MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từng vượt qua Mỹ 2 năm liên tiếp, đem về gần 7 tỷ USD nhưng ngành này của Trung Quốc lại bị nhiều nhà đầu tư quốc tế né tránh

08-12-2022 - 17:49 PM | Tài chính quốc tế

Ảnh: Lau Ka-kuen

Ảnh: Lau Ka-kuen

Năm 2021, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành thị trường phim điện ảnh lớn nhất thế giới với doanh thu 47 tỷ nhân dân tệ (gần 7 tỷ USD). Nhưng gần đây, doanh thu phòng vé tại đất nước tỷ dân lại sụt giảm đáng kể.

Mặc dù liên tục sửa đổi và gửi phim đến trung tâm kiểm duyệt, nhà sản xuất Trung Quốc Jessica Wong cùng đoàn đội của cô đã phải chờ bốn năm để bộ phim của mình được phát hành.

Cuối cùng, dự án cũng hòa vốn nhưng với số tiền 100 triệu nhân dân tệ bị “ràng buộc” trong bốn năm, các nhà đầu tư thật sự thất vọng khi không có lợi nhuận.

Sau khi bị cắt và thay đổi nhiều phân cảnh để phù hợp với nội dung kiểm duyệt tại Trung Quốc, bộ phim đã không gây được nhiều ấn tượng với khán giả. Chưa hết, do ảnh hưởng đại dịch, nhiều rạp chiếu phim đóng cửa khiến số lượng người xem cũng sụt giảm đáng kể.

Từng vượt qua Mỹ 2 năm liên tiếp, đem về gần 7 tỷ USD nhưng ngành này của Trung Quốc lại bị nhiều nhà đầu tư quốc tế né tránh - Ảnh 1.

Doanh thu phòng vé Trung Quốc (tỷ nhân dân tệ). Ảnh: scmp

Theo nền tảng bán vé Taopiaopiao, doanh thu tính đến tuần thứ hai tháng 12 năm nay chỉ đạt 28,51 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn 1 nửa so với đỉnh điểm.

“Không có nhiều phim đủ hay để khiến chúng tôi muốn ra rạp,” Wong nói.

Theo iiMedia Research, kinh phí dành cho ngành điện ảnh và truyền hình của Trung Quốc đạt đỉnh 27 tỷ nhân dân tệ vào năm 2017, nhưng đã giảm còn 4,62 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái.

Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc hiện gặp nhiều rủi ro về vốn đầu tư mạo hiểm và dòng tiền nóng đang dần bỏ qua, theo Jessica Wong.

Cô cũng cho biết có rất nhiều phim đang chờ cơ quan kiểm duyệt xử lý. Việc “bị ngâm” hai đến ba năm trước khi phát hành là chuyện bình thường đối với ngành công nghiệp điện ảnh đại lục. Điều này gây nhiều áp lực lên dòng tiền của cả công ty sản xuất và nhà đầu tư.

Thậm chí chỉ với một từ hoặc 1 phân cảnh “nhạy cảm”, bộ phim có thể không qua vòng kiểm duyệt ngay lập tức.

Theo nhà sản xuất phim tư nhân Leo Guan, việc kiểm duyệt “khắt khe” này khiến thị trường điện ảnh Trung Quốc mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phương Tây. Nhiều bộ phim nước ngoài muốn chiếu tại Trung Quốc cũng rất khó khăn.

“Trước đây, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã ngỏ ý muốn rót vốn vào thị trường điện ảnh Trung Quốc. Họ đã hỏi chúng tôi cách 'lách' vòng kiểm duyệt một cách thông minh, khéo léo nhưng vẫn giữ được sức hút của dòng phim thương mại và đạt được thành công lớn tại quốc gia này”, Guan nói.

Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi. Năm ngoái, Leo Guan đã mang một số dự án tiềm năng tới Los Angeles nhưng đến nay vẫn không có một nhà đầu tư nào quan tâm. Bởi họ biết, dù họ có tự kiểm duyệt và cắt các cảnh “không nên” thì việc được ra mắt là rất khó.

Hay Dannie Wang, biên kịch dòng phim giả tưởng đã chuyển đến Canada để học viết kịch bản vào năm 2021. Ông cho biết nhiều nhà đầu tư lớn đã đồng ý phát triển kịch bản giả tưởng thành phim. Vào năm 2018, bản quyền của một phóng sự giả tưởng hay có thể được bán với giá hàng triệu nhân dân tệ, nhưng bây giờ các kịch bản này rất khó được cơ quan kiểm duyệt chấp thuận.

Một trong những kịch bản hư cấu của Wang đã được một công ty điện ảnh và truyền hình lớn ở Bắc Kinh đầu tư, thậm chí còn xác nhận các đạo diễn và diễn viên. Tuy nhiên dự án hiện đang bị “ngâm nước” do dịch bệnh cũng như chưa qua kiểm duyệt.

Theo Taopiapiao, tính đến đầu tháng 11, 49 phim nhập khẩu nước ngoài đã được phát hành ở Trung Quốc, bao gồm cả phim của Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc). Đây là con số thấp nhất trong thập kỷ qua. Năm 2021, có 73 phim nước ngoài được chiếu, 136 phim vào năm 2019 và 71 phim năm 2012.

Trong 49 bộ phim phát hành năm nay, có 11 phim ra mắt năm 2021, bốn phim năm 2020, ba phim năm 2019 và thậm chí có một bộ phim từ năm 2015.

Tuy nhiên thật bất ngờ, bộ phim “Avatar: The Way of Water”, phần tiếp theo trong dự án bom tấn của đạo diễn James Cameron sẽ được phát hành ở Trung Quốc vào ngày 16 tháng 12, theo thông báo từ 20th Century Studios.

Từng vượt qua Mỹ 2 năm liên tiếp, đem về gần 7 tỷ USD nhưng ngành này của Trung Quốc lại bị nhiều nhà đầu tư quốc tế né tránh - Ảnh 2.

Avatar: The Way of Water. Ảnh: ZUMA Press/TNS

Theo thống kê từ National Business Daily và trung tâm dữ liệu của Wanda Film Group, khoảng 263 phim đã được phát hành tại các rạp chiếu phim Trung Quốc tính đến ngày 20 tháng 10. Năm 2021 có 542 bộ phim, 307 vào năm 2020 và 560 vào năm 2019.

Dữ liệu cũng cho thấy tần suất trung bình đi xem phim của người dân Trung Quốc chỉ còn ít hơn hai lần một năm. Trước dịch, con số trung bình là 6 lần/năm.

Gần một nửa số rạp chiếu phim ở Trung Quốc đã tạm thời đóng cửa ít nhất một lần trong hai quý đầu, theo dữ liệu từ Wanda Film. Trong đó 61,5% rạp đóng cửa hơn một tháng và 31% đóng cửa hơn hai tháng.

Các rạp chiếu phim ở một số thành phố của Trung Quốc gần đây đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, những người đi xem phim vẫn được yêu cầu cung cấp xét nghiệm PCR âm tính và rạp phải có quy định số khách nhất định.

Doanh thu bán vé trên toàn quốc từ thứ tư tuần trước đến trưa thứ ba đạt tổng cộng 132,21 triệu nhân dân tệ. Tăng so với 96,41 triệu nhân dân tệ trong khoảng thời gian bảy ngày trước đó.

Khó khăn tiếp theo đối với ngành công nghiệp phim ảnh là các nhà làm phim không thể ra nước ngoài để trao đổi ý tưởng cũng như nâng cao trình độ vì tình hình dịch bệnh.

“Trong vài năm qua tôi không thể ra nước ngoài. Tôi có thể xem tác phẩm của đồng nghiệp quốc tế thông qua nhiều nền tảng nhưng lại không thể nói chuyện trực tiếp để hiểu suy nghĩ của họ, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ tuổi,” đạo diễn kiêm biên kịch Trung Quốc Giả Chương Kha nói tại một sự kiện ở Bắc Kinh đầu tháng trước.

Tại Trung Quốc, 49,4% khán giả quan tâm đến các bộ phim có chủ đề tội phạm, 41,8% thích những bộ phim hiện thực xã hội, theo báo cáo khảo sát khán giả xem phim Trung Quốc năm 2021.

“Return to Dust”, một bộ phim với mức kinh phí 3 triệu nhân dân tệ đã mô tả cuộc sống nông thôn ở Trung Quốc (phát hành tháng 7) và thu về 100 triệu nhân dân tệ chỉ trong ba tháng.

Từng vượt qua Mỹ 2 năm liên tiếp, đem về gần 7 tỷ USD nhưng ngành này của Trung Quốc lại bị nhiều nhà đầu tư quốc tế né tránh - Ảnh 3.

Return to Dust. Ảnh: Hucheng No. 7 Films Ltd

Hiện nay, dù vẫn có nhiều hạn chế do dịch bệnh cũng như tình trạng kiểm duyệt phim gắt gao nhưng điện ảnh Trung Quốc đã phần nào khởi sắc. Trong tương lai, ngành công nghiệp này sẽ một lần nữa phát triển mạnh mẽ và thu hút nhiều vốn đầu tư quốc tế.

Tham khảo: SCMP

Thùy Bảo

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên