MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuổi kết hôn lần đầu ngày càng tăng, TP HCM cao nhất nước

03-08-2024 - 17:35 PM | Sống

Nam giới nước ta lấy vợ khi gần 30 tuổi. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP HCM là 30,4, cao nhất tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, cả nước có hơn 688.000 cuộc kết hôn, trong đó hơn 83% số cặp là kết hôn lần đầu.

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nước cũng tăng dần thời gian qua, hiện ở mức 27,2 tuổi, trong khi năm 2022 là 26,9 và năm 2021 là 26,2.

Tuổi kết hôn lần đầu ngày càng tăng, TP HCM cao nhất nước- Ảnh 1.

Tuổi kết hôn lần đầu của người Việt ngày càng tăng. Ảnh minh hoạ

Tuổi kết hôn ở TP HCM là 30,4

Với nam giới, độ tuổi kết hôn lần đầu lên tới 29,3 tuổi, trong khi nữ là 25,1. Trung bình người ở khu vực thành thị kết hôn khi 28,6 tuổi; con số này là 26,3 ở nông thôn.

Đông Nam bộ hiện là vùng người dân kết hôn lần đầu muộn nhất, ngoài 29 tuổi. Trong đó, tuổi kết hôn lần đầu của người TP HCM là 30,4 tuổi; Bà Rịa - Vũng Tàu là 29,3 tuổi. Người dân Khánh Hòa cũng kết hôn muộn, trung bình 29,1 tuổi.

Độ tuổi trung bình để người Hà Nội kết hôn lần đầu năm 2023 là 27,9 tuổi, cao nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sớm hơn người TP HCM 2,5 tuổi. Thanh niên Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng kết hôn ở tuổi 27,4.

Vùng người dân kết hôn lần đầu sớm nhất là Trung du và miền núi phía Bắc: 24,6 tuổi. Thanh niên ở Lai Châu kết hôn khi mới ngoài 22, sớm nhất cả nước. Người Hà Giang, Sơn La xếp thứ 2 và 3, kết hôn ở tuổi 22,8 và 22,9.

Những năm qua, độ tuổi kết hôn của giới trẻ TP HCM luôn cao nhất cả nước, vượt xa nhiều tỉnh thành khác. Năm 2023, lần đầu vượt mốc 30 tuổi. Con số này có xu hướng tăng liên tục từ 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,7 tuổi.

Ảnh hưởng của việc kết hôn muộn hiện nay chính là mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số. Tại TP HCM số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42, giảm ở mức cảnh báo, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì là 2-2,1 con trên mỗi phụ nữ.

Nhiều người trẻ thích sống độc thân

Các nghiên cứu ghi nhận ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, sinh con do gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do. Ngoài ra, người trẻ không mặn mà kết hôn còn do ảnh hưởng từ các câu chuyện gia đình đổ vỡ, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng...

Xu hướng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cả nhiều quốc gia khác, đặc biệt ở châu Á. Nhiều phụ nữ trẻ tuổi có tư tưởng muốn theo đuổi sự nghiệp, cuộc sống độc lập, tự chủ về tri thức, tài chính, vững vàng tâm lý thay vì kết hôn sinh con sớm...

Tuổi kết hôn lần đầu ngày càng tăng, TP HCM cao nhất nước- Ảnh 2.

Do kết hôn muộn nên nhiều cặp vợ chồng có con khá muộn

Các chuyên gia cho biết thông thường, kết hôn muộn đi kèm với sinh con muộn, thậm chí sinh ít con, trong khi với phụ nữ, giai đoạn "vàng" trong độ tuổi sinh sản là từ 20-25 tuổi.

Trước đó, trong Hướng dẫn phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo mẹ trên 35 và bố ngoài 45 tuổi có thể là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị khuyết tật bẩm sinh.

Trong báo cáo tác động chính sách dự án Luật Dân số đang lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Y tế cũng đưa ra nhận định xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.


Theo N.Dung

Người lao động

Trở lên trên