Từng phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ, giờ đây Trung Quốc lắp đặt hơn một nửa số robot trên toàn cầu nhưng vẫn chưa hài lòng chỉ vì 1 điều
Trung Quốc được đánh giá là dẫn đầu thế giới về tốc độ ứng dụng robot, nhưng việc thiếu lao động lành nghề đủ sức vận hành máy móc lại đang khiến Bắc Kinh đau đầu.
Tờ Financial Times (FT) nhận định Trung Quốc đã thúc đẩy một cuộc cách mạng robot trên toàn quốc như một giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lao động vì dân số già hóa nhanh chóng. Thế nhưng điều trớ trêu là thành công của giải pháp này lại gặp vấn đề vì chưa đủ lao động đủ kỹ năng xử lý những cỗ máy này.
Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất thế giới về robot công nghiệp. Số liệu của Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) cho thấy riêng trong năm 2023, nước này đã lắp đặt hơn 276.000 robot, chiếm hơn một nửa tổng số toàn cầu.
Nếu trước đây các công ty Trung Quốc từng phải nhập khẩu hầu hết robot từ Nhật Bản, Đức hay Mỹ thì ngày nay họ đã có thể thay thế chúng bằng các mẫu tự sản xuất nội địa với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với đối thủ nước ngoài.
Điều này giúp giảm chi phí vận hành robot tại Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp lại gặp phải 1 vấn đề: thiếu lao động lành nghề. Những máy móc phức tạp được sản xuất để thay thế nhân lực nhưng chúng vẫn đòi hỏi được vận hành bởi những lao động có kiến thức chuyên môn, bao gồm các kỹ năng sửa chữa bộ phận bị hỏng và hiểu biết về phần mềm quản lý máy móc.
300 triệu lao động
Xin được nhắc rằng ngành sản xuất Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào gần 300 triệu công nhân nhập cư, những người rời bỏ vùng nông thôn của họ đến các vùng ven biển đô thị hóa để tìm kiếm việc làm trong nhà máy được trả lương cao hơn.
Dù trình độ học vấn tại Trung Quốc đã được cải thiện nhưng tính đến năm 2023, khoảng 52% trong số 300 triệu lao động này có trình độ học vấn trung học cơ sở và 14% có trình độ tiểu học.
Phó giáo sư kinh tế Osea Giuntella tại Đại học Pittsburgh nhận định những lao động nhập cư Trung Quốc này là đối tượng dễ bị thay thế bởi robot nhất.
Việc áp dụng máy móc khiến nhu cầu lao động trong ngành sản xuất giảm, khiến họ phải chuyển sang mảng dịch vụ, ví dụ như giao đồ ăn nhanh.
Theo số liệu thống kê chính thức vào năm 2023, khoảng 28% người lao động nhập cư được tuyển dụng trong ngành sản xuất nhưng lại có đến 54% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ.
Đây là điều khiến chính quyền Bắc Kinh đau đầu bởi nền kinh tế nước này không cần sự dịch chuyển ngành mà là nâng cao trình độ lao động để vận hành máy móc.
Trước tình hình đó, một số khu vực như tỉnh Quảng Đông đã triển khai các chương trình đào tạo thế hệ công nhân mới.
Dẫu vậy nghiên cứu của các trường đại học Thanh Hoa và Phúc Đán đã phát hiện ra rằng những khóa đào tạo kỹ thuật ở địa phương thường thiếu thiết bị để dạy các kỹ năng mới nhất, thay vào đó là dựa vào sách giáo khoa hoặc thiết bị lỗi thời.
Trong khi một số quốc gia coi tự động hóa là mối đe dọa đối với sự ổn định của thị trường lao động thì các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lại coi đó là công cụ để đảm bảo sức cạnh tranh sản xuất cho nền kinh tế.
Bởi vậy theo báo cáo của NBER, người lao động nhập cư tại Trung Quốc giờ đây chỉ còn cách chọn nghỉ hưu sớm, chuyển sang mảng dịch vụ lương thấp như giao đồ ăn hoặc phải tham gia đào tạo kỹ thuật mới có đủ lợi thế cạnh tranh với máy móc.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là Trung Quốc sẽ làm thế nào để đào tạo đủ nguồn nhân lực vận hành máy móc trong ngành sản xuất khi giới trẻ ưa thích công việc văn phòng hoặc tự do hơn, trong khi lao động nhập cư thì không có đủ điều kiện để nâng cao trình độ trong ngắn hạn.
*Nguồn: FT
Nhịp sống thị trường