MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từng ghét môn Toán, thích làm thơ, 39 tuổi người đàn ông này lại giành giải 'Nobel Toán học' 2022: Cuộc gặp gỡ định mệnh thay đổi định hướng cuộc đời

15-07-2022 - 10:32 AM | Sống

Từng ghét môn Toán, thích làm thơ, 39 tuổi người đàn ông này lại giành giải 'Nobel Toán học' 2022: Cuộc gặp gỡ định mệnh thay đổi định hướng cuộc đời

Người đàn ông này chưa từng mong muốn trở thành một nhà toán học. Ông thờ ơ với môn học này, thậm chí còn bỏ học trung học để theo đuổi ước mơ trở thành nhà thơ. Nhưng tất cả đã thay đổi khi gặp được người đặc biệt đã đưa ông có được thành công như ngày hôm nay.

Đa số các nhà toán học hàng đầu đều khám phá ra khả năng của mình với môn học này từ khi còn nhỏ và thường giành giải cao trong các cuộc thi quốc tế. Ngược lại, môn toán lại là điểm yếu của June Huh - một trong 4 chủ nhân của huy chương Fields 2022 - giải thưởng được coi như Nobel trong lĩnh vực toán học.

"Tôi học khá tất cả các môn ngoại trừ toán. Khả năng giải toán của tôi chỉ ở mức trung bình, nghĩa là một số bài tôi làm ổn, số khác chỉ đủ điểm để qua môn", ông chia sẻ với New York Times.

Ghét môn toán, bỏ học để theo đuổi ước mơ trở thành nhà thơ

Tiến sĩ Huh sinh năm 1983 tại bang California (Mỹ), nơi cha mẹ ông cùng học cao học. Khi lên 2 tuổi, gia đình ông chuyển về Hàn Quốc sinh sống. Cha ông khi ấy là giảng viên môn Thống kê còn mẹ là một trong những giáo sư ngành Văn học Nga đầu tiên tại Hàn Quốc.

Khi học tiểu học, June Huh từng nhận điểm kém trong bài kiểm tra toán. Vì thế đây được xem là bộ môn ông ghét và né tránh bất cứ khi nào có thể. Cha ông từng thử dạy ông theo một cuốn sách bài tạp, nhưng thay vì cố giải bài toán, ông sẽ chép đáp án ở mặt sau, Quanta Magazine đưa tin.

Khi phát hiện con trai làm điều này, cha của ông đã xé phần đáp án. Nhưng Huh không từ bỏ. Ông đến các hiệu sách địa phương và chép đáp án từ cuốn sách khác bày bán tại đó. "Kể từ đó, bố tôi bỏ cuộc", Huh kể lại.

Từng ghét môn Toán, thích làm thơ, 39 tuổi người đàn ông này lại giành giải Nobel Toán học 2022: Cuộc gặp gỡ định mệnh thay đổi định hướng cuộc đời - Ảnh 1.

Tiến sĩ Huh từng không thích môn toán.

Kể từ đó, ông nghĩ rằng mình không thể học giỏi bộ môn này và chuyển hướng tìm hiểu những bộ môn xã hội như văn học. Thời niên thiếu, Huh mơ ước trở thành nhà thơ. "Tôi biết rằng mình thông minh nhưng không thể chứng minh điều ấy thông qua điểm số nên tôi lựa chọn làm thơ", ông nói.

Huh từng viết rất nhiều bài thơ, một vài cuốn tiểu thuyết với nội dung xoay quanh những trải nghiệm thời niên thiếu, nhưng chưa từng gửi đến nhà xuất bản. Năm 16 tuổi, ông quyết định bỏ học lớp 10 để theo đuổi sở thích sáng tạo này.

Ông dự định hoàn thành kiệt tác trong vòng 2 năm, sáng tác thơ về thiên nhiên và trải nghiệm cá nhân trước khi vào đại học. Thế nhưng, kế hoạch đó bị thất bại.

Năm 19 tuổi, Huh nộp hồ sơ vào chuyên ngành Báo chí Khoa học tại Đại học Seoul, ngôi trường danh giá bậc nhất Hàn Quốc. Tuy nhiên, nam sinh này cũng thường xuyên trốn học, dẫn đến việc phải học lại vài môn. "Tôi như người mất phương hướng, không biết mình muốn làm gì, không biết mình giỏi cái gì", ông chia sẻ.

Người thầy dẫn lối

Đến năm cuối đại học, ông mới bắt đầu đi sâu nghiên cứu môn toán. Huh gặp nhà toán học nổi tiếng người Nhật, Heisuke Hironaka đến trường ông với tư cách là giảng viên thỉnh giảng. Thời điểm đó, Hironaka hơn 70 tuổi và là nhà toán học nổi tiếng ở Hàn Quốc và Nhật bản. Ông từng nhận huy chương Fields năm 1970.

Tại ĐH Quốc gia Seoul, Hironaka dạy khóa học kéo dài một năm về chủ đề "Hình học đại số". Vì muốn phỏng vấn nhà toán học này cho bài báo đầu tiên của mình, Huh đã chăm chỉ tham dự tất cả các buổi học.

Từng ghét môn Toán, thích làm thơ, 39 tuổi người đàn ông này lại giành giải Nobel Toán học 2022: Cuộc gặp gỡ định mệnh thay đổi định hướng cuộc đời - Ảnh 2.

Các công trình của ông Huh liên quan đến lĩnh vực toán học tổ hợp.

Ban đầu lớp thu hút hơn 100 học viên nhưng họ nhanh chóng từ bỏ vì cảm thấy khó hiểu. Cuối cùng chỉ còn lại 5 người, trong đó có Huh.

Môn toán qua lối giảng dạy của Tiến sĩ Hironaka trở nên hấp dẫn với sinh viên Huh. Bởi các bài giảng của tiến sĩ người Nhật không trau chuốt như trong giáo án - nơi các đáp án có sẵn và mọi thứ sắp xếp hợp lý.

Kết thúc mỗi buổi học Huh thường ở lại trò chuyện cùng Tiến sĩ và 2 người dùng cơm trưa cùng nhau. Ông cố gắng tận dụng thời gian bữa trưa để hỏi Hironaka về bản thân nhưng mọi câu chuyện đều dẫn đến toán học. Khi đó, Huh cố gắng không để lộ mình không giỏi toán và tiến sĩ cũng không hề hay biết về trình độ toán học của người học trò đối diện.

Nhờ những cuộc trò chuyện đó, thầy Hironaka đã trở thành cầu nối giữa Huh và toán học. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục lấy bằng thạc sĩ với sự hướng dẫn của vị Tiến sĩ. Năm 2009, ông nộp đơn vào khoảng 10 trường cao học ở Mỹ để theo đuổi bằng tiến sĩ nhưng đều bị từ chối.

Lý do bởi hồ sơ của Huh còn mỏng về nền tảng toán học. Ông không phải sinh viên ngành Toán học, chỉ học một vài lớp sau đại học và không có thành tích nổi bật. Tuy nhiên nhờ thư giới thiệu của Tiến sĩ Hironaka, Huh được nhận vào ĐH Illinois tại Urbana-Champaign, Mỹ.

Từng ghét môn Toán, thích làm thơ, 39 tuổi người đàn ông này lại giành giải Nobel Toán học 2022: Cuộc gặp gỡ định mệnh thay đổi định hướng cuộc đời - Ảnh 3.

Tiến sĩ Heisuke Hironaka (trái) chụp ảnh cùng vợ chồng June Huh

Tại Illinois, ông bắt đầu nghiên cứu về toán tổ hợp - lĩnh vực toán học tìm ra số cách có thể bố trí vật thể.

Ví dụ, cho một hình tam giác với một số màu nhất định, có bao nhiêu cách để tô các đỉnh sao cho 2 đỉnh của mỗi cạnh không cùng màu? Biểu thức giúp đưa ra đáp án cho những câu hỏi như thế này còn được gọi là đa thức màu. Hình càng khó, độ phức tạp của đa thức càng cao.

Nhờ dùng các công cụ có từ làm việc của Tiến sĩ Hironaka, ông Huh đã chứng minh được giả thuyết của Read - giả thuyết mô tả chính chất toán học của các đa thức mùa này.

Vào năm 2015, Tiến sĩ Huh cùng với Eric Katz và Karim Adiprasito đã chứng minh được giả thuyết Rota. liên quan đến các tổ hợp trừu tượng hơn, hay còn gọi là ma trận, thay vì tam giác hay hình học khác.

Matroid có một bộ đa thức khác và mang những tính chất tương tự đa thức màu. Nghiên cứu của họ cũng kéo theo một mảnh ghép bí ẩn của hình học đại số gọi là lý thuyết Hodge, được đặt theo tên của nhà toán học người Anh William Vallance Douglas Hodge.

Công trình này đã để lại dấu ấn đặc biệt trong hồ sơ toán học của Huh. Năm 2022, ở tuổi 39, nhà toán học June Huh được trao tặng Huy chương Fields nhằm tôn vinh đóng góp của ông trong lĩnh vực toán tổ hợp. Đây là giải thưởng toán học danh giá hàng đầu được ví như "Nobel Toán học".

Theo Nytimes, Quantamagazine

https://cafef.vn/tung-ghet-mon-toan-thich-lam-tho-39-tuoi-nguoi-dan-ong-nay-lai-gianh-giai-nobel-toan-hoc-2022-cuoc-gap-go-dinh-menh-thay-doi-dinh-huong-cuoc-doi-20220714220020208.chn

Đinh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên