MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từng là niềm ghen tị của cả thế giới, một ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ đang bị Nga, Trung Quốc vượt mặt và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài

10-06-2024 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Nga và Trung Quốc đang bỏ xa Mỹ về tốc độ xây dựng lò phản ứng hạt nhân trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng và chuyển đổi xanh ngày càng tăng trên toàn cầu.

Từng là niềm ghen tị của cả thế giới, một ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ đang bị Nga, Trung Quốc vượt mặt và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài- Ảnh 1.

Công nghiệp năng lượng hạt nhân từ lâu đã là một trong những lĩnh vực cạnh tranh gay gắt giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới. Nhưng giờ đây, Mỹ và châu Âu đánh mất các gói thầu ở các nước đang phát triển vào tay Nga và Trung Quốc.

Vào cuối tháng 5, Uzbekistan đã ký một thỏa thuận với Nga, cho phép Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Uzbekistan. Đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Trung Á.

Thông qua Rosatom, Nga là quốc gia dẫn đầu thế giới về xây dựng lò phản ứng hạt nhân. Theo báo cáo chiến lược hạt nhân thế giới, tính đến tháng 7/2023, Nga có 24 lò phản ứng hạt nhân. Các lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng ở bảy quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Bangladesh, Iran và Slovakia. Trong khi đó, Mỹ đang không xây dựng cơ sở nào. Trong số các quốc gia mà Nga đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân, có Thổ Nhĩ Kỳ và Slovakia đều là thành viên NATO.

Nga thống trị ngành công nghiệp hạt nhân không chỉ ở lĩnh vực lò phản ứng. Nước này cũng có ngành công nghiệp chuyển đổi và làm giàu uranium lớn nhất thế giới, lần lượt đạt 38% và 46% công suất toàn cầu vào năm 2020. Nga đã xuất khẩu hơn 1 tỷ USD các sản phẩm liên quan đến năng lượng hạt nhân từ tháng 2 năm 2022-2024.

Năm 2023, châu Âu đã phải tăng gấp đôi lượng nhập khẩu uranium của Nga. Mỹ cũng phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ các công ty Nga vốn đang chịu lệnh trừng phạt của Nhà Trắng.

Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng vượt xa Mỹ trong ngành năng lượng hạt nhân. Ngành công nghiệp điện hạt nhân của Trung Quốc vẫn là trọng tâm của nền kinh tế số 2 thế giới. Có 23 nhà máy điện đang được xây dựng ở Trung Quốc tính đến tháng 7/2023 nhờ nhu cầu năng lượng cho phát triển nền kinh tế ngày càng tăng.

Ngược lại, Mỹ chỉ đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân duy nhất. Trong khi Trung Quốc đang hoàn thiện quy trình sản xuất điện hạt nhân của mình thì nhà máy gần nhất được cho phép xây dựng ở Mỹ đã bị chậm tiến độ 7 năm và đội vốn 17 tỷ USD do quy trình đánh giá môi trường và cấp phép phức tạp của Mỹ.

Trung Quốc cũng bắt đầu cung cấp lò phản ứng hạt nhân ra ngoài lãnh thổ. Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn điện hạt nhân tổng hợp Trung Quốc đã phát triển lò phản ứng thế hệ thứ ba có tên Hualong One. Lò phản ứng mới này bắt đầu hoạt động vào năm 2021 tại Fuqing. Năm 2023, Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Chashma-5 ở Pakistan và cơ sở này sẽ sử dụng lò phản ứng Hualong One. Điều này góp phần nâng cao năng lực của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng tầm ảnh hưởng ở nước ngoài.

Ngành công nghiệp điện hạt nhân của Mỹ từng là niềm ghen tị đối với thế giới. Năm 1990, kỷ lục 112 lò phản ứng đi vào hoạt động tại Mỹ, giúp hành trình trung hòa carbon của nước này có thể rút ngắn hơn nhiều so với dự đoán hiện tại. Tuy nhiên, 34 năm sau, Mỹ đã mất gần 1/3 số lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, và gần như không xây dựng cơ sở mới nào trong bối cảnh tuổi thọ lò phản ứng trung bình của nước này lên tới hàng chục năm tuổi. Nếu không hành động, trong 10-15 năm tới, rất nhiều lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động, dẫn đến gần 20% công suất điện ở Mỹ có thể mất đi.

Hiện tại là thời điểm bước ngoặt cho năng lượng hạt nhân khi các cường quốc nhận thấy năng lượng hạt nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu và phát huy sức mạnh kinh tế. Nếu chậm chân, Mỹ sẽ gặp thất bại địa chính trị lớn khi nhiều quốc gia trở nên phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc về năng lượng trong quá trình chuyển đổi xanh.

Theo Forbes

Yến Nguyễn

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên