Từng được định giá tới 8.000 tỷ giờ chỉ còn 700 tỷ, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống ước đã không niêm yết công ty
"Còn chuyện tôi bán cổ phiếu ra, tình thế phải vậy. Trên vai trò người làm startup, máu của tôi là máu tấn công, trong khi Yeah1 lại đang cần chậm lại. Như vậy, trong bối cảnh Công ty chậm lại thì nhiều ý kiến mình đưa ra lại không thống nhất chung được. Đó là câu trả lời của tôi là tôi có tháo hay không? Nếu tháo thì tháo lúc 300.000 đồng/cp chứ bây giờ thì tháo cái gì đâu tháo".
Chiều ngày 15/6/2022, Tập đoàn Yeah1 (YEG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022. Tại đây, Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã có những chia sẻ về thay đổi lớn sắp tới của ban lãnh đạo, đồng thời liên quan đến việc bán hết cổ phiếu sở hữu cá nhân của ông Tống.
"Thời gian qua có một số thông tin hỏi tôi rất nhiều nhưng chưa trả lời. Và có thắc mắc khá nhạy cảm cũng là thắc mắc lớn nhất, rằng ông Tống có bán cổ phiếu để tháo chạy không? Trả lời, nếu nói câu chuyện tháo chạy thì phải tháo lúc đầu, lúc giá cao.
Nhìn lại 3 năm vừa qua thì không riêng Yeah1, mà tất cả công ty, bao gồm công ty niêm yết cũng rất khó khăn. Với tôi, tôi xây Yeah1 từ đầu nên luôn canh cánh làm sao để Yeah1 phát triển mạnh nhất.
Ước là Yeah1 không lên sàn…
Nhưng đã lên rồi thì phải làm sao cho hiệu quả, vì không chỉ lãnh đạo mà rất nhiều cổ đông vào. Và 2 năm qua Covid-19 như đòn đánh rất mạnh vào tham vọng của Yeah1 xây dựng trên nền tảng thương mại truyền thông hiện có. Nhìn lại, bên cạnh khó khăn tiền bạc, thì cũng có những trận địa Yeah1 không đạt được mong muốn. Dù rằng trong quá trình xây nền tảng đó thì Yeah1 cũng có điều tự hào. Đó là đợt dịch rồi Yeah1 có tạo nên một cộng đồng rất mạnh, hỗ trợ người dân thành phố trong mùa dịch. Làm sao thời gian ngắn làm được điều này, đó là nhờ giá trị nền tảng công nghệ - cái mà Yeah1 cũng đang theo đuổi.
Quay trở lại bài toán kinh doanh, năm 2021 có những yếu tố rất đặc biệt với Yeah1: Là năm thứ ba nếu không tạo ra lợi nhuận sẽ ảnh hưởng hàng loạt các cổ đông. Và Yeah1 phải chấp nhận bán nhiều tài sản để xử lý những vấn đề cần thiết.
Còn chuyện tôi bán cổ phiếu ra, tình thế phải vậy. Trên vai trò người làm startup, máu của tôi là máu tấn công, trong khi Yeah1 lại đang cần chậm lại. Như vậy, trong bối cảnh Công ty chậm lại thì nhiều ý kiến mình đưa ra lại không thống nhất chung được.
Đó là câu trả lời của tôi là tôi có tháo hay không? Nếu tháo thì tháo lúc 300.000 đồng/cp chứ bây giờ thì tháo cái gì đâu tháo".
Một trong các nội dung quan trọng được trình và xin ý kiến cổ đông tại Đại hội hôm nay là việc bầu nhân sự mới Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2022-2027 với nhiều gương mặt mới đến từ Tập đoàn Thái Tuấn và Chứng khoán DNSE.
Ông Tống đã rút khỏi HĐQT sau khi đăng ký bán hết cổ phiếu. Nhiệm kỳ mới này, bên cạnh ông Trí - một trong hai nhà sáng lập của Yeah1, danh sách ứng viên có 4 gương mặt mới. Đáng chú ý là sự tham gia của ông Nguyễn Hoàng Giang, được biết đến là CEO trẻ tuổi nhất và cũng là người dẫn dắt nhiều thương vụ M&A đáng chú ý trên thị trường chứng khoán.
Theo kế hoạch kinh doanh, Yeah1 đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 588 tỷ đồng, giảm 45,5% so với năm 2021, trong khi đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 24,7% lên 24,7 tỷ đồng.
Với số vốn thu về từ phương án phát hành, Yeah1 dự kiến bổ sung vốn thực hiện mở rộng hoạt động đầu tư vào mảng truyền thông công nghệ (Digital – Tech Media), công nghệ (Tech) và công nghệ - tài chính (Fintech) và các lĩnh vực liên quan khác để hoàn thiện hệ sinh thái của công ty (bao gồm nhưng không giới hạn việc thành lập doanh nghiệp mới, mua cổ phần/phần vốn góp/góp vốn vào các doanh nghiệp khác hoạt động trong mảng truyền thông công nghệ (Digital – Tech Media), công nghệ, công nghệ - tài chính.
"Cũng trả lời cổ đông về việc Chủ tịch rời có ảnh hưởng đến Công ty không, thì tôi xin trả lời là tôi rất tin tưởng vào chiến lược tới của Yeah1. Chưa kể, lúc đưa Yeah1 lên sàn thì đã xác nhận là công ty đại chúng, và công ty đại chúng thì không phụ thuộc vào một cá nhân nào. Nên việc ông Tống có ngồi lại hay không thì Yeah1 có niềm tin vẫn phát triển bền vững hơn trong tương lai", ông Tống nói thêm.
Lợi nhuận ròng của Yeah1 (tỷ đồng)
Về Yeah1, Công ty từng được mệnh danh là "kỳ lân" khi liên tục tăng trưởng mạnh. Phát triển được 12 năm, Yeah1 trở thành doanh nghiệp truyền thông đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam và gây tiếng vang với mức giá chào sàn kỷ lục, vượt mặt các doanh nghiệp đình đám như Vinamilk hay Sabeco.
Trong đó, người cầm trịch là một trong những doanh nhân trẻ trên sàn chứng khoán. Ông sinh năm 1978. Trước khi thành lập Yeah 1 vào năm 2006, ông Tống từng là diễn viên điện ảnh, biểu diễn thời trang. Ông Tống cũng là giám đốc công ty Song Vũ với việc đào tạo ca sĩ.
Ngoài công việc tại Yeah 1, ông Tống còn được biết đến là Phó chủ tịch Hiệp Hội TM Điện Tử Việt Nam (2011-2016), Ủy viên ban chấp hành Hội doanh nghiệp trẻ Tp.HCM (2014-2017), Uỷ Viên Ban Chấp Hành TW Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam (từ năm 2012)…
Thực tế, YEG sau niêm yết có tăng trưởng mạnh và liên tục công bố các thương vụ đầu tư quốc tế đình đám.
Đến tháng 3/2019, sự cố với YouTube khiến Công ty lao dốc cả về hoạt động kinh doanh lẫn giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Đồng thời, việc phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào ScaleLab để xử lý khủng hoảng đã khiến Yeah1 phải ghi nhận lỗ ròng liên tiếp 385 tỷ đồng năm 2019 và 182 tỷ đồng năm 2020.
Sang năm 2020, Giga1 được giới thiệu là cuộc chơi chiến lược mới của Yeah1. Thậm chí, Giga1 cũng là câu trả lời bản thân lãnh đạo Yeah1 đi tìm kiếm cho câu hỏi tại sao Yeah1 lại ký sinh trên nền tảng YouTube, Google?
Tuy nhiên, dịch covid-19 bùng phát khiến cho hướng đi mới này của Yeah1 gặp nhiều thách thức, doanh thu đã phát sinh nhưng chưa bù đắp được chi phí.
Trí Thức Trẻ