Từng tuyên bố xuất chuối số 2 thì không ai số 1, HAGL của bầu Đức đóng góp ra sao vào ngôi á quân xuất khẩu chuối sang Trung Quốc của Việt Nam?
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai từng (HAGL) phát biểu "Nói chung về xuất khẩu chuối ở Việt Nam tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất."
- 13-02-2023Đằng sau việc Bầu Đức “bán” 35% vốn Bapi HAGL: Muốn là DN đầu tiên “từ trang trại đến bàn ăn” có đủ từ thịt, rau, đến tỏi, ớt
- 12-02-2023Chủ tịch Carabao Group: "Dù kết quả với VPF ra sao, chúng tôi vẫn tài trợ cho HAGL và bầu Đức"
- 11-02-2023Bầu Đức: Năm 2023 thu nợ 500 tỷ từ HAGL Agrico, trả nợ 1.000 tỷ nợ cho ngân hàng
Đến cuối năm 2021, HAGL có 10.000 ha diện tích trồng cây ăn trái, trong đó diện tích trồng chuối là 5.000 ha, nằm ở cả ba nước Campuchia, Lào, và Việt Nam.
Trong một bài viết trên Thanh niên hồi tháng 2 năm ngoái, bầu Đức kể lại: " Từ năm 2017 tôi bắt đầu trồng với số lượng nhỏ. Đến giờ thì ngay cả "ông trùm chuối" thế giới là Philippinnes cũng "ớn" HAGL. Trước đây, Trung Quốc đời nào qua Việt Nam mua chuối. Nhưng giờ thì tuần nào họ cũng đi cả đoàn sang đây".
Vị doanh nhân này cũng phát biểu "Nó giống như sàn đấu giá của các nhà buôn chuối. Mình chào giá, họ đặt hàng, người 10 container, người 20 container... Nói chung về xuất khẩu chuối ở Việt Nam tôi đứng thứ hai thì không ai đứng thứ nhất. Nhưng so với nhu cầu 20 triệu tấn mỗi năm của Trung Quốc thì sản lượng chưa được một triệu tấn của cả HAGL và HNG thấm tháp gì đâu"
Theo số liệu kinh doanh công bố, trong 2 năm 2019-2020 trái cây luôn chiếm tỷ lệ chính trong tổng doanh số của HAGL. Sang năm 2021, doanh thu từ trái cây sụt giảm hơn một nửa và chỉ còn đóng góp 47,9% trong tổng doanh thu. Năm 2022, doanh thu trái cây tăng trở lại, đóng góp 2.150 tỷ đồng, tương đương 42,3% doanh thu HAGL, với biên lợi nhuận gộp là 32%.
Nguồn: Báo cáo thường niên của HAGL 2021
Quy trình xuất khẩu chuối của HAGL sau khi thu hoạch là cắt và chuyển theo dây chuyền về xưởng. Sau đó, tiến hành phân loại, chuối xấu hoặc không đạt chuẩn sẽ loại bỏ ra băng chuyền rồi chuyển sang khâu đóng gói với sản lượng khoảng 13kg/thùng, chủ yếu xuất sang Trung Quốc với thương hiệu Mekong Banana. Giá bán sang Trung Quốc sẽ chốt lại theo sàn giao dịch hàng tuần và vận chuyển tại Cảng Quy Nhơn.
Cùng với đó, chuối HAGL cũng xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản (thương hiệu B750…) thông qua cảng Cát Lái với giá được chốt theo năm hoặc quý.
Sau khi đóng thùng, chuối sẽ được chuyển về kho lạnh với nhiệt độ khoảng 14 độ để bảo quản chờ xuất khẩu. Cuối cùng là xếp pallet chuối lên thùng container lạnh xuất ra cảng (Quy Nhơn, Cát lái), trung bình 1 container khoảng 20 tấn chuối.
Một giai đoạn trong quy trình sản xuất chuối trước khi xuất khẩu của HAGL
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 130.000 ha trồng chuối, với sản lượng 2,1 triệu tấn/năm; trong đó đồng bằng sông Cửu Long là 35.278,9 ha, với sản lượng 478.877,3 tấn.
Còn tại HAGL, theo số liệu doanh nghiệp công bố, sản lượng xuất khẩu chuối trong năm 2022 là 160.520 tấn, chuối loại dùng làm thức ăn chăn nuôi là 120.755 tấn, tổng cộng 281.275 tấn.
Nếu đem 2 số liệu này so sánh thì sản lượng chuối trên một mét vuông diện tích trồng của HAGL đang lớn hơn số liệu bình quân cả nước.
Chuối là loại trái cây cho thu hoạch quanh năm, và đã trở thành sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của ngành rau quả nước ta. Năm 2021, chuối là mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (sau thanh long, xoài) và đem về 260 triệu USD.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính (lớn nhất) hàng rau quả của Việt Nam. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy 8 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu chuối đạt 237 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2021.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, khối lượng xuất khẩu chuối sang Trung Quốc thực hiện kiểm dịch thực vật là trên 430.000 tấn năm 2020; 574.000 tấn năm 2021 và 591.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2022.
Trong khi đó, sản lượng chuối xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2022 theo công bố của HAGL là 127.866 tấn.
Theo một báo cáo được công bố gần đây từ Phòng Thương mại Trung Quốc về Xuất nhập khẩu thực phẩm, Việt Nam là quốc gia lớn thứ hai về sản lượng xuất khẩu chuối vào Trung Quốc trong năm 2022, sau Phillipines.
Trước đó, vào tháng 11-2022, Nghị định thư về Yêu cầu Kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã được ký kết. Đây là dấu mốc quan trọng về việc chuối tươi Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc và hứa hẹn tiềm năng phát triển thị phần trong tương lai.
Quay lại câu chuyện "một cây - một con" của ông Đoàn Nguyên Đức, năm 2023 heo ăn chuối không còn là mảng kinh doanh màu mỡ khi xác định chỉ hòa vốn, còn trái chuối được đặt nhiều kỳ vọng hơn, nhất là trong lúc giá loại quả này đang tăng.
" Giá chuối hiện tại là 11 USD/thùng (13 kg - PV), sắp tới có thể tăng lên 13 USD/thùng nhờ Trung Quốc mở cửa, hút hàng", Chủ tịch HAGL thông tin trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư tại TP HCM vào hồi giữa tháng 2.
Nhịp sống thị trường