Tuổi 30 dễ mặc phải 6 cạm bẫy "hút hết tiền bạc": Người sáng suốt tránh sai lầm, tuổi về hưu có tài chính ổn định, nghỉ ngơi an nhàn
Gần như ai cũng mắc phải một trong 6 cạm bẫy tài chính sau đây ở độ tuổi 30, nhưng không phải ai cũng biết cách phòng tránh để giữ cho bản thân ổn định và an toàn.
- 21-04-2022Tôi đã thực hiện thử thách ngừng mua sắm trực tuyến trong 2 tháng và học được 5 điều thú vị trong cách tiêu tiền
- 18-04-2022Ông trùm bất động sản được ví là "vua đất" suốt hơn 2 thập kỷ, tiền đổ vào như nước nhưng cái kết chẳng ai ngờ: Giao cho con tiếp quản 5 năm, sản nghiệp thay đổi chóng mặt
- 18-04-202240 tuổi - nhiều người dễ dàng kiếm tiền còn bạn vẫn loay hoay: 4 tư duy nhất định phải có để "nằm ngủ cũng kiếm ra tiền"
Bước sang tuổi trưởng thành là một bước chuyển biến lớn trong cuộc sống. Ở độ tuổi 20, ta rời trường đại học và bắt đầu một công việc mới, bắt đầu kiếm ra tiền và để dành tiền.
Tuy nhiên, ngay khi các khoản thu chi đã bắt đầu ổn định, ta sẽ bước sang tuổi 30, độ tuổi mà những quyết định sai lầm có thể khiến ta đánh mất tiền tiết kiệm trong vài năm trước đó.
Vì vậy, hãy ghi nhớ những cạm bẫy mà rất nhiều người mắc phải sau đây, để giữ cho tài chính bản thân ổn định trong những năm tuổi 30 và cả sau này:
Duy trì những mối quan hệ tốn kém
Tình yêu khiến con người ta mù quáng. Tai hại hơn, nó có thể là nguồn cơn của việc vung tiền quá mức và thậm chí là nợ nần.
Thêm vào đó, việc không thẳng thắn bày tỏ quan điểm về tiền bạc với nửa còn lại có thể gây ra những vấn đề lớn cho mối quan hệ của bạn. Và nếu không thể tìm ra điểm dung hòa cho nhu cầu của cả hai phía, thì sớm muộn gì tiền bạc cũng sẽ là gốc rễ của mọi cuộc tranh cãi.
Mua một chiếc xe mới
Sở hữu một chiếc xe mới là mong ước của gần như mọi người đàn ông trong độ tuổi đi làm, nhưng hãy cân nhắc thật kĩ, vì những lợi ích có thể chỉ bằng một nửa những tác hại.
Một khi bắt đầu lăn bánh, chiếc xe sẽ mất tới gần 30% giá trị ban đầu chỉ trong vòng một năm, và mất tới 50% giá trị chỉ trong 3 năm. Dù mua xe đã lăn bánh hay mua xe mới hoàn toàn từ đại lí, thì những chi phí đi lại, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa cũng sẽ khiến bạn phải mất thêm một khoản tiền không nhỏ hàng tháng. Rõ ràng nếu công việc hiện tại không đủ sức đáp ứng những chi phí đó, chiếc ô tô đã trở thành một gánh nặng đáng kể khiến cuộc sống khó khăn hơn.
Ham tiệc tùng vui chơi hàng đêm
Con người là tổng hòa các mối quan hệ, và chúng ta luôn có xu hướng tham gia các hoạt động mang tính tích cực và vui vẻ với người khác. Bất kể là người hướng ngoại hay hướng nội, nhu cầu được ở bên mọi người sẽ luôn tồn tại, và khi điều đó xảy ra quá mức cần thiết, nó sẽ trở thành một mối nguy cho ví tiền.
Chính việc không cân nhắc kĩ càng và không biết hạn chế chi tiêu cho những cuộc vui khiến tiền bạc trong ví thay nhau đội nón ra đi. Do đó, cần giới hạn bản thân, tránh ăn chơi sa đà để quản lí tiền bạc tốt hơn.
Hãy thử giới hạn chi tiêu chỉ ở mức 5% tổng thu nhập cho các cuộc vui này. Ví dụ, khi đi ăn với bạn bè hoặc gia đình, không nhất thiết phải chọn món đắt nhất. Bữa ăn vẫn sẽ rất ngon và ta vẫn có thể vui vẻ mà không phải tốn cả mớ tiền.
Mua hoặc thuê một ngôi nhà đắt đỏ
Tuổi 30 là thời điểm nhiều người bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai và nhìn nhận giá trị thực tế của một ngôi nhà. Ta muốn một ngôi nhà đầy đủ công năng sử dụng, nằm ở vị trí thuận lợi để đi làm hay đi chơi, hay gần những dịch vụ công cộng thiết yếu nhất, như bệnh viện và trường học.
Tuy nhiên, một ngôi nhà ưng ý như vậy, với mức giá đắt đỏ, có thể trở thành một gánh nặng rất lớn cho ngân sách của bạn trong nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm. Ngoài ra, chi quá nhiều cho một ngôi nhà cũng khiến những khoản tiết kiệm trở nên eo hẹp hơn, và sẽ rất nguy hiểm nếu có tình huống khó khăn đột xuất xảy ra.
Khi mua một ngôi nhà, hãy xem xét mọi yếu tố xung quanh nó và nghĩ đến phương án kết hợp hài hòa giữa địa điểm với giá cả. Ví dụ, một căn nhà xây trên khu vực mới được mở rộng của thành phố chắc chắn sẽ có giá thấp hơn một ngôi nhà xây trên các khu vực phát triển. Mặc dù vậy, theo thời gian, giá trị căn nhà của bạn vẫn có thể tăng lên khi thành phố ngày một phát triển.
Lạm dụng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng là con dao hai lưỡi. trong một số thời điểm nhất định, thẻ tín dụng sẽ phát huy tác dụng, nhưng việc dùng thẻ thiếu kiểm soát sẽ mang lại một gánh nặng tài chính cực lớn, vì chỉ riêng việc trả lãi đã đủ ngốn hết cả quỹ chi tiêu.
Không thể phủ nhận sự tiện lợi vượt trội mà thẻ tín dụng mang lại, nhưng hãy luôn nhớ đặt chúng trong tầm kiểm soát, tránh để đến lúc hậu quả đã nặng nề.
Không chịu đầu tư tiền
Nhiều người tin rằng đầu tư chỉ dành cho các triệu phú, hoặc rằng lợi nhuận thu được không đáng là gì so với những thứ phải bỏ ra. Tuy vậy, điều mà mọi người không hiểu là đầu tư không phải là một cuộc chạy đua nước rút, mà là một cuộc chạy đường trường.
Ngày nay, việc đầu tư dễ dàng đến mức ai cũng có thể tham gia chỉ với một chiếc điện thoại trên tay. Và ai đầu tư càng sớm và nhất quán, thì càng sớm có đủ điều kiện ổn định cuộc sống, thậm chí là nghỉ hưu sớm.
Bắt đầu đầu tư càng sớm thì càng có thể tích lũy được nhiều hơn. Công thức chung cũng rất đơn giản: chỉ cần lập ngân sách để chi tiêu không vượt quá thu nhập, trả hết mọi khoản nợ, và tiết kiệm cũng như đầu tư bất kỳ khoản tiền nào dư dả.
Tóm lại, những cái bẫy tiền bạc luôn chực chờ chúng ta ở độ tuổi 30, bởi vậy, hãy cố gắng giữ cho bản thân tỉnh táo để tránh sa vào đó, và những năm tháng sau đó sẽ ổn định và an nhàn hơn rất nhiều.
Theo Medium