Từng đặt mục tiêu là 1 trong 3 ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, FastGo của Shark Bình hiện tại ra sao?
Đã rất lâu rồi người dùng không còn thấy bóng áo xanh da trời của tài xế FastGo trên đường phố Hà Nội hoặc TPHCM.
- 08-06-2020Phủ nhận tin đồn Be và FastGo sáp nhập
- 06-06-2020Không phải lời nói đùa, Be và FastGo sắp sáp nhập để đấu với Grab?
- 24-12-2019Fastgo tung dịch vụ xe đưa đón sân bay Nội Bài, "dụ" khách bằng giá sốc 99.000 đồng
Tháng 3/2018, Uber rút khỏi thị trường Việt Nam và để lại khoảng trống cho các ứng dụng gọi xe Việt vươn lên giành thị trường, trong cuộc chiến căng sức với Grab. Giữa lúc ấy, ứng dụng gọi xe thuần Việt là FastGo đã xuất hiện.
"Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam rất tiềm năng, có thể đạt giá trị lên tới hàng tỷ USD và vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đó là lý do để FastGo chính thức gia nhập thị trường. Tôi tin rằng, với một lộ trình phát triển rõ ràng, nền tảng công nghệ ưu việt cùng sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và người dùng Việt Nam, FastGo sẽ phát triển bền vững, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đem lại nhiều lợi ích cho người Việt, cũng như đóng góp cho sự phát triển xã hội của Việt Nam", CEO Nguyễn Hữu Tuất của FastGo từng chia sẻ với báo chí.
Ra đời vào tháng 6/2018 sau 3 năm nghiên cứu phát triển, FastGo là sản phẩm của Công ty cổ phần FastGo Việt Nam, thuộc Tập đoàn NextTech của Shark Nguyễn Hòa Bình. Thời điểm đó FastGo nhấn mạnh rằng khác biệt của hãng so với nhiều bên khác trên thị trường là không tăng giá cước xe vào giờ cao điểm. Ngoài ra tài xế FastGo sẽ hoàn toàn không bị thu phí chiết khấu mà chỉ chịu một khoản phí nhỏ để duy trì việc sử dụng dịch vụ dựa trên doanh thu trong ngày.
FastGo đã có những bước tiến rầm rộ ở giai đoạn đầu khi chỉ sau 6 tháng ra mắt, ứng dụng có 40.000 tài xế trong hệ thống. Thậm chí cuối năm 2018, FastGo tiến đánh thị trường Myanmar, bước đầu tiên trong chiến lược lọt top 3 hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á.
Sang đến tháng 8/2019, FastGo ký hợp tác chiến lược với VinFast về việc cung cấp 1.500 chiếc Fadil cho ứng dụng FastGo với nhiều ưu đãi đến tài xế và khách hàng. Tuy nhiên tốc độ mở rộng của FastGo lúc này có phần chững lại, khi hãng gọi xe thuần Việt lúc đó có 60,000 tài xế trong hệ thống, tức 8 tháng chỉ có thêm 20.000 tài xế gia nhập, thay vì 6 tháng là 40.000 người như giai đoạn đầu.
Cùng năm này, CEO Nguyễn Hữu Tuất chia sẻ trên trang cá nhân rằng FastGo đã có hướng đi riêng và không cần tham gia vào cuộc chiến "đốt tiền" như các hãng gọi xe khác nữa.
"Fastgo có hệ sinh thái thanh toán và tài chính của NextPay/NextTech để đi lâu dài cùng Grab. Vì vậy FastGo không quá áp lực trong việc gọi vốn như Be".
"Cuộc đua này khi nào sẽ kết thúc? Chưa có dự đoán bao giờ kết thúc được, vì không có rào cản nào cho người mới gia nhập (ví dụ Vingroup). Sau WeWork/Uber/Lyft, khả năng IPO sẽ khó khăn hơn cho các mô hình này. Grab không IPO sẽ phải trả Uber 2 tỷ USD, Be sẽ phải raise tiếp 100 - 200 triệu USD nữa để đuổi theo Grab, Fastgo đã chọn con đường riêng (hướng tới có lãi) nên không phải đánh nhau với ai nữa cả", CEO FastGo từng tự tin chia sẻ như vậy.
Tuy nhiên, từ sau khi FastGo chuyển hướng không "đốt tiền", sự hiện diện của ứng dụng này ngày một giảm dần. Một số tài xế phàn nàn về việc mở ứng dụng cả ngày cũng không có khách. Theo số liệu ABI Research công bố nửa đầu 2020, Grab, Gojek và Be chiếm tới 99,3% thị phần trong thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam. Trong khi đó, FastGo chỉ chiếm 0,7% thị trường.
Trên thực tế, FastGo đã dừng cập nhật vào tháng 5/2021, tức khoảng 3 năm ứng dụng gọi xe thuần Việt này ra mắt thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch học viện MVV, nhà sáng lập TopClass, đồng thời cũng là một trong những nhà đầu tư vào FastGo đã từng thừa nhận đây là một thương vụ thất bại trong danh mục của mình.
"Khi tôi đầu tư vào FastGo, tôi rất thích ý tưởng tại sao mình không thể canh trạnh với các đối thủ ngoại, trong khi tôi tin công nghệ của người Việt Nam không hề thua kém. Tuy nhiên phải thừa nhận đó là cuộc chơi tốn tiền. Đây không phải cuộc chơi công nghệ mà là cuộc chơi về tài chính. Và tài chính thì mình không thể cạnh tranh được với họ", ông Sơn chỉ rõ
Về phần mình, sau khi dừng phát triển ứng dụng FastGo, phía Công ty cổ phần FastGo Việt Nam đã chuyển sang xây dựng ứng dụng mới với tên gọi XeGo, chuyên hoạt động trong mảng thuê xe tự lái. Trên App Store, XeGo được đẩy lên vào 14/6/2021, với sứ mệnh là "kết nối giữa những người có nhu cầu thuê xe đến với những chủ xe. Từ đó giúp người thuê nhanh chóng tìm được một chiếc xe ưng ý với mức giá tốt nhất, đáp ứng mong muốn giữa 2 bên.
Hiện fanpage chính thức của ứng dụng FastGo giờ đây chỉ còn tập trung giới thiệu về XeGo. Trên App Store, XeGo nhận mức điểm trung bình 3.9/5 dựa trên 32 lượt đánh giá.
Nhịp sống kinh tế