MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từng là 'gà đẻ trứng vàng', tại sao xe hạng A như Kia Morning, Hyundai i10 ngày càng bán kém ở Việt Nam?

28-02-2024 - 10:46 AM | Thị trường

Gần đây, hàng loạt mẫu xe cỡ nhỏ, giá dưới 500 triệu đồng liên tục mất sức hút đối với người tiêu dùng Việt.

Quãng trầm với phân khúc xe hạng A tại Việt Nam

Cho đến cách đây vài năm, một số mẫu xe giá rẻ, chẳng hạn như Kia Morning, Hyundai Grand i10, vẫn được xem là mẫu "vua doanh số" với khoảng 20.000 chiếc bán ra mỗi năm, là "con gà đẻ trứng vàng" mang lại hiệu quả kinh tế đáng kinh ngạc cho các ông lớn ngành sản xuất ô tô. 

Vài năm gần đây, các mẫu này không còn hấp dẫn khách hàng như trước, doanh số giảm mạnh. Trong đó, Kia Morning tiêu thụ được 1.467 chiếc trong năm 2023, còn Hyundai Grand i10 khá hơn với doanh số hơn 7.000 chiếc nhờ có nhiều phiên bản, theo số liệu được đăng tải trên báo Người lao động

Từng là

Kia Morning, Hyundai Grand i10 hiện có doanh số giảm nhiều so với thời hoàng kim.

Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Motor, doanh số phân khúc xe hạng A cũng giảm mạnh trong tháng đầu tiên của năm 2024. Tổng doanh số bán hàng của các mẫu xe cỡ nhỏ giá rẻ đạt 632 xe, giảm 59% so với con số 1.526 xe trong tháng cuối cùng của năm 2023.

Trong phân khúc xe đô thị cỡ nhỏ hiện chỉ còn ba mẫu Hyundai Grand i10, KIA Morning, Toyota Wigo với doanh số khá ảm đạm. 

Trước đó, các mẫu xe như VinFast Fadil, Honda Brio đã lần lượt rút chân, để lại khoảng trống khá lớn trong phân khúc. 

Giá rẻ nhất, vì sao xe hạng A vẫn mất dần vị thế dẫn đầu doanh số?    

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giảm doanh số của xe hạng A ở Việt Nam.

Thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng: An toàn và tiện nghi hơn

Nguyên nhân chính dẫn đến việc các dòng ô tô giá rẻ bị giảm sức mua lớn, dù trước đây được khách hàng ưu ái lựa chọn, là bởi nhu cầu, tâm lý tiêu dùng đã thay đổi theo hướng quan tâm đến các bản hoặc dòng xe cao cấp hơn. 

Trên báo Người lao động, bà Nguyễn Thị Ngân Hà, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ô tô Phương Nguyên, cho hay 70% - 80% khách hàng hiện có xu hướng chọn xe bản cao cấp bởi quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn của bản thân và gia đình. Nhiều hãng xe cũng nhận định người tiêu dùng không còn coi ô tô là phương tiện di chuyển tiện lợi, mà đòi hỏi ngày càng cao về tính an toàn và tiện nghi.

Cũng trên báo Người lao động, ông Thái Quang Huy, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Dịch vụ Sài Gòn Ô tô Gia Định chia sẻ: "Khách hàng ngày càng quan tâm và đặt độ an toàn của xe lên hàng đầu, sau đó mới đến yếu tố giá. Nhiều người có khoảng 300 - 400 triệu đồng sẽ chọn mua ô tô dòng cao cấp đã qua sử dụng chứ không mua xe mới giá rẻ nữa."

Trao đổi với báo Pháp luật TPHCM, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết xu thế của người dùng đang dần dịch chuyển sang với nhu cầu xe to hơn, đa dụng và tiện lợi hơn. 

“Xe nhỏ khó bán hơn xe lớn bởi vì người tiêu dùng thích tiện nghi, an toàn hơn. Nhiều người đi xe công nghệ mà thấy xe nhỏ đôi khi họ cũng không thích, do đó càng ngày càng giảm nhu cầu”- ông Đồng nhận định.

Sự ra đời của các mẫu xe mới "xịn" hơn với giá cạnh tranh

Giá rẻ là yếu tố khiến phân khúc xe hạng A trở thành lựa chọn hàng đầu của người mua xe với nhu cầu kinh doanh hay các gia đình và những người lần đầu mua xe. Tuy nhiên, điểm mạnh trên đang dần bị xóa nhòa thông qua sự ra đời của hàng loạt mẫu xe và phân khúc mới như SUV hạng A (có thể kể đến Kia Sonet hay Toyota Raize) , sở hữu giá bán tương đối dễ tiếp cận nhưng lại ghi điểm nhờ yếu tố gầm cao cùng động cơ khỏe. 

Khi lợi thế về giá bán dần bị xóa nhòa bởi khoảng giá của các đối thủ ở phân khúc lân cận, xe cỡ nhỏ hạng A dần mất đi thị phần tại thị trường Việt Nam qua từng năm.

Từng là

Những mẫu xe gầm cao hạng A mới ra gần đây cũng tạo áp lực lên doanh số của những dòng xe hatchback hạng A.

Làn sóng xe điện mini giá rẻ

Làn sóng xe điện mini giá rẻ cũng là nỗi lo lớn với các mẫu xe phân khúc hạng A. Hồi tháng 2/2023 , TMT Motors xác nhận sẽ lắp ráp và phân phối mẫu xe điện cỡ nhỏ Wuling HongGuang MiniEV tại thị trường Việt Nam. 

Ở Trung Quốc, Wuling HongGuang MiniEV được niêm yết với giá khởi điểm 4.766 USD, tương đương với việc người dân chỉ phải trả khoản tiền chưa đến 120 triệu đồng để sở hữu. Tại Thái Lan mẫu xe này có giá khoảng 250 triệu đồng. 

Từng là

Ôtô điện mini có thể là cơn ác mộng tiếp theo dành cho nhóm xe hạng A tại thị trường Việt Nam. Ảnh: TMT Motors.

VinFast cũng có kế hoạch sản xuất một mẫu xe điện cỡ nhỏ với giá bán xấp xỉ 10.000-12.000 USD trong tương lai. Nếu mẫu xe này được hiện thực hóa trong khi mức giá vẫn giữ nguyên, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được trao thêm một lựa chọn xe điện cỡ nhỏ khác với giá bán chỉ tương đương 280 triệu đồng.

Theo nguồn tin từ Reuters, BYD cũng công khai bày tỏ mong muốn mở nhà máy sản xuất xe điện ngay tại Việt Nam, bên cạnh một nhà máy khác đang được xây dựng tại Thái Lan. 

Với giá bán hấp dẫn, các mẫu xe điện mini có thể sẽ trở thành cơn ác mộng dành cho phân khúc xe hạng A tại thị trường ôtô Việt Nam.

Sự chuyển mình của thương hiệu xe nội địa

Giữa tháng 7/2022, VinFast công bố chính thức dừng kinh doanh xe ô tô chạy xăng sau khi lô xe Lux và Fadil cuối cùng đã được khách hàng đặt mua hết. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng Việt sẽ không thể đặt mua VinFast Fadil - một mẫu xe hạng A rất thành công, nhiều lần trở thành "vua doanh số" các tháng. Điều này cũng đánh dấu sự sụt giảm doanh số xe cỡ nhỏ hạng A sau đó.

Có thể thấy, sự giảm sút trong doanh số của các xe hạng A như Kia Morning và Hyundai Grand i10 ở Việt Nam phản ánh sự thay đổi trong thị hiếu và năng lực tài chính của người tiêu dùng, cũng như sự phát triển của thị trường xe hơi, trong đó các mẫu xe mới và xe điện đang ngày càng chiếm ưu thế. 


Theo Bích Câu

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên