Từng trải qua thời bao cấp như Việt Nam, quốc gia này đang trên đường trở thành Thung lũng Silicon của châu Âu
Những di sản để lại từ thời bao cấp đang trở thành động lực giúp các startup công nghệ của Rumani phát triển.
- 29-07-2016Facebook sắp xây nhà cho thuê tại Thung lũng Silicon
- 28-07-2016Tại sao thung lũng Silicon lại khiếp sợ Donald Trump đến thế?
- 24-07-2016Facebook và cơn khủng hoảng nhà đất tại thung lũng Silicon
Khi nói đến những quốc gia có nhiều triển vọng nhất trong lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp, chẳng mấy ai nghĩ đến Rumani. Trong gần ba thập kỷ kể từ khi quốc gia này chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, Rumani không có nhiều tiếng tăm trên trường quốc tế. Tuy nhiên, một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra ở quốc gia nhỏ bé này.
Nhờ nền văn hóa và lịch sử độc đáo, hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng chất lượng, thủ đô Bucharest của Rumani đang sản sinh ra một thế hệ doanh nhân mới, tràn đầy hoài bão ghi danh trên bản đồ startup thế giới. Từng được gọi là “Tiểu Paris của Đông Âu” nhờ những đại lộ rộng thênh thang và phong cách kiến trúc kiểu Pháp, tên tuổi của Bucharest sắp sửa có thêm một mỹ từ mới: “Thung lũng Silicon của EU”.
Rumani gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2007 và giờ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Ireland. Hệ thống giáo dục chú trọng toán và khoa học, cùng với lương nhân công thấp và chi phí kinh doanh rẻ, đã khiến Rumani trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty công nghệ quốc tế.
Không chỉ thế, nước này còn đang trở thành trung tâm khởi nghiệp trong ngành công nghệ, đặc biệt là với những startup muốn vận hành với chi phí thấp. Môi trường khởi nghiệp ở đây đã bùng nổ trong 5 năm qua và Rumani hiện có 170 start-up công nghệ.
Adrian Fako là điển hình cho thế hệ doanh nhân khởi nghiệp mới của Rumani. Anh là nhà đồng sáng lập của Accelerole, một startup quản lý nhân sự trên di động. Startup của anh được đặt tại chi nhánh của không gian làm việc chung TechHub ở Bucharest. Không gian này là nơi làm việc của khoảng 100 doanh nhân khởi nghiệp và người làm việc tự do trong lĩnh vực công nghệ.
Chi nhánh của TechHub ở Bucharest có mọi thứ thường thấy ở các startup ở New York hay London, từ gối ngủ cho đến máy chơi game. Nơi đặt tổ hợp văn phòng này là một khu nhà hiện đại có điều hòa, trái ngược với những tòa biệt thự cổ xuống cấp nằm trên cùng một con phố.
Trước đây, Rumani từng thuộc khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. 43 năm đói kém của thời bao cấp đã để lại những nỗi ám ảnh khó quên trong hầu hết tâm khảm người dân nước này.
Song, những di sản của thời kỳ này, bao gồm cơ sở hạ tầng viễn thông tốt và hệ thống giáo dục coi trọng toán và khoa học đang có tác dụng tích cực không ngờ đến với thế hệ trẻ ở đây. Cùng với kinh nghiệm sống giật gấu vá vai trong thời bao cấp, những yếu tố này đã giúp Rumani trở thành nơi hội tụ của các tài năng công nghệ với tham vọng vươn ra toàn cầu.
Một trong những yếu tố thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ ở Rumani là Internet tốc độ cao. Theo báo cáo “Tình trạng Internet” của công ty công nghệ Akamai, Rumani có tốc độ Internet cao nhất châu Âu và đứng thứ sáu trên thế giới, đạt tốc độ trung bình 57,7 Mbps trong quý ba năm 2015. Trong khi đó, Mỹ chỉ đứng thứ 17 trên toàn cầu.
Việc quốc gia nhỏ bé này có được tốc độ Internet nhanh như vậy cũng là một câu chuyện thú vị. Trong thập niên 1990, Romtelecom, công ty viễn thông lớn nhất Rumani hiện nay tỏ ra chậm chạp trong việc cung cấp Internet băng rộng. Vì thế. các doanh nghiệp nhỏ của nước này đã tự triển khai mạng cáp quang địa phương dựa trên đường dây hiện có.
Trong khi các nước Tây Âu phải nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông để cung cấp Internet băng rộng, thì Rumani đã bỏ qua giai đoạn cáp đồng và nhảy thẳng lên cáp quang. Ngày nay, việc Rumani sở hữu hạ tầng kỹ thuật số tốt hơn các nước Đông Âu khác đã giúp nước này trở thành điểm đến hấp dẫn để mở công ty công nghệ.
Điều này có nghĩa là phần lớn thế hệ trẻ của Rumani, bao gồm nhà sáng lập Accelerole, Fako, được trưởng thành trong môi trường có Internet tốt hơn những người đồng trang lứa ở các nước láng giềng. Sinh ra vào năm 1987 ở Transylvania, Fako là người thuộc thế hệ sành công nghệ này. Nhờ hệ thống giáo dục chú trọng toán và khoa học, một di sản của thời bao cấp, Rumani đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các lập trình viên trẻ phát triển.
Phụ nữ Rumani cũng được thừa hưởng văn hóa yêu thích công nghệ này. Trong khi tình trạng chênh lệch giới tính trong ngành khoa học máy tính đang phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, Rumani có tỷ lệ phụ nữ làm việc trong ngành thông tin và truyền thông (ICT) cao nhất châu Âu.
Theo dữ liệu của Eurostat, 29% lực lượng lao động của ngành này ở Rumani là phụ nữ, chỉ đứng sau Bungari và Estonia. Trong khi đó, chỉ 19% lao động trong ngành ICT ở Anh là phụ nữ. “Đây là một di sản của thời bao cấp, khi phụ nữ bị buộc phải làm việc”, Alexandra Anghel, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ của Appticles, một startup web di động ở Rumani nói.
Trong thời bao cấp, phụ nữ Rumani bắt buộc phải đi làm. Nhờ được nuôi dậy trong môi trường như vậy mà ngày càng nhiều phụ nữ Rumani trong độ tuổi 20 và 30 lựa chọn sự nghiệp trong ngành công nghệ
Với dân số chỉ có 19,8 triệu người, Rumani là một thị trường tương đối nhỏ với khoảng cách lớn giữa vùng nông thôn và thành thị. Vì thế, các doanh nhân công nghệ Rumani buộc phải tìm cách mở rộng thị trường ra nước ngoài. Điều này đã giúp mài giũa kỹ toàn cầu hóa của các startup ở đây.
Ví dụ như Aliens, một startup về robot ở Bucharest đang phát triển trợ lý ảo dựa trên giọng nói cho trẻ em. Họ đang nhắm đến thị trường Mỹ vì tiềm năng người dùng ở đây là rất lớn, ngay cả khi họ đang bán, quảng bá và thử nghiệm sản phẩm ở Rumani. “Khi chúng tôi phải chọn một ngôn ngữ để triển khai sản phẩm, tiếng Anh là lựa chọn đầu tiên”, nhà đồng sáng lập công ty, Bogdan Coman nói.
“Đối tượng chúng tôi nhắm đến là trẻ từ 6-12 tuổi, có cha mẹ cùng đi làm và thu nhập gia đình khoảng hơn 50.000 USD một năm. Ở Mỹ có 30 triệu khách hàng tiềm năng như thế”, anh chia sẻ.
Cho đến nay, thách thức chính làm hạn chế sự phát triển của ngành công nghệ Rumani là vốn đầu tư. Các startup ở Rumani đã nhận được 14,8 tỷ USD vốn đầu tư trong một thập kỷ qua. Trong khi đó, các startup ở London chỉ nhận được số vốn 9,4 tỷ USD.
Số liệu trên cho thấy, mặc dù tình hình đầu tư ở Rumani là rất triển vọng, nhưng thực tế là vốn đầu tư cho các startup chỉ dồi dào ở giai đoạn phát triển ý tưởng hoặc vòng gọi vốn cơ bản. Việc gọi vốn ở các giai đoạn phát triển cao hơn thì khó khăn hơn nhiều với các start-up của Rumani.
“Sau khi nhận được vốn đầu tư ở giai đoạn phát triển ý tưởng hoặc vòng gọi vốn Series A, các startup Rumani sẽ chuyển sang thành lập công ty ở Anh hoặc Mỹ. Sau đó, họ sẽ tìm cách phát triển ở đó và niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc bán công ty đi”, Fako nói.
Một vấn đề khác mà Rumani đang phải đối mặt là nạn chảy máu chất xám. Là một thành viên của EU, công dân Rumani có thể dễ dàng di chuyển và làm việc ở nhiều thành phố Châu Âu khác. Do đó, việc giữ chân nhân tài ngày càng trở thành thách thức lớn khi người lao động Rumani bị các công ty quốc tế chèo kéo. “Rumani là một nơi rất tốt để nhân tài phát triển, nhưng hiện tại khó mà giữ chân họ được”, Coman nói.
Để duy trì tăng trưởng bền vững và giữ chân nhân tài, Rumani không chỉ cần nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nước này cần một đội ngũ marketing trong nước hiệu quả. Mặc dù hệ thống giáo dục Rumani đã giúp tạo ra đội ngũ kỹ sư tài năng, họ vẫn đi sau các nước khác về kỹ năng bán hàng và marketing.
“Chúng tôi biết rằng người Mỹ rất giỏi bán hàng, nhưng thực tế là họ có một hệ thống giáo dục bài bản cho kỹ năng này”, Anghel nói. “Chúng tôi đang thiếu điều đó ở Rumani. Chúng tôi không được đào tạo để trở thành nhân viên bán hàng, chúng tôi được dạy để trở thành lập trình viên”.
Vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để Rumani thu hút được nhiều tài năng công nghệ quốc tế. Nhưng khi niềm tin của nhà đầu tư vào giới startup ở Anh sụt giảm do quyết định rời EU của nước này, và chi phí sinh hoạt ở các thành phố khởi nghiệp khác như Berlin, Barcelona, và Amsterdam ngày càng tăng, tương lai của Bucharest là rất xán lạn. “Có rất nhiều tiềm năng ở đây, và điều đầu tiên chúng tôi cần làm là tự tin vào chính mình”, Anghel nói.
Trí thức trẻ / cafebiz