MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn

31-07-2022 - 17:17 PM | Lifestyle

Tuổi thơ đã cùng mẹ sống trong túp lều tranh, ngôi nhà gỗ chỉ chực bay mỗi khi bão về, nên mơ ước lớn nhất của chị Nga là xây được ngôi nhà khang trang để đón mẹ về sống cùng.

Bố mẹ chia tay khi mới lên 2, tuổi thơ sống trong những căn nhà ọp ẹp

Dành hơn 10 năm để hy vọng, ấp ủ, cố gắng, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (35 tuổi, quê gốc Quảng Bình, hiện đang là giáo viên tiếng Anh tại Kon Tum) đã hoàn thành ước mơ lớn lao nhất cuộc đời của mình. 

Chị Nga kể, cách đây hơn 20 năm, mẹ của chị (bác Phạm Thị Nguyệt, 59 tuổi) lúc đó là một cô giáo mầm non mới 25 tuổi đã dũng cảm dừng lại cuộc hôn nhân của mình do bị người bạn đời phản bội. Năm đó, chị Nga cũng mới 2 tuổi, chưa biết gì nhiều. Nhưng sau này nghe mẹ kể lại, ngôi nhà mà mẹ chị từng sống cùng bố thực chất là một túp lều tranh, bên cạnh là một gốc mít sum suê, đêm đến tiếng gió thổi, tiếng rơi đì độp nghe mà sợ toát mồ hôi. 

Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 1.

Chị Nga và mẹ đã từng trải qua nhiều biến cố cuộc sống.

Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 2.

Ngôi nhà gỗ nơi mẹ con chị từng sống những năm tháng vất vả.

Sau khi bố mẹ mỗi người một phương, tôi theo mẹ về sống tại dãy nhà tập thể đơn sơ của một ngôi trường nhỏ ở miền núi. Cuộc sống của hai mẹ con là liên tiếp những chuỗi ngày khó khăn, tai ương nối dài. 

Năm 1993 lũ về, ai từng trải qua cảnh lũ lụt mới biết cuộc sống khổ sở thế nào. Mọi người tất bật, khẩn trương dọn đồ đạc để đưa lên tra (gác nhỏ phía trên mái nhà). Khi nước lên khoảng 1m, mẹ cho tôi lên đò trước để đi tránh lũ, còn mẹ ở lại trên tra vì dọn đồ xong nước đã dâng cao lắm rồi, không kịp đi đâu nữa. 

Nước lên nhanh ai cũng lo cho con mình nên tranh thủ cho con đi trước. Cũng vì thế mà tôi suýt mất mạng vì cả cái đò nhỏ nhưng có hơn 20 người chen lấn nhau. May sao cuối cùng tôi cũng đến nơi an toàn. 

Cuộc sống của mẹ con tôi cứ thế trôi qua cho đến năm tôi 8 tuổi. Mẹ quyết định chuyển nhà vào thị trấn, nơi không còn sợ những cơn lũ. Hơn nữa, khu tập thể đó ngày thường vui vẻ bao nhiêu thì đến Tết và hè lại buồn bấy nhiêu. Đó là khoảng thời gian cả dãy nhà tập thể chỉ còn lại mỗi mẹ con tôi (người ta ai cũng về nhà mình hết). Tôi còn nhỏ chưa đủ cảm nhận đc cái cô quạnh, sợ hãi nhưng mẹ thì khác. 

Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 3.

Thương mẹ, chị Nga luôn mơ ước xây được một căn nhà khang trang để đón mẹ về sống cùng.

Dù cho là người lớn nhưng khi sống một mình không người thân thích bên cạnh thì sợ lắm. Đã vậy sau dãy nhà là một ngọn núi nhỏ có mấy cái hang bỏ hoang, xa xa trước dãy nhà, nằm sát khuôn viên trường là khu nghĩa địa. Ban đêm tiếng dế kêu, tiếng gió thổi… cũng đủ làm người ta rùng mình. Đó chính là nguyên nhân khiến mẹ tôi quyết định chuyển đi” - chị Nga nhớ lại những năm tháng ấu thơ của mình.  

Gom góp, chắt chiu từ đồng lương giáo viên cùng với việc hái củi, nấu rượu, nuôi heo, mẹ của chị Nga cũng mua được một mảnh đất với căn nhà nhỏ - căn nhà gỗ cũ kỹ. Ngày tháng cứ thế trôi qua, 2 mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Vừa làm cha, vừa làm mẹ nên bác Nguyệt rất nghiêm khắc với con chứ tuyệt đối không nuông chiều. Bao nhiêu yêu thương bác dành hết cho con gái duy nhất, nhưng nhiều khi cũng không ngại đòn roi để rèn con ngoan, trưởng thành hơn trong cuộc đời nhiều thiệt thòi của mình. 

Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 4.
Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 5.

Ngôi nhà mơ ước của chị Nga được hoàn thiện vào cuối năm 2021.

Những tưởng, cuộc sống của mẹ con chị Nga từ đó trở đi sẽ bớt vất vả. Nhưng tai họa lại tiếp tục giáng xuống gia đình chị. Khi đang học đại học năm thứ 2, bác Nguyệt bỗng dưng bị ốm nặng, đi nhiều bệnh viện mà không phát hiện ra bệnh.

19 tuổi, cảnh nhà neo người, chị Nga rơi vào bế tắc, tuyệt vọng và đã nghĩ đến cảnh phải bỏ dở việc học hành để về chăm sóc mẹ. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc trong tuyệt vọng. May mắn thay, các dì của chị Nga thương chị, thương cháu nên giúp đỡ lo việc chăm sóc bác Nguyệt để chị có thể tiếp tục học tập. Cuối cùng, điều kỳ diệu cũng xảy ra khi 2 năm sau, mẹ của chị Nga dần khỏe lại, chị cũng học xong năm cuối. 

Đoàn tụ cùng mẹ trong ngôi nhà rộng 250m2 sau hơn 10 năm nỗ lực

Sau khi tốt nghiệp, chị Nga chỉ mong sớm đi làm, kiếm được tiền để có thể lo cho mẹ. Nhưng 2 năm sau đó, chị lăn lộn từ Quảng Bình, ra Hà Tĩnh rồi lại vào Huế và cuối cùng dừng chân ở Kon Tum mới có được một công việc ổn định. Chưa kể, có thời gian chị bị tai nạn nặng, nằm một chỗ gần 1 năm trời, phải nhờ mẹ chăm sóc. 

Hai mẹ con xa nhau gần 600km, mỗi khi nghe đài báo tin bão về là chị “đứng ngồi không yên”, thương mẹ ở trong căn nhà gỗ cũ kỹ, mưa to gió lớn là phải thức suốt đêm vì sợ bão thổi bay mất nhà. 

Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 6.
Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 7.
Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 8.
Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 9.
Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 10.

Một số không gian trong nhà

Bởi thế, mong ước lớn nhất của chị Nga là sẽ xây một căn nhà nhỏ kiên cố hơn cho mẹ vì căn nhà cũ đã quá xuống cấp. Nhưng với đồng lương giáo viên ở miền núi, lại phải nuôi con nhỏ, ở nhà thuê, chồng đi làm xa, ước mơ ấy với chị thật chẳng dễ dàng. 

Năm 2014, chị Nga lập gia đình, ông xã bằng tuổi chị, cùng quê, là bạn học thuở nhỏ và yêu thương nhau từ những năm tháng đại học. Sau khi ra trường, anh học lên Thạc sĩ rồi cùng bạn bè vào Kon Tum lập nghiệp. Chị Nga sau vài năm bươn chải cuối cùng cũng quyết định theo anh vào mảnh đất này, xem như là quê hương thứ 2 của mình. 

Vợ chồng chị Nga vào nơi đất khách quê người đến nay tính ra đã được gần 10 năm. Cả hai đều khởi điểm bằng đôi bàn tay trắng nên cuộc sống cũng lắm lo toan. 

Đồng lương giáo viên của chị Nga không cao. May thay ông xã làm cán bộ dự án nước ngoài nên thu nhập tốt hơn. Nhưng đổi lại, anh phải thường xuyên đi công tác xa nhà, hết dự án này là phải tự tìm dự án khác nếu không muốn thất nghiệp. Từ ngày kết hôn, hơn 70% thời gian anh sống xa nhà, chỉ cuối tuần gia đình mới sum họp. 

Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 11.

Vợ chồng chị Nga đã đón mẹ về đoàn tụ.

Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 12.

Suốt 10 năm qua, chị Nga ở nhà trọ nhưng trong lòng chưa bao giờ thôi nghĩ về ước mơ xây nhà và đón mẹ vào ở cùng. Do đó, chị cũng phải tính toán, chi tiêu hợp lý cho gia đình và có khoản tích góp để dành tiền mua đất, xây nhà. Năm 2019, từ khoản tiền tiết kiệm được, vay mượn thêm và có 1 phần hỗ trợ từ bố mẹ chồng và mẹ ruột, vợ chồng chị Nga đã mua được mảnh đất rộng 250m2 và đến năm 2021 thì cả hai bắt tay vào xây dựng căn nhà mơ ước của mình. 

Ngôi nhà của chị Nga xây trên diện tích 200m2, phần diện tích còn lại là sân vườn, được thiết kế theo phong cách hiện đại nhưng tối giản, gồm 4 phòng ngủ. 1 phòng dành cho mẹ, 1 phòng dành cho 2 vợ chồng, 1 phòng dành cho con và 1 phòng dành cho ông bà nội những khi vào chơi cùng con cháu. Mỗi phòng đều có nhà vệ sinh khép kín, ngoài ra còn có thêm 1 phòng học và 1 phòng làm việc. 

Theo mong muốn của mẹ, chị Nga sắp xếp phòng của bác Nguyệt ở tầng 1, gần bếp để tiện nấu ăn những lúc chị đi làm. Đặc biệt, phía trước nhà có bố trí 1 cửa sổ thông ra 1 mảnh vườn nhỏ tầm 15m2, nơi mẹ chị rất thích và dự định sẽ trồng các loại rau xanh để phục vụ bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Xung quanh nhà cũng có một số chỗ để bác Nguyệt có thể trồng thêm hoa những lúc rảnh rỗi.

Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 13.

Hai mẹ con được sống trong căn nhà mới, hiện đại.

Từng ở túp lều, cô giáo vùng cao xây nhà 250m2 báo hiếu mẹ, bù đắp bao vất vả, tủi hờn - Ảnh 14.

Bác Nguyệt an nhàn trồng rau, trồng hoa trong ngôi nhà của mình.

Nhiều người khen chị Nga giỏi giang, hiếu thảo, nhưng cô giáo miền núi thành thật chia sẻ, nếu không có chồng thì chị chẳng được như ngày hôm nay. Ước mơ của chị thành hiện thực, phần nhiều cũng nhờ công của anh. Không chỉ là vấn đề vật chất, mà anh còn luôn là người ở bên cạnh, yêu thương, chăm sóc, động viên giúp chị có thêm nhiều động lực để mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. 

“Tôi may mắn được gia đình chồng yêu thương, mẹ chồng coi như con gái. Chồng tôi là người đàn ông tuyệt vời, luôn lo cho gia đình. Dù ở xa, như bây giờ anh đi làm cách nhà gần 600km, nhưng cuối tuần vẫn cố gắng thu xếp về thăm vợ con. Anh bảo gắng đi làm xa, kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy, vợ con đỡ vất vả. 

Những lúc rảnh, anh hay phụ tôi nấu ăn, chăm con, thậm chí tối nào rảnh anh còn là áo dài cho vợ chuẩn bị đi dạy nữa. Ở xa không người thân thích nên những lúc ốm đau đều là một tay anh chăm sóc tôi. Thời điểm tôi bị tai nạn, anh cũng phụ mẹ chăm lo cho tôi rất chu đáo” - chị Nga hạnh phúc khi nhắc đến chồng. 

Cuối năm 2021, ngôi nhà của chị Nga đã hoàn thiện, ước mơ bao năm của chị đã thành sự thật. Sau nhiều năm xa cách, hai mẹ con chị Nga đã được ở bên nhau, trong một căn nhà khang trang và kiên cố. Ở đó sẽ là những tháng ngày bình yên, chị Nga có thể chăm sóc cho mẹ, bù đắp lại bao nhiêu vất vả, thiệt thòi mà hai mẹ con chị đã từng trải qua. 

Ảnh: NVCC

Theo Lam Giang

Trí thức trẻ

Trở lên trên