Tuổi trẻ ngại gì nhảy việc: Hãy bán sức lao động của mình ở nơi người ta muốn mua với giá tốt!
Câu hỏi là bạn có chịu chấp nhận cho bản thân mình bị mai một và nhạt nhẽo để hưởng lấy hai chữ "thái bình" không?
- 27-02-2018Nhật ký nhảy việc: Bằng khá, sinh viên thuộc top nhận học bổng của trường nhưng 26 tuổi rồi, tôi vẫn thất nghiệp
- 16-06-20173 lí do khiến nhiều người "nhảy việc" này nhưng rồi lại "hụt chân" vì chính nó
- 23-12-2016Năm mới, vị trí mới: Đây là 5 điều cần chuẩn bị nếu muốn thương lượng mức lương cao khi "nhảy việc"
Có bao giờ bạn cảm thấy nhàm chán vì phải lặp đi lặp lại một lịch trình đều đặn mỗi ngày không? Sáng thức dậy đúng 6 giờ, hối hả làm cốc cà phê xong lao ra đường bắt cho kịp chuyến xe đến chỗ làm rồi quần quật đến chiều tối mịt mới về. Làm xong việc nhà thì đi ngủ để mai lại tiếp tục cái vòng luẩn quẩn đó.
Bạn không có thời gian để làm những việc khác, thậm chí nuôi một chú chó mà nó cũng không muốn gặp mặt tại bạn có vuốt ve quan tâm nó nhiều đâu, bạn bè cũng chỉ liên lạc để nhờ việc nọ việc kia, mượn tiền hoặc mời đám cưới tại bạn có liên lạc cho ai đâu.
Bạn sống một cuộc sống nhàm chán không hề có một kế hoạch gì vì mọi thứ bạn làm hàng ngày đã thấm vào máu, tất cả trở thành quán tính vì bạn quen thuộc với mọi thứ, không việc gì khiến bạn phải đụng tới "Plan B" vì ngay từ đầu đã chẳng tồn tại một cái "Plan A" nào.
Nếu như những dòng trên miêu tả chính xác phần nào tình trạng của bạn ở hiện tại thì bạn đã đến chỗ cua rồi đấy, phải rẽ hướng khác đi thôi. Một công việc ổn định, lương trả đều đều là thứ ai cũng mơ ước khi còn đi học. Nhưng liệu điều đó có còn đúng khi đã ra trường? Đâu phải thứ gì cũng hoàn hảo, nếu được cái này bạn phải chấp nhận mất cái khác.
Vấn đề nằm ở chỗ bạn có chịu chấp nhận cho bản thân mình bị mai một để hưởng lấy hai chữ "ổn định" không?
Tôi thấy nhiều người bạn của mình ra trường tìm được việc rồi như đóng chốt, thề trung thành luôn tới cùng không chịu sang chỗ nào khác làm. Nhiều khi hỏi đến họ một vấn đề mà trả lời rất ngây ngô, phiến diện. Có thể thấy những người đó cho dù có mang cái mác 5 năm hay 10 năm kinh nghiệm đi nữa thì họ cũng chỉ đang nhìn đời qua một cái giếng duy nhất.
Tại sao vậy?
Sao không chạy đây chạy đó để biết mình biết ta?
Sống an phận quá không thấy nhàm chán sao?
Cũng giống như yêu đương. Thử hỏi có bao nhiêu người kết hôn sống hạnh phúc với mối tình đầu của họ? Họ phải gặp rất nhiều người trong cuộc đời ngắn ngủi để có cái nhìn đa chiều, để so sánh xem xét coi bản thân họ thấy hạnh phúc khi ở với ai nhất.
Yêu nhau không đồng nghĩa với chuyện hạnh phúc cùng nhau sau kết hôn. Đại sự trăm năm há có thể đặt cược vào những thứ gọi là "tình yêu sét đánh", "thanh mai trúc mã", "một túp lều tranh" sao? Còn cả tỉ tỉ vấn đề khác mà không phải tâm hồn màu hồng nào cũng nhìn thấy được.
Sự nghiệp cũng thế, cũng là đại sự của đời người. Bạn không thể ngày một ngày hai phán rằng bạn sẽ làm nghề này lâu dài, huống gì nói đến chuyện sẽ làm một chỗ duy nhất. Bạn phải tập nhìn trước ngó sau, tập nhảy việc ít nhất 2 năm 1 lần, tập suy xét nặng nhẹ và ra quyết định kịp lúc.
Nhảy việc nhiều để giúp mình thích nghi được với đủ loại môi trường làm việc và quan trọng hơn hết là cho bản thân những đợt sóng lớn nhỏ nhất định để có thể lèo lái con thuyền sự nghiệp tới những bến bờ mới. Là những người trẻ, nếu không thử bây giờ thì biết đến bao giờ?
Đành rằng khi bước khỏi "vùng an toàn" thì chắc chắn sẽ nguy hiểm. Nhưng chẳng phải có thử thách nguy hiểm thì chúng ta mới phát triển được sao? Tôi muốn nói rằng, chỉ có thay đổi mới giúp bạn thấy được mình cần gì và từ đó xây dựng cho bạn tính cách và kĩ năng hoàn thiện hơn.
Đừng ngây thơ để người khác chụp mũ nói rằng bạn là kẻ ích kỉ, vô ơn khi cứ đổi chỗ làm liên tục trong khi bạn được đào tạo, được trao cơ hội này kia suốt cả quá trình làm việc. Thị trường lao động vốn là một cuộc chiến, không ai có thể trách bạn nếu bạn bỏ việc để qua nơi khác làm, muốn trách thì trách người ta không đủ năng lực để giữ bạn lại.
Bạn cứ tự tin bước những bước toan tính đi vì đó là toan tính cho cuộc sống của bạn. Hãy đi bán sức lao động của mình ở nơi người ta muốn mua với giá tốt. Cái giá ở đây có thể không phải là tiền mà nhiều khi là sự trân trọng, là trải nghiệm và biết đâu là cả hạnh phúc nữa.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Trí thức trẻ