Từng sở hữu một trong những khoản đầu tư sinh lời tốt nhất thế giới, Trung Quốc đang tự biến mình thành 'quả bom' ai cũng muốn tránh
Trong gần 1 thập kỷ, trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc là một trong những khoản đầu tư sinh lời nhất trên thị trường tín dụng toàn cầu. Giờ đây, các trái phiếu được xếp hạng rác của Trung Quốc đang đi từ bùng nổ sang vỡ tung một cách nhanh chóng.
Nhà đầu tư đang phải gánh chịu nhiều tổn thất hơn. Đà bán tháo trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu tư những tin tức xấu của Evergrande cách đây 5 tháng. Khi đó, Bắc Kinh nỗ lực "thanh lọc" những khoản nợ được coi là dư thừa ra khỏi lĩnh vực bất động sản.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc nổi tiếng với những biến động mạnh, nhưng trái phiếu của các nhà phát triển thậm chí còn có diễn biến rung lắc mạnh hơn. Một chỉ số theo dõi các trái phiếu rác USD của các nhà phát triển Trung Quốc đã giảm khoảng 25% kể từ cuối tháng 5 - mức giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ.
Khả năng vỡ nợ đối với thị trường tín dụng trong và ngoài nước của Trung Quốc.
Trong khi đó, khối lượng phát hành trái phiếu mới của các nhà xây dựng cũng rơi xuống mức thấp nhất trong 18 tháng. Một số "đại gia" bất động sản được xếp hạng điểm đầu tư cũng đang đối mặt với tình trạng chi phí đi vay tăng vọt. Các quỹ đầu tư trái phiếu Trung Quốc do Fidelity và Value Partners quản lý đều đang ghi nhận mức lỗ cao kỷ lục.
Theo China Credit Tracker của Bloomberg, thị trường trái phiếu nước ngoài 870 tỷ USD là nơi có diễn biến căng thẳng nhất. Trong khi đó, thị trường trong nước lại khá bình lặng. Điều này có thể lý giải tại sao giới chức nước này lại có rất ít động thái để xoa dịu thị trường.
Rủi ro đối với những nhà đầu tư "săn lãi" và nền kinh tế vốn phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chính là cuộc trấn áp này đã quá nghiêm trọng. Tuần trước, Moody’s Investors Service cho biết việc thắt chặt quy định làm hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của các nhà phát triển đã tạo ra "vòng luẩn quẩn đối với những khoản nợ xấu".
Sự căng thẳng đã đẩy giá trị những đợt vỡ nợ trái phiếu nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc lên mức kỷ lục 9 tỷ USD trong năm nay. Nền kinh tế suy yếu do những vấn đề của chuỗi cung ứng, lo ngại lạm phát và lãi suất toàn cầu tăng vọt đã khiến những rủi ro của ngành bất động sản có thể lan rộng sang những lĩnh vực khác.
Dhiraj Bajaj - trưởng bộ phận Tín dụng Châu Á của Lombard Odier, nhận định: "Chúng ta đang đứng trên bờ vực của một loạt các vụ vỡ nợ có hệ thống đối với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. 10 năm phát triển mạnh mẽ có thể khiến mọi thứ sụp đổ chỉ trong nháy mắt."
Tâm lý lo ngại ngày càng tăng đã đẩy lợi suất đối với các trái phiếu rác USD của Trung Quốc lên 21%, mức cao nhất trong khoảng 1 thập kỷ. Tình trạng này cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho các khoản nợ, nhiều bên đi vay không thể tiếp cận thị trường trái phiếu nước ngoài. Rủi ro đã lan sang thị trường tín dụng châu Á, nhu cầu đối với các thương vụ mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
Sự trái ngược trong tâm lý nhà đầu tư vào đầu năm nay được thể hiện khá rõ ràng. Chỉ số của Bloomberg theo dõi trái phiếu rác của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục vào 26/5, tăng 170% so với mức thấp ở 1 thập kỷ trước. Mức tăng này cao hơn nhiều so với các chỉ số trái phiếu rác của Mỹ, châu Âu và cả châu Á.
Tổng giá trị trái phiếu địa phương Trung Quốc đến hạn trong năm nay.
Dù vài năm trở lại đây các vụ vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc mới xuất hiện, nhưng số lượng đã tăng ở mức ổn định khi chính quyền địa phương không nhận được những đợt cứu trợ của chính phủ. Xu hướng đó tiếp tục tăng nhanh trong thời gian gần đây, khi ít nhất 4 công ty bất động sản lỡ hạn thanh toán trái phiếu trong tháng 10.
Đà lao dốc của thị trường bất động sản đang khiến chính các nhà phát triển lo ngại rằng không biết bao lâu để hồi phục khả năng tài chính. Doanh số bán nhà mới theo khu vực tại 100 nhà phát triển hàng đầu Trung Quốc đã giảm 32% trong tháng 10 so với 1 năm trước. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách vẫn thắt chặt quy định với lĩnh vực này, bất chấp nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo Morgan Stanley và Citigroup, nhà đầu tư vẫn có thể nhìn thấy cơ hội ở thị trường này nếu chấp nhận những biến động mạnh. Các chuyên gia về "nợ đau khổ" như Marathon Asset Management đã mua trái phiếu của Evergrande, đặt cược rằng tốc độ hồi phục sẽ khả quan hơn so với mức giá hiện tại đang phản ánh.
Về lâu dài, những đợt vỡ nợ có thể thúc đẩy mức định giá rủi ro hợp lý hơn và tạo ra một thị trường tín dụng lành mạnh hơn. Cuộc khủng hoảng này cũng có thể cải thiện những vấn đề về tính minh bạch, vốn gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Song, những lợi ích về dài hạn vẫn không thể xoa dịu sự căng thẳng mà các nhà quản lý tài sản đang phải trải qua: lỗ nặng và những mốc thời gian về thời hạn trả nợ của các nhà phát triển sắp đến trong những tuần tới. Các nhà phát triển có khoảng 26,1 tỷ USD trái phiếu trong và ngoài nước phải thanh toán trong tháng tới. Hạn thanh toán đối với khoản nợ tiếp theo của Evergrande là cuối tuần này.
Tham khảo Bloomberg