MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tung hàng triệu liều, Ấn Độ trở thành "siêu quyền lực", vượt TQ trong ngoại giao vaccine

15-02-2021 - 16:26 PM | Tài chính quốc tế

Tung hàng triệu liều, Ấn Độ trở thành "siêu quyền lực", vượt TQ trong ngoại giao vaccine

Ở thời điểm Nam Phi nhận được vaccine từ Ấn Độ, Trung Quốc cũng thông báo sẽ hỗ trợ vaccine cho Pakistan, đối thủ cạnh tranh của Ấn Độ.

Vaccine Covid-19: trận chiến mới trong cạnh tranh địa chính trị

Khi một máy bay của Hải quân Ấn Độ hạ cánh xuống quốc gia quần đảo Seychelles vào tháng trước, ngoại trưởng nước này và các quan chức cấp cao khác đã có mặt ở trên đường băng để chào đón hàng hóa quý giá: 50.000 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất.

Hai tuần trước đó, quốc đảo Ấn Độ Dương có tổng dân số 98.000 người, đã nhận được một lô hàng riêng biệt gồm 50.000 liều vaccine Sinopharm được sản xuất tại Trung Quốc, trong một nỗ lực xâm nhập chiến lược vào khu vực mà Ấn Độ đã có ảnh hưởng.

Ở thời điểm Nam Phi nhận được vaccine từ Ấn Độ, Trung Quốc cũng thông báo sẽ hỗ trợ vaccine cho Pakistan, đối thủ cạnh tranh của Ấn Độ.

Vaccine Covid-19 đang trở thành một hình thức ngoại giao quan trọng trên toàn thế giới, khi các quốc gia đua nhau giành quyền lực mềm.

Nam Phi đã nhận khoảng 1 triệu liều vaccine Covishield được sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ (Serum Institute of India) ở thời điểm quốc gia Nam Á đang thúc đẩy chiến lược ngoại giao vaccine nhằm cải thiện hình ảnh trên trường quốc tế, qua đó trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.

Covishield là tên gọi địa phương của vaccine do hãng dược phẩm AstraZeneca hợp tác phát triển cùng trường đại học Oxford. Vaccine được phát triển tại Anh và sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ.

Khi đón các chuyến hàng vaccine, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo Nam Phi dự kiến sẽ sớm nhận thêm 500.000 liều vaccine từ Viện Huyết thanh Ấn Độ vào cuối tháng 2/2021.

Hiện quốc gia này đã đạt được thoả thuận nhận 12 triệu liều vaccine từ Covax, sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chương trình này thông báo sẽ phân phối 2 triệu liều vaccine vào tháng 3 tới.

Ấn Độ, vốn là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đang sử dụng lợi thế của mình để cung cấp vaccine cho các quốc gia láng giềng, cũng như các nước thu nhập thấp và trung bình tại châu Phi. Nước này cũng cam kết sẽ sẽ hỗ trợ 20 triệu liều vaccine cho các nước láng giềng bao gồm Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Afghanistan, Seychelles và Mauritius.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi xác nhận vào tuần trước về việc Ấn Độ đã đồng ý sẽ cung cấp cho châu lục này thêm khoảng 400 triệu liều vaccine Covid-19.

Ban đầu, châu Phi đã kí thoả thuận mua 270 triệu liều vaccine từ Pfizer, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Châu lục này cũng kì vọng sẽ nhận khoảng 400 triệu liều từ Ấn Độ và 700 triệu liều khác từ Covax nhằm hỗ trợ các nước thu nhập thấp.

Ấn Độ trở thành "siêu quyền lực"

Lawrence Gostin, giám đốc Viện nghiên cứu luật y tế quốc gia và quốc tế thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) nói rằng Ấn Độ, và đặc biệt là Viện Huyết thanh Ấn Độ, sẽ đóng vai trò là động lực nhằm phân phối vaccine cho toàn thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Gostin nhận định Ấn Độ và Trung Quốc đã luôn đối đầu về mặt địa chính trị trong nhiều năm trở lại đây, nhưng sự cạnh tranh chỉ mới trở nên căng thẳng gần đây. Ông cho rằng Trung Quốc đã có một quá trình lịch sử dài nhằm tìm kiếm lợi thế về chính trị, thương mại và ngoại giao từ các chương trình hỗ trợ nhân đạo.

"Ví dụ, Trung Quốc đã sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để thúc đẩy các lợi ích về quân sự và kinh tế. Ngoài ra, nước này cũng đang sử dụng vaccine để tạo dựng lợi thế tương tự về mặt địa chính trị", ông nói.

Tuy nhiên, "Ấn Độ trong quá khứ không có động thái tìm kiếm các lợi ích thông qua các chương trình hỗ trợ y tế", ông nói. Ấn Độ từ nhiều năm đã luôn được xem như một đối tác hữu ích nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine với chi phí hợp lý cho các quốc gia thu nhập thấp. Tôi nghĩ rằng xu hướng đó sẽ còn tiếp diễn".

Akhil Bery, chuyên gia phân tích về rủi ro chính trị tại Tập đoàn Eurasia, cho rằng Ấn Độ đang ở vị trí thuận lợi trong cuộc chạy đua nhằm giành lợi thế ngoại giao về vaccine, nhất là khi quốc gia này đã sản xuất khoảng 60% lượng vaccine trên toàn cầu.

"Sự cạnh tranh về ngoại giao vaccine giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã có ảnh hưởng tới Nam Á; Ấn Độ đã hỗ trợ vaccine cho các nước láng giềng trước Trung Quốc và vào lúc này, Bắc Kinh đang nỗ lực bắt kịp Ấn Độ", Bery nói.

Bery nói rằng Ấn Độ đã thông báo sẽ cung cấp 10 triệu liều vaccine cho châu Phi, và dự kiến sẽ còn tiếp tục khi vaccine đang cho thấy tính hiệu quả trước Covid-19, "nhiều khả năng chúng ta sẽ thấy 2 nước tiếp tục cạnh tranh về chiến lược ngoại giao vaccine để gia tăng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu".

Kể từ khi bắt đầu xuất khẩu vắc xin vào tháng trước, Ấn Độ đã vận chuyển 23 triệu liều, với 6,5 triệu liều được chính phủ tặng cho các nước láng giềng trong khu vực như Seychelles, Afghanistan, Bangladesh và Campuchia.

Ashok Malik, cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết: "Nhiều quốc gia khi nghĩ đến vaccine, họ nghĩ đến Ấn Độ.

Cho đến nay, với cơ sở hạ tầng tiêm chủng vẫn đang được thiết lập, Ấn Độ đã xuất khẩu gấp 3 lần số lượng liều mà nước này đã cung cấp cho công dân của mình. Trong khi đó, các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc đã trì hoãn các chuyến hàng ra nước ngoài khi làn sóng dịch bệnh mới tiếp tục bùng phát trong nước.

"Một trong những thách thức đối với Trung Quốc là làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu tiêm chủng trong nước và nhu cầu quốc tế, Điều đó sẽ mang lại cho Ấn Độ cơ hội cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc", Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết.

Theo Minh Khôi

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên