MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từng được rót vốn 85 triệu USD, startup thương mại điện tử phá sản chỉ sau một năm

14-09-2022 - 09:22 AM | Kinh tế số

Trước khi phá sản, Airlift từng là một startup nổi bật tại Pakistan với số vốn huy động kỷ lục. Ảnh: Airlift.

Trước khi phá sản, Airlift từng là một startup nổi bật tại Pakistan với số vốn huy động kỷ lục. Ảnh: Airlift.

Nền tảng startup phân phối mua sắm trực tuyến ở Pakistan, Airlift Technologies, buộc phải đóng cửa khi không hoàn thành vòng gọi vốn mới nhất. Nhà đầu tư lớn nhất đã rút lại cam kết rót vốn, khiến Airlift không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh. Tương tự như Airlift, nhiều startup đều đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn.

Đầu tháng 7, Airlift Technologies - một nền tảng phân phối mua sắm trực tuyến có tiếng trong "làng startup" ở Pakistan - chuẩn bị huy động thêm vốn nhằm mở rộng kinh doanh. Tình hình tưởng chừng như rất khả quan, thế nhưng, chỉ 6 ngày sau đó, công ty đã tuyên bố phá sản vì không thể gọi vốn.

Năm ngoái, Airlift đã huy động được 85 triệu USD trong vòng tài trợ tư nhân lớn nhất nước trước kế hoạch mở rộng ra nước ngoài. Công ty đã tiếp tục vòng gọi vốn mới năm nay, nỗ lực hạn chế chi tiêu để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau đó nhà đầu tư lớn nhất đã rút lại cam kết rót vốn, khiến Airlift không thể tiếp tục hoạt động.

“Tôi và toàn bộ đội ngũ công ty đã rất shock khi vòng đầu tư đổ bể vào phút chót", đồng sáng lập Usman Gul cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Airlift đã không chuẩn bị tinh thần cho sự thay đổi trên thị trường vốn”.

Từng được rót vốn 85 triệu USD, startup thương mại điện tử phá sản chỉ sau một năm - Ảnh 1.

Airlift đã không chuẩn bị tinh thần cho sự thay đổi trên thị trường vốn. Ảnh: Airlift Facebook.

Tăng trưởng lành mạnh, tiến độ đạt lợi nhuận tốt vẫn là chưa đủ để Airlift thuyết phục các nhà đầu tư quên đi nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ. Airlift và hàng loạt các công ty khởi nghiệp ở Pakistan và láng giềng Ấn Độ đều gặp trở ngại khi các nhà đầu tư mạo hiểm đang hạn chế đầu tư vào khu vực này - để hướng đến các các quốc gia và ngành khác mà họ cho là ít rủi ro hơn.

Gul, 33 tuổi, chia sẻ, thật đáng tiếc khi Airlift đã không tranh thủ huy động thêm vốn vào năm ngoái, khi thị trường thuận lợi hơn. Bởi lẽ, năm nay, các nhà đầu tư quan tâm đến tiềm năng thu nhập hơn là tăng trưởng, và yêu cầu giám sát các mô hình kinh doanh của công ty khởi nghiệp chặt chẽ hơn.

Khi Airlift chuẩn bị cho vòng gây quỹ mới nhất, hãng đã cắt giảm hơn 30% nhân sự, giảm quy mô vòng gọi vốn và giá trị công ty. Công ty đã đưa ra nhiều cam kết khi gửi tài liệu cho các nhà đầu tư vào ngày 5/7. Nhưng chỉ 2 ngày sau đó, tính hình đã trở nên tồi tệ, vì nhà đầu tư chính đã trì hoãn rót vốn và muốn chuyển tiền cùng thời điểm với các nhà đầu tư khác.

Trong khi đó, các nhà đầu tư khác yêu cầu gia hạn thời gian chuyển tiền từ 2 đến 3 tháng, với lý do lo ngại về suy thoái toàn cầu nói chung và suy thoái thị trường vốn nói riêng. Chưa đầy một tuần sau cuộc đàm phán, vốn của Airlift đã cạn kiệt và công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố phá sản.

“Chúng tôi đã sai lầm khi không ưu tiên một nhà đầu tư tổ chức có thể tham gia vào nhiều giai đoạn", Gul nói, đề cập đến những nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào nhiều vòng gọi vốn của startup. “Những nhà đầu tư này như Accel hoặc Sequoia, sẽ tin tưởng vào dự án và có thể rót vốn nhiều hơn”.

Gul bày tỏ sư biết ơn khi nhận được sự hỗ trợ từ những nhà đầu tư ban đầu, nhưng cho biết, do quy mô tương đối nhỏ, họ không thể đầu tư nhiều hơn để giúp Airlift thúc đẩy tăng trưởng. Công ty đã nhận được cam kết từ các nhà đầu tư như First Round Capital, Indus Valley Capital, Buckley Ventures, 20VC…trong vòng gần nhất trước khi đổ bể.

Airlift đã “vụt sáng” tại Pakistan sau vòng gọi vốn kỷ lục trong thời điểm đột phá đối với các công ty khởi nghiệp của quốc gia Nam Á. Tổng số vốn của các startup huy động được vượt mức 350 triệu USD. Nhưng sau đó, tốc độ gây quỹ đã giảm đáng kể, khiến các công ty phải tạm hoãn kế hoạch mở rộng kinh doanh.

Tương tự như Airlift, nhiều startup khu vực này đều đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn. VavaCars, công ty mua bán xe ôtô đã qua sử dụng được nhà đầu tư Vitol hậu thuẫn đã phải rút khỏi thị trường Pakistan. Dịch vụ gọi xe Swvl Holdings có trụ sở tại Dubai phải tạm dừng các chuyến xe hàng ngày tại nước này.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, cổ phiếu của startup giao hàng thực phẩm Zomato Ltd. và công ty thanh toán Paytm đã sụt giảm đáng kể, kể từ khi ra mắt thị trường vào năm ngoái. Ngay cả Byju's, công ty khởi nghiệp "kỳ lân" giá trị nhất Ấn Độ với mức định giá 16,5 tỷ USD, cũng phải vật lộn để huy động thêm vốn.

Khởi đầu, Airlift tập trung vào mảng vận hành xe tải và xe buýt nhỏ hướng đến khách hàng là nhân viên văn phòng và sinh viên. Khi công việc kinh doanh suy yếu do ảnh hưởng của đại dịch, công ty đã nhanh chóng chuyển hướng sang thương mại. Trước khi phá sản, công ty khởi nghiệp này đã chi khoảng 85 triệu USD vốn đầu tư trong 18 tháng để xây dựng hơn 70 nhà kho ở Pakistan, mở rộng ở Nam Phi và marketing để tăng cường độ nhận diện và tiếp cận khách hàng.

Theo Gul, trong những nỗ lực cuối cùng nhằm gây quỹ, công ty đã giảm mức chi đến 66% và chỉ khoảng 3 tháng nữa là đạt được lợi nhuận hoạt động, và khoảng 6-9 tháng nữa là đạt được lợi nhuận cấp công ty.

“Chúng tôi sẽ phải rút kinh nghiệm và học hỏi nhiều từ cú ngã này”, Gul nói. “Sự thay đổi của thị trường là một thực tế đòi hỏi chúng tôi phải lập kế hoạch và chuẩn bị tốt hơn”.

Theo Hồng Ngọc (Theo BusinessTech)

Người đồng hành

Trở lên trên