MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từng là đế chế bất động sản lớn mạnh nhất thế giới, công ty này đang trở thành 'nỗi đau đầu' kinh hoàng của Trung Quốc

28-07-2021 - 20:02 PM | Tài chính quốc tế

Từng là đế chế bất động sản lớn mạnh nhất thế giới, công ty này đang trở thành 'nỗi đau đầu' kinh hoàng của Trung Quốc

Ngay cả khi đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ tạo sự chú ý với thị trường toàn cầu, thì nhà đầu tư nước này đang hướng ánh mắt đến Evergrande. Từ Hồng Kông đến New York, những câu hỏi tương tự liên tục xuất hiện: Liệu mọi thứ sẽ tồi tệ đến mức nào?

Từng là đế chế bất động sản lớn mạnh nhất thế giới, công ty này đang trở thành nỗi đau đầu kinh hoàng của Trung Quốc  - Ảnh 1.

Từ trung tâm của siêu đô thị Thâm Quyến, Hứa Gia Ấn - một trong những người giàu nhất Trung Quốc muốn truyền tải một thông điệp. Thời gian gần đây, ông và tập đoàn bất động sản China Evergrande đang nợ chồng chất liên tục đón nhận những tin xấu. Tuy nhiên, ở cuộc họp báo diễn ra vào đầu tháng này, ông Hứa lại mỉm cười và nói rằng Evergrande sẽ vượt qua được những khó khăn, dù cổ phiếu đang lao dốc và có khả năng vỡ nợ trái phiếu.

Song, nhà đầu tư không chắc chắn liệu vị tỷ phú này sẽ làm cách nào để thực hiện lời thông báo đó. Evergrande đang nhanh chóng trở thành nỗi lo về tài chính lớn nhất đối với Trung Quốc - một quốc gia vốn đã có nhiều vấn đề trong lĩnh vực này.

Ngay cả khi đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ tạo sự chú ý với thị trường toàn cầu, thì nhà đầu tư nước này đang hướng ánh mắt đến Evergrande. Từ Hồng Kông đến New York, những câu hỏi tương tự liên tục xuất hiện: Liệu mọi thứ sẽ tồi tệ đến mức nào? 

Câu trả lời rất ngắn gọn là: cực kỳ tồi tệ. Dù không nổi tiếng tầm cỡ thế giới như Alibaba, nhưng quy mô hoạt động của Evergrande là rất đáng kinh ngạc. Chỉ 3 năm trước, đây là công ty bất động sản lớn nhất thế giới. Theo Bloomberg Billionaires Index, ông Hứa sở hữu khối tài sản 42 tỷ USD, là giàu người thứ 2 Trung Quốc sau Jack Ma.

Từng là đế chế bất động sản lớn mạnh nhất thế giới, công ty này đang trở thành nỗi đau đầu kinh hoàng của Trung Quốc  - Ảnh 2.

Sau nhiều năm tăng trưởng ấn tượng và đẩy mạnh việc đi vay, Evergrande và nhà sáng lập đã phải chịu hậu quả. Trong 12 tháng qua, cổ phiếu của công ty này đã giảm hơn 70% và trái phiếu cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục là dưới 50 cent. Theo đó, 20 tỷ USD đã bị "thổi bay" khỏi khối tài sản của ông Hứa, về mặt lý thuyết.

Nhưng tin xấu vẫn đến dồn dập với Evergrande. S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng tín dụng của công ty này xuống 2 bậc vào hôm thứ Hai. Ngày hôm sau, cổ phiếu tập đoàn bất động sản giảm 13% sau khi công ty quyết định không trả cổ tức đặc biệt và lo ngại về động thái gắt gao của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ, giáo dục.

Để xoa dịu tâm lý nhà đầu tư và ngăn chặn trường hợp vỡ nợ, ông Hứa đã đưa ra một loạt các ý tưởng, từ mua cổ phiếu quỹ cho đến bán bớt những mảng kinh doanh của công ty. Theo Bloomberg Intelligence, có thể đã đến lúc Evergrande phải hành động triệt để hơn, ví dụ như bán một lượng lớn cổ phần cho một thực thể nhà nước.

Song, Iris Chen - chuyên gia phân tích tín dụng của Nomura, nhận định: "Evergrande khó có thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này vì niềm tin của các bên liên quan đã sụp đổ."

Từng là đế chế bất động sản lớn mạnh nhất thế giới, công ty này đang trở thành nỗi đau đầu kinh hoàng của Trung Quốc  - Ảnh 3.

Thời gian không còn nhiều, Evergrande chỉ còn 8 tháng kể từ bây giờ để thanh toán khoản trái phiếu 2 tỷ USD sẽ đến hạn vào tháng 3 và 1,45 tỷ USD vào tháng tiếp theo. Dù công ty đã hoàn trả tất cả các trái phiếu công trong năm nay, nhưng việc tái cấp vốn vào năm 2022 sẽ là một thách thức nếu khả năng tiếp cận thị trường vốn của họ không hồi phục kịp thời, S&P cho biết. Hiện tại, thị trường đang đưa ra những dấu hiệu cho thấy các trái chủ có thể sẽ không được hoàn trả đầy đủ.

Đây chính là "nỗi đau đầu" đối với Bắc Kinh. Tỷ phú Hứa là một nhà từ thiện nổi tiếng, gây được ấn tượng tốt với các nhà lãnh đạo nước này. Ông đã phát triển các dự án ở khắp Trung Quốc, có mặt ở hơn 225 thành phố. Với khoản nợ 300 tỷ USD và liên quan đến vô số các ngân hàng, nhà phát triển này sẽ gây ra sự chấn động lớn đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế Trung Quốc nếu vỡ nợ.

Jennifer James - giám đốc danh mục đầu tư của Janus Henderson Investors, cho biết: "Rõ ràng rằng vấn đề này đang trở nên nóng hơn. Chính phủ Trung Quốc có thể phải hành động nhanh chóng nếu họ muốn ngăn tình huống xấu xảy ra. Rủi ro mang tính hệ thống và xã hội là cực kỳ cao."

Câu hỏi được đặt ra là, liệu Bắc Kinh có "giải cứu" Evergrande hay không, nếu ông Hứa không còn lựa chọn nào khác để giải quyết núi nợ vài trăm tỷ USD?

Việc chính phủ cứu trợ một công ty lớn và có nhiều sự kết nối như Evergrande có thể sẽ ngăn chặn một cuộc sụp đổ lớn. Tuy nhiên, động thái ấy cũng là "ngầm" bỏ qua cho kiểu vay nợ thiếu kiểm soát vốn đã diễn ra trước đây, ví dụ như các trường hợp của Anbang và HNA Group.

Từng là đế chế bất động sản lớn mạnh nhất thế giới, công ty này đang trở thành nỗi đau đầu kinh hoàng của Trung Quốc  - Ảnh 4.

Nhà đầu tư nước ngoài đang băn khoăn: Liệu các công ty chủ chốt của Trung Quốc có còn được coi là quá lớn để sụp đổ hay không và điều gì sẽ xảy ra nếu câu trả lời là không?

Trên TTCK, "phe con gấu" đang nhắm đến Evergrande. Theo IHS Markit, tỷ lệ bán khống đối với Evergrande chiếm tới 20% số cổ phiếu free float. Cổ phiếu này cũng giao dịch ở mức đáy 4 năm là dưới 6 HKD và hiện đang thuộc nhóm penny với giá 75 cent tính theo USD.

Yếu tố đáng lo ngại hơn là sự cứng rắn của các chủ nợ. 3 ngân hàng cho Evergrande vay 7,1 tỷ USD gần đây đã quyết định không gia hạn các khoản vay đáo hạn trong năm nay. Trong khi đó, nhà cho vay trong nước China Minsheng Banking đang có kế hoạch để thảo luận về khoản nợ của Evergrande và chờ quyết định của chính quyền.

Chỉ trong tuần trước, ít nhất 4 ngân hàng lớn của Hồng Kông đã ngừng gia hạn cho khoản thế chấp 2 dự án phát triển căn hộ của Evergrande tại đây, do lo ngại họ không đủ thanh khoản để xây dựng. Sau đó, họ đã cân nhắc lại sau khi Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đặt câu hỏi về việc này.

Từng là đế chế bất động sản lớn mạnh nhất thế giới, công ty này đang trở thành nỗi đau đầu kinh hoàng của Trung Quốc  - Ảnh 5.

Evergrande hiện đang nỗ lực giảm bớt quy mô. Ông Hứa đã bán cổ phần trong nhiều mảng kinh doanh và thời gian tới có thể sẽ bán ra nhiều hơn nữa. Theo Agnes Wong - nhà phân tích tại BNP Paribas, công ty này có khoảng 80 tỷ USD cổ phần trong các lĩnh vực kinh doanh ngoài bất động sản.

Trong năm nay, nhà phát triển này đã huy động được gần 8 tỷ USD, nhờ bán cổ phần trong bộ phận xe điện, internet, công bất động sản ở Hàng Châu và nền tảng online FCB Group. Nhờ đó, khoản nợ của công ty đã giảm khoảng 20% xuống còn 570 tỷ CNY (88 tỷ USD) vào cuối tháng 6.

Nguồn tin thân cận cho biết, Evergrande đang dự định niêm yết mảng du lịch. Ngoài ra, công ty này còn sở hữu mảng kinh doanh suối nước nóng và dịch vụ y tế. Song, vì doanh thu khó đạt mức dự kiến trước thời điểm cuối năm sau, nên việc huy động vốn từ những bộ phận này không thể nhanh chóng bù đắp cho khoản nợ. Evergrande cũng đang đàm phán với các đối thủ để bán các dự án bất động sản trên toàn quốc.

Ngoài ra, ông Hứa cũng có thể nhờ đến sự giúp đỡ của "Câu lạc bộ Big Two" bao gồm các tỷ phú bất động sản khác của Trung Quốc. Theo Bloomberg, những người bạn tỷ phú của ông đã tham gia vào các giao dịch có tổng giá trị ít nhất 16 tỷ USD với Evergrande trong thập kỷ qua.

Từng là đế chế bất động sản lớn mạnh nhất thế giới, công ty này đang trở thành nỗi đau đầu kinh hoàng của Trung Quốc  - Ảnh 6.

Tuy nhiên, cuối cùng, "số phận" của Evergrande có thể lại phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ phía Bắc Kinh hoặc các chính quyền cấp tỉnh, thực thể nhà nước. Đầu tháng 7, chính quyền tỉnh Quảng Đông - nơi Evergrande đặt trụ sở, đã tổ chức một cuộc họp với công ty này để thảo luận về các giải quyết những vấn đề về nợ của họ.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế thiệt hại và kiềm chế sự bành trướng của các ông trùm, thì dù cuộc giải cứu hay tái cấu trúc nào diễn ra, ông Hứa cũng phải chịu hậu quả đáng kể. Hãy nhìn vào trường hợp của tỷ phú Zhang Jindong. Ông đã mất quyền kiểm soát chi nhánh bán lẻ đang gặp khó khăn về tài chính, theo yêu cầu của khoản cứu trợ 1,36 tỷ USD từ nhà nước. Có thể, điều này sẽ xảy ra với ông Hui.

Song, vẫn có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh hoặc các thực thể nhà nước, chính quyền tỉnh sẽ không để Evergrande sụp đổ hoàn toàn. Tuần trước, phó thị trưởng của một thành phố phía bắc Trung Quốc đã thúc giục các doanh nghiệp nhà nước mua cổ phần của Evergrande trong Shengjing Bank (hiện đang nắm giữ 36%).

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên