải thiện con số về lợi nhuận trong thời gian tới. Liệu “vua cá tra” một thời có lấy lại được những gì đã mất?

Bên cạnh DAP 2 Vinachem, từ đầu năm 2016, Navico còn thoái toàn bộ vốn đầu tư vào Bảo hiểm hàng không và Quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt.

Hiện công ty còn khoản đầu tư trị giá 135 tỷ đồng vào cổ phiếu Maritime Bank (giá vốn bình quân khoảng 20.000 đồng/cp và không trích lập dự phòng) cùng 31 tỷ đồng đầu tư vào 2 công ty Cromit Cổ Định Thanh Hóa và Cromit Nam Việt (dự phòng 18 tỷ).

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên