Từng đi shopping tiêu hết 10-15 triệu đồng một lúc, MC Mai Trang: Đừng theo đuổi tự do tài chính, hãy theo đuổi tự tin tài chính!
Là một gương mặt quen thuộc của Cafe Sáng trên VTV, ít ai biết MC Mai Trang từng là Hoa khôi Khoa Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Ngoại Thương năm 2012 và đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai năm thứ 10. Bản lĩnh, cá tính, xinh đẹp và luôn giữ mindset kinh doanh trong đầu khi làm bất cứ công việc gì, nữ MC luôn có một niềm tin mãnh liệt vào chính bản thân mình.
- 20-10-20204 bài học làm thay đổi suy nghĩ, giúp các doanh nhân gặt hái thành công rực rỡ
- 25-10-2020Từ BTV thời sự đến chuyên gia của hệ sinh thái khởi nghiệp, Nguyễn Thy Nga chia sẻ: "Sự tin cậy đến vào lúc không ngờ nhất và để lại một dư vị ngọt ngào"
- 19-10-2020Thêm một nghĩa cử nhân văn, "sát cánh cùng miền Trung ruột thịt": Bamboo Airways miễn phí vận chuyển hàng hoá cứu trợ, tặng vé cho các tổ chức và cá nhân tới hỗ trợ bà con vùng lũ
Là một người đưa khá nhiều lời khuyên về cách kiểm soát tài chính, vậy chị đã bao giờ rơi vào những tình huống tài chính "khó xử" chưa?
Khi còn đi học, tôi đã kiếm được tiền để tự lo cho bản thân nên mình luôn có cảm giác tài chính dư dả hơn, ít nhất là so với các bạn cùng lớp; từ đó, kéo theo nhiều thói quen chi tiêu, mua sắm không hợp lý khác. Tôi, cung Thiên Bình, là người không quyết định được lựa chọn của mình. Tôi đã từng mua 2 cái áo giống nhau vì không biết chọn màu nào.
Nghĩ lại, có những lúc buồn buồn, tôi đi shopping tiêu hết 10-15 triệu đồng. Đến khi về nhà, tôi mới vỡ lẽ hết tiền rồi, sau đó lại cặm cụi điều chỉnh lại chi tiêu, cắt hết những khoản không cần thiết đến cuối tháng. Thời điểm ấy, tôi kiếm được tiền rồi nên "sinh" ra suy nghĩ phải nâng cấp bản thân bằng cách tìm chỗ ăn ngon hơn, chỗ uống tốt hơn, đi mua sắm thật nhiều, phải làm nail, làm tóc theo trend, bạn bè mình chơi cũng thường xuyên rủ nhau đi ăn đi chơi…
Tới một ngày, tôi tự nhận ra là nếu cứ tiêu tiền như thế này, mình sẽ chẳng dành dụm được tiền, lại không có mục đích tài chính rõ ràng. Tiếp tục "nuông chiều" thói quen này, 5-10 năm nữa, cuộc sống của tôi vẫn chẳng thay đổi gì hết. Tôi rất lo sợ mình khó có thể lập gia đình, khó chăm sóc gia đình hay không thể tự lo cho bản thân nếu có chuyện gì không may xảy ra – khi mình không có trí tuệ về mặt tài chính. Từ đó, tôi bắt đầu học hỏi nhiều hơn về cách quản lý tài chính và cả cách kiếm tiền, đặc biệt là về mặt tư duy.
Vậy, hiện tại chị có hài lòng về kết quả đã nhận được sau khi thay đổi tư duy quản lý tài chính không?
Ồ, bây giờ tôi cảm thấy mình rất sướng (cười)! Tuy nhiên, bạn đừng hiểu lầm là tôi phải hạn chế việc tiêu xài nhé, cái gì xứng đáng tôi sẽ dốc tiền ra mua. Tôi có thể bỏ mấy nghìn USD để mua một khóa học giúp mình phát triển bản thân nhưng nghĩ về chuyện mua một chiếc túi hàng hiệu, tôi thấy mua chẳng để làm gì. Cái túi hôm nay tôi mang theo có giá 270.000 đồng, vừa đựng được nhiều đồ, chất liệu lại chắc chắn và thân thiện với môi trường. Tôi không cần đồ hiệu, chỉ cần thấy được lợi ích của nó, giá tốt, ok, mua luôn!
Tôi thấy cuộc sống bây giờ của mình mới thoải mái, không như trước kia: càng kiếm tiền nhiều, càng stress và càng stress lại càng cần chi tiêu, chi tiêu nhiều lại phải kiếm tiền nhiều. Hay, nhiều người tích tiền để nâng cấp điện thoại, thậm chí có người phải trả góp để mua một chiếc Iphone đời mới. Còn tôi, trong trường hợp điện thoại bị hỏng, tôi sẽ chọn mua cái tốt nhất. Tôi không tiếc tiền cho những thiết bị giúp cuộc sống của mình tiện lợi hơn.
Khi tôi mua ô tô, rất nhiều bạn bè làm trong lĩnh vực tài chính can ngăn tôi rằng ô tô là tiêu sản, phải mất tiền nâng cấp, gửi xe ở bãi, đổ xăng, bảo dưỡng, bảo hiểm… rất tốn kém. Nhưng tôi mua xe vì một, mũi của tôi khá nhạy cảm với bầu không khí ở Hà Nội, hai là tôi không phải đem theo nhiều đồ trên lưng, giảm thiểu áp lực lên cột sống và hơn nữa, giúp tôi tiết kiệm thời gian, tiền bạc khi dẫn chương trình ở tỉnh. Tôi thấy đó là khoản đầu tư đúng đắn, giúp tinh thần thoải mái, cuộc sống được "thăng hạng".
Nhìn lại những khoản tiền chị kiếm được khi còn học Đại học, chắc hẳn khi ấy tinh thần chị cũng thoải mái chứ?
Cách đây 7-8 năm, tôi đi dẫn ở một kênh truyền hình cáp, lương nhận được 3-4 triệu đồng/tháng, mỗi số từ 300.000-400.000 đồng. Sau đó, tôi làm tư vấn du học ở một trung tâm tiếng Anh, lương khoảng hơn 10.000 đồng/giờ; cộng thêm cả những lần đi dẫn event cho sinh viên, cũng bỏ túi vài trăm nghìn mỗi dịp. Vì thế, bố mẹ không tôi tiền học nữa mà để tôi "tự thân vận động". Tôi không thích mình rơi vào trạng thái đi vay nên những tháng không đóng đủ tiền học, phải vay bạn, tôi thấy mình khổ lắm! Thậm chí, đã có lần tôi ngồi khóc đấy, nhiều khi cũng do là sinh viên đi làm bị nợ lương.
Tuy nhiên, qua từng năm, kỹ năng được cải thiện hơn đồng nghĩa với số lương tôi nhận được cao hơn. Cuộc sống sinh viên năm 2 của tôi ổn hơn rất nhiều, lương trên dưới 10 triệu đồng. Cầm cuốn sổ tiết kiệm đầu tiên trị giá 10 triệu đồng mà tôi khóc nức nở. Tới năm thứ 3, tôi làm việc ở một công ty startup, được trả 10 triệu đồng – cùng lúc, tôi được nhận làm việc ở Café sáng ở VTV, thu nhập mỗi số phát sóng lên chữ triệu đồng, khác hẳn với những chương trình sinh viên khác. Làm được vài tháng ở công ty startup, tôi chuyển sang công ty Vật giá, lương offer 12 triệu đồng. Nhưng tôi lại quyết định không theo đuổi công việc văn phòng nữa mà đi con đường riêng của mình.
Bên cạnh đi làm ở doanh nghiệp, tôi còn khởi nghiệp. Đến lần thứ 2, tôi vẫn mất trắng và suy sụp. 3 tháng sau đó chỉ quanh quẩn trong nhà, không nói chuyện với ai, thu nhập không ổn định. Những thứ mọi người thấy tôi bên ngoài: lúc nào cũng xinh đẹp, lộng lẫy, làm việc ở đài truyền hình với những thứ tôi cảm nhận bên trong mình, thật quá chênh lệch! Rồi tôi cũng tự vực mình dậy, bắt tay vào một dự án riêng: làm cà vạt handmade "Tie by TB" với số vốn khởi điểm là 6.686.000 đồng (con số phát lộc may mắn) quyên góp được từ bạn bè, người thân, dụng cụ đi mượn, đi xin, 14 tiếng ở nhà chỉ may đồ, tự mình làm mọi khâu từ mua vải, thiết kế mẫu, chọn packaging.
Tháng đầu tiên, tôi bán được 10 cái trị giá 3 triệu; tháng thứ 2, lãi 9 triệu và số lãi tăng dần theo mỗi tháng. Sau năm đầu tiên, doanh thu từ riêng việc bán cà vạt handmade lên đến 600 triệu đồng. Dự án nhỏ của tôi, sau đó, có tới 3 người vận hành: tôi với "chuyên môn" lên ý tưởng, chọn vải, 1 bạn sale online, cô thợ may gần nhà và 1 bạn làm agency bên ngoài hỗ trợ marketing bán hàng. Nhờ có dự án này, tôi đã tự tin trở lại. Và tôi nhận ra, các bạn trẻ không phải lo mình không đủ tài năng đâu mà do chưa tin tưởng bản thân thôi.
Với lời khuyên áp dụng công thức tài chính 50-30-20, bản thân chị áp dụng vào cách dùng tiền ra sao?
Tôi tin rằng áp dụng công thức tài chính 50-30-20 (khoản tiền dành cho nhu cầu thiết yếu – khoản tiền dành cho những nhu cầu khác như giải trí, mua sắm, học tập – khoản tiền tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp - PV) sẽ giúp cuộc sống của mọi người trở nên tốt hơn. Tôi là người làm được mới dám nói, tôi không nói suông. Tuy nhiên, vì tôi không đi chơi, đi du lịch nhiều nên có những tháng, con số 30 kia tôi gộp vào khoản tiền tiết kiệm.
Bản thân tôi có rất nhiều app và sổ tiết kiệm. Tôi luôn muốn tiết kiệm, vì nếu không cho tiền kiếm được vào sổ tiết kiệm thì tiền sẽ bị tiêu ngay. Thực tế, tôi thấy mình có cứng rắn cỡ nào nhưng hôm nào tâm trạng không tốt là sẽ mua sắm thả phanh luôn. Tôi làm nhiều công việc nên có nhiều nguồn thu nhập. Còn phần lớn mọi người đều đi làm 8 tiếng, chỉ có một khoản lương cố định, tiền có được chưa dư so với nhu cầu, chưa biết kiểm soát tài chính nên con số 50 có thể lẹm vào 30 hoặc thậm chí 20.
Tôi không phải tỷ phú hay triệu phú cao cấp, tôi kiếm tiền chỉ "nhỉnh" hơn mọi người thôi. Nếu thay đổi tư duy tài chính, biết mình cần gì và không cần gì, tôi chắc chắn bạn sẽ hạnh phúc và giàu có hơn đấy!
Làm nhiều công việc cùng một lúc, chị cân bằng cuộc sống của mình ra sao?
Hiện tại tôi là MC, YouTuber, giáo viên dạy tiếng Anh và làm coaching. Tôi gói gọn công việc và hoàn thành theo quy trình. Một ngày điển hình của tôi: sáng dậy từ 5h đi dẫn Café sáng VTV, 8h-9h30 về nhà viết kịch bản và quay luôn đến 12h, ăn cơm nửa tiếng, 13h-16h ngồi dựng video, sau đó nghỉ ngơi, tắm rửa, chuẩn bị bài để dạy lớp tiếng Anh lúc 18h, kết thúc lớp dạy là 20h, họp một lúc tới 21h và tới 22h30 lên giường đi ngủ, kết thúc một ngày.
Buổi sáng tôi thường cố gắng dậy sớm để tập yoga, cải thiện sức khỏe thể chất do ngồi nhiều. Tôi có 4 buổi dạy tiếng Anh trong 1 tuần cộng thêm 1 buổi coaching vào sáng chủ nhật cho các bạn followers. Tất cả những gì tôi làm bây giờ, tôi đều coi là thời gian dành cho bản thân vì tôi đang làm những gì mình thích. Trong 1 tuần, tôi vẫn có một vài ngày dành để sáng tạo. Với tôi, những hoạt động như mua sắm, đi café tám chuyện… không hiệu quả về mặt thời gian lắm và tôi cũng rất ít khi đi du lịch, 1 lần/năm.
Công việc coaching bén duyên với chị như thế nào?
Tôi gặp được một bạn mentor và bạn ấy đã giúp tôi hiểu rõ bản thân cũng như giúp tôi tin vào chính mình. Ngay cả việc đi dạy cũng cho tôi thấy mình có khả năng làm coach. Vì thế, hiện tại, tôi rất tự tin vào bản thân và một khi bạn tự tin vào bản thân, bạn sẽ thấy kiếm tiền không hề khó. Đừng theo đuổi tự do tài chính, hãy theo đuổi tự tin tài chính. Đại dịch Covid-19 có thể khiến nhiều người khổ sở nhưng tôi vẫn cảm thấy mình ổn vì tôi biết rõ năng lực của mình. Tôi chắc chắn trong tương lai, năng lực của mình còn cải thiện hơn rất nhiều.
Vậy còn công việc YouTuber, chị bắt đầu tham gia từ khi nào?
Tôi bắt đầu làm YouTube đều đặn được 1 năm. Mỗi ngày, tôi vẫn sáng tạo bằng cách học hỏi, đọc sách, bồi dưỡng, mở ra thêm nhiều khía cạnh khác nhau. Ban đầu đến với YouTube, tôi chỉ muốn chia sẻ những trải nghiệm của cá nhân, bắt đầu từ việc thay đổi thói quen ăn uống, rèn luyện cuộc sống tích cực và bài học tư duy. Hơn nữa, tôi muốn coi YouTube là một hành trình trưởng thành để xem lại bản thân mình đã tốt hơn ngày hôm qua ra sao và hứa với nó sẽ ra video mỗi tuần để không bỏ cuộc.
Nhưng, sau đó, khi có nhiều người biết đến hơn, vài chục nghìn followers, tôi bỗng nhiên thấy chán. Và "phát hiện" có hàng chục người đang làm chủ đề giống mình, không biết làm sao mình cạnh tranh được. 1-2 tháng sau, tôi làm video khá hời hợt. Cuối cùng, tôi quyết định mình phải giải quyết với chính mình: một là "làm ra môn ra khoai", hai là dừng hẳn. Tuy nhiên, càng làm, tôi càng tìm được những lý do phản biện lại những ý nghĩ chống đối của mình.
Mỗi YouTuber đều có những cá tính riêng. Và khán giả yêu quý mình vì họ tìm được điểm chung của mình với họ. Hiện tại, tôi còn sở hữu một kênh YouTube về làm thiện nguyện. Số tiền kiếm được từ kênh iammaitrang, tôi dành để đầu tư cho Biệt đội bơm lực – mỗi tháng một sự kiện, coi như một cách trả lại cho những gì tôi đã nhận được.
Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!
Trí Thức Trẻ