MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuổi trẻ và bệnh 'phó mặc cho số phận': Đã đến lúc phải đứng lên để quyết định cuộc đời mình?

24-09-2017 - 11:49 AM | Sống

“Để cập bến, chúng ta phải đi thuyền, đôi khi cùng chiều gió và đôi khi ngược chiều gió. Nhưng chúng ta không được trôi dạt hay thả neo ở một chỗ", Oliver Wendell Holmes

Lướt sóng là môn thể thao mạo hiểm đầy thách thức với những người trẻ tuổi. Austin, đang thử sức với môn thể thao này. Không may là hôm nay không thực sự là một ngày an toàn với môn thể thao mạo hiểm này, các con sóng đến cùng gió và dòng hải lưu mạnh, có thể gây ra những hỗn loạn dưới mặt nước. Austin bị vướng vào một đợt thuỷ triều mạnh, anh ta có sức nhưng thiếu kinh nghiệm để có thể thoát khỏi dòng chảy đó. Nó cứ kéo anh ra xa bờ hơn. Anh ta vùng vẫy nhưng không tài nào thoát được cho đến khi kiệt sức.

Cuộc sống cũng có thể tác động như vậy đối với chúng ta. Thật dễ để chúng ta bị mắc vào một dòng hải lưu và bị kéo ra xa. Càng tệ hơn khi chúng ta có thể thấy chính mình đang lao vào con đường nguy hiểm đó. Nhiều người khi bước vào tuổi 25, 30, nhìn ra xung quanh, và nhận thấy rằng họ đã bị kéo ra tận ngoài khơi. Có lẽ sức khỏe của họ đang suy giảm, hôn nhân của họ đã đổ vỡ, hay sự nghiệp trì trệ. Có thể họ đã đánh mất mối kết nối tinh thần, và cuộc sống mất đi ý nghĩa hay không còn trọn vẹn. Dù là gì thì họ cũng đã nhìn lên và thấy mình cách quá xa nơi họ nên ở vào thời điểm này của cuộc đời. quá chán nản Họ đã trở thành nạn nhân của sự phó mặc.

Sự phó mặc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ cho bạn, mà còn cho những người bạn yêu thương và những người tin tưởng vào bạn. Trong một số trường hợp, sự phó mặc có thể hết sức nguy hiểm. Điều quan trọng là hiểu được những hậu quả để có thể tránh và có những biện pháp để sửa chữa vào lúc này. Bạn có thể tránh một hay nhiều hơn những hậu quả đắt giá dưới đây:

1. Sự mơ hồ

Khi đang phó mặc, chúng ta mất phương hướng. Không thấy được một đích đến rõ ràng, những thách thức trên hành trình thật vô nghĩa. Không có một điều gì lớn lao để đem lại ý nghĩa cho những vở kịch nhỏ nhặt của đời sống. Khi gặp phải điều này, tức là chúng ta đã bị mất phương hướng. Giống như người đi bộ đường dài không có la bàn hay GPS, chúng ta đi theo vòng tròn, bị lạc trong một khu rừng những sự kiện và những hoạt động không liên quan. Cuối cùng, chúng ta thắc mắc liệu cuộc sống của mình có còn bất kỳ ý nghĩa nào không và cảm thấy tuyệt vọng trong việc tìm kiếm một mục đích.

2. Phí tổn

Cái giá của việc phó mặc trong cuộc sống có thể sẽ cực kỳ đắt đỏ, cả về tiền bạc lẫn điều quan trọng hơn, đó là thời gian. Điều này thường xảy đến khi chúng ta lang thang qua cuộc đời, không biết được đâu là đích đến và tiêu đi những nguồn tài nguyên quý giá và hữu hạn. Đôi khi điều sáng suốt nhất bạn có thể làm là dừng lại và tìm một chỗ dựa. Việc đó có vẻ như khiến hành trình chậm lại, nhưng rốt cuộc nó lại nhanh hơn và ít tốn kém hơn nếu xét về mặt đến được nơi bạn thật sự muốn đến.

3. Đánh mất cơ hội

Trừ phi chúng ta có sẵn một điểm đến trong đầu, nếu không sẽ thật khó để tách bạch giữa các cơ hội và những thứ gây sao nhãng. Chúng ta tự hỏi “Liệu việc này có đưa mình đến được gần hơn với mục tiêu hay sẽ đẩy mình ra xa hơn?” Không có một kế hoạch thì chúng ta không cách nào biết được. Không có một cảm giác thúc giục thật sự, không có lý do để nắm bắt lấy cơ hội, và không cảm giác có thể đánh mất nếu không nắm bắt lấy nó. Nên thật dễ để chần chừ. Và hầu hết các cơ hội đều có thời hạn. Nếu để lỡ mất thì chúng thường mất đi vĩnh viễn.

4. Nỗi đau

Trong khi một số nỗi đau trong cuộc sống là không thể tránh khỏi, chúng ta thường tự làm mình tệ hơn. Điều này chỉ đơn giản là vì chúng ta không biết lên kế hoạch. Ví dụ:

- Không có một kế hoạch cho sức khỏe (dù đó là sức khỏe thể chất, tinh thần hay tâm linh) thì chúng ta có thể bị mắc bệnh, không có sức sống, bị rơi vào trạng thái chán nản hoặc… qua đời!

- Không có một kế hoạch cho sự nghiệp, chúng ta có thể cảm thấy sự nghiệp không trọn vẹn, bị trì trệ hoặc thất nghiệp.

- Không có một kế hoạch cho hôn nhân, chúng ta có thể rơi vào cảnh khổ đau, chia cắt hoặc ly hôn.

- Không có một kế hoạch cho việc nuôi dạy con cái, chúng ta có thể bị xa cách tình cảm, con cái hư hỏng và sự hối tiếc thật sự.

Đây là những mối nguy của sự phó mặc. Nếu chúng ta trải qua cuộc sống mà không có một kế hoạch, chúng ta có thể nhanh chóng thấy mình đang gặp vấn đề – và có lẽ vấn đề đó rất lớn.

5. Hối tiếc

Có lẽ hậu quả đáng buồn nhất chính là vào lúc cuối đời cảm thấy hối tiếc sâu sắc. Chúng ta chìm trong những cái “giá mà”:

- Giá mà tôi có chế độ ăn lành mạnh hơn, tập thể dục nhiều hơn, và biết chăm sóc cơ thể của mình hơn.

- Giá mà tôi dành nhiều thời gian hơn để đọc, học một thứ ngôn ngữ khác, hay đi du lịch đến các quốc gia khác.

- Giá mà tôi dành nhiều thời gian hơn để kết nối với người bạn đời của mình, lắng nghe thay vì nói, và cố gắng để hiểu thay vì cầu mong được hiểu.

- Giá mà tôi dành nhiều thời gian hơn với con cái mình – đi xem các trận đấu thể thao hay các buổi biểu diễn độc tấu của chúng, đưa chúng đi cắm trại, câu cá, và dạy chúng cách sống.

- Giá mà tôi đủ can đảm để bắt tay vào gây dựng sự nghiệp của chính mình.

- Giá mà tôi rộng lượng hơn, cho đi thời gian, tài năng và tiền bạc của mình để giúp đỡ những người đang cần sự cứu giúp.

Chúng ta đều biết sự thật của câu châm ngôn “Cuộc đời không phải là một buổi diễn tập.” Nếu làm sai có thể dẫn đến những hậu quả thật sự. Nhiều người vẫn đang tìm cách để vượt qua các hậu quả đó. Không có đường vòng nào cả – chúng ta đang sống trong những hậu quả do những lựa chọn của mình. Nhưng tin tốt lành là, các quyết định của chúng ta là những điều chúng ta có thể làm chủ. Ngày hôm nay chính là ngày để đưa ra những lựa chọn thật sự có ý nghĩa.

Theo Linh Đan

Trí thức trẻ

Trở lên trên