MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tước giấy phép của 4 thương nhân phân phối xăng dầu

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện của 4 thương nhân phân phối xăng dầu ở Hải Phòng, TPHCM, Hà Nội và Quảng Nam.

Cụ thể, tại Quyết định số 1170/QĐ-BCT, Bộ Công Thương thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối của Công ty TNHH Đức Hạnh (trụ sở tại số GH65, khu dân cư Hồ Đá, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng).

Tước giấy phép của 4 thương nhân phân phối xăng dầu- Ảnh 1.

Công ty TNHH Thương mại và vận tải xăng dầu Minh Phát là một trong 4 doanh nghiệp bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép thương nhân phân phối

Trường hợp thứ 2 bị thu hồi giấy phép là Công ty TNHH Thương mại và vận tải xăng dầu Minh Phát (có trụ sở tại 64/1M đường Võ Oanh, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM).

Tại Quyết định số 1172, Bộ Công Thương cũng thu hồi giấy phép đối với Công ty TNHH thương mại và cung ứng Petrolink (số 9, ngõ 84, phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội).

Trường hợp thứ 4 bị thu hồi giấy phép là Công ty CP thương mại và dịch vụ vận tải Ngọc Khánh (khối phố Viêm Tây 2, phường Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, năm 2023, Tổng cục đã thực hiện thanh tra đối với 86 thương nhân phân phối xăng dầu.

Qua thanh tra, lực lượng Quản lý thị trường đã xử phạt vi phạm hành chính 64 doanh nghiệp với số tiền hơn 6,72 tỷ đồng, xác định số tiền thu được từ số lợi bất hợp pháp hơn 1,54 tỷ đồng và thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 8,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục đã xử phạt và tước Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu từ 1-3 tháng đối với 16 doanh nghiệp.

Qua công tác thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện nhiều thương nhân phân phối xăng dầu vi phạm trong quá trình kinh doanh, các hành vi vi phạm phổ biến gồm: Mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân đó đang là đại lý của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác: 23/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 36%.

Lỗi chủ yếu của các đơn vị gồm: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định và gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy , chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định.

Qua thanh tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhiều doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối (cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của đại lý không đủ theo quy định): 17/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 26,5%.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên