Từng là con gà đẻ trứng vàng, Nhà ga quốc tế Cam Ranh của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lỗ âm vốn chủ chỉ sau 2 năm Covid
Dự án Nhà ga Quốc tế Cam Ranh - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh từng là công trình tâm huyết của ông Hạnh Nguyễn với mức đầu tư ban đầu là 3.735 tỷ đồng, nhưng dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.
- 17-02-2022Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn: Nhà đầu tư Mỹ đã đồng ý rót 10 tỷ USD vào các dự án trung tâm tài chính quốc tế ở TP. HCM và Đà Nẵng
- 17-02-2022Hồ sơ lập Hãng hàng không vận tải hàng hoá IPP Air Cargo của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn đã lên bàn thẩm định của Cục Hàng không
Theo báo cáo tài chính của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (Nasco) – doanh nghiệp có lượng vốn cổ phần lớn thứ hai CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) sau Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IIP Group) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, tại ngày 31/12/2021, CRTC có nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.
Được biết, CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh chính là chủ đầu tư dự án Nhà ga Quốc tế Cam Ranh - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là công trình tâm huyết được đầu tư bởi 5 nhà đầu tư gồm: Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP Group), Công ty cổ phần Việt Xuân Mới, Công ty Giao nhận hàng hoá Nasco và Công ty cổ phần hàng không Vietjet. Trong đó, IPP Group chiếm 55% cổ phần, Nasco chiếm 15% còn 3 công ty còn lại, mỗi công ty sở hữu 10% cổ phần CRTC.
Nhà ga quốc tế Cam Ranh được khởi công từ tháng 9/2016, xây dựng và hoàn thiện trong vòng 19 tháng. Dự án được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép khai thác vào ngày 28/06/2018 và chính thức khánh thành đi vào hoạt động ngày 30/06/2018 với mức đầu tư ban đầu là 3.735 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 50.500 m2. Thiết kế mang hình tổ chim yến, loài chim đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa, Nhà ga quốc tế Cam Ranh được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị hàng không hiện đại, đạt tiêu chuẩn 4 sao của Skytrax.
Năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã phục vụ 10 triệu khách hàng thông qua cảng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 trở thành đại dịch lan rộng khắp thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không thế giới và cả Việt Nam. Nỗ lực kiểm soát đại dịch, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp như giãn cách xã hội, hạn chế người đến từ vùng dịch, …. Nhà ga Cam Ranh bị ảnh hưởng khá nặng nề trong khi mới khánh thành được gần 2 năm.
Năm 2020, CRTC ghi nhận doanh thu chỉ đạt 222 tỷ đồng, bằng 16% của năm 2019 và còn chưa bằng 1 nửa của năm 2018 dù năm 2018 CRTC chỉ hoạt động nửa năm. Công ty lỗ sau thuế 469 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2021, dù chưa biết rõ số cụ thể nhưng dựa vào thông tin của Nasco, ta biết CRTC đã lỗ âm vốn chủ sở hữu.
Dù vậy, ông Hạnh Nguyễn vẫn đang nung nấu tham vọng với hàng không. Năm 2021, ông thành lập IPP Air Cargo và dự án đang được Cục Hàng không thẩm định đề án mở hãng hàng không vận tải hàng hoá. Đây là dự án hàng không chuyên biệt vận tải hàng hoá đầu tiên tại Việt Nam, có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng.
Dự tính, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng; đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. Và dự kiến sẽ bắt đầu có lãi từ năm thứ 3.
Ông Hạnh Nguyễn có kế hoạch xây 5 kho logistics tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cần Thơ và sau này là Long Thành để đưa hàng từ nước ngoài về tập kết tại các hub này. Sau đó, IPP Air Cargo sẽ dùng máy bay chở hàng, phủ sóng đến 16 sân bay nội địa khác.