MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tưởng cảm lạnh bỗng tử vong đột ngột: BS cảnh báo có dấu hiệu này tới viện ngay kẻo muộn

05-09-2018 - 13:42 PM | Sống

Các biến chứng của cơn tăng huyết áp có thể gây ra xuất huyết não, dù chỉ chiếm 8 – 11% các trường hợp đột quỵ cấp nhưng nguy cơ cứu chữa rất khó khăn.

Tử vong vì dấu hiệu đau đầu báo trước mà không biết

Ông Nguyễn Ngọc Đ. 63 tuổi, quê Bình Lục, Hà Nam, được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện do xuất huyết não. Vợ ông cho biết trước đó 1 ngày ông kêu đau đầu, buồn nôn nên nằm nghỉ và cho uống thuốc cảm vì nghĩ cảm lạnh.

Đến sáng hôm sau, ông Đ. đi xe máy ra nhà người quen chơi và vừa ngồi vào ghế thì ông gục xuống bàn, rối loạn ý thức, thờ ơ. Sau đó, mọi người gọi người y tá trong thôn đến tiêm và tình trạng không cải thiện mới gọi xe đưa đến viện.

Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết ông bị xuất huyết não nội sọ và nguyên nhân do huyết áp cao. Vợ ông Đ. kể "chồng tôi bị cao huyết áp nhưng cũng không điều trị mà sống chung với bệnh. Lúc nào da ông ấy cũng đỏ au, bảo ông ấy uống thuốc, ông bảo kệ chẳng sao, ai ngờ lại bị xuất huyết não". Sau khi can thiệp không thành công, gia đình đã xin về quê để lo hậu sự.

Chị Vũ Thị Th. 34 tuổi, Hà Nội, bị cao huyết áp mấy năm nay nhưng chị Th không điều trị theo thuốc bác sĩ kê mà đi chữa bệnh tâm linh.

Đến khi huyết áp lên cao, chị đau đầu nhưng vẫn nằm nhà và đến chiều xuất hiện rối loạn ý thức, liệt vận động và hôn mê. Chị được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Bệnh nhân Nguyễn Văn B, 56 tuổi, sống ở Hà Nội, được phát hiện tăng huyết áp 3 năm nay, duy trì thuốc uống nhưng khoảng tuần trước khi vào viện bệnh nhân bỏ thuốc.

Buổi sáng ngủ dậy bệnh nhân đột ngột đau đầu dữ dội. Vì có tiền sử huyết áp nên ông B đo huyết áp: 250/140mmHg. Vợ ông nhanh chóng gọi xe cấp cứu 115 đưa vào Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong tình trạng lơ mơ, huyết áp lên tới 230/120mmHg, chụp CT sọ não không có tổn thương nhu mô não.

Trường hợp của ông B. may mắn là ông đã đo huyết áp và vào viện cấp cứu nhanh. Sau khi được cấp cứu hạ huyết áp chỉ huy, ông B đã tỉnh lại dần.

Cơn cao huyết áp cực kỳ nguy hiểm

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết hàng ngày Khoa của ông tiếp nhận khoảng 3-5% bệnh nhân có cơn tăng huyết áp. Và nếu không kiểm soát được cơn tăng huyết áp, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm trong đó có xuất huyết não.

Cơn tăng huyết áp được chia thành tăng huyết áp cấp cứu hoặc khẩn cấp.

Tăng huyết áp khẩn cấp liên quan đến tăng huyết áp tâm thu ≥180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥120 mmHg. Bệnh nhân thường có biểu hiện thần kinh, bệnh não tăng huyết áp, nhồi máu não, xuất huyết não, nhồi máu hoặc thiếu máu cơ tim, rối loạn chức năng thất trái cấp, phù phổi cấp, bóc tách động mạch chủ, suy thận cấp hoặc sản giật.

Bác sĩ Sơn cho biết, một vài bệnh nhân bị huyết áp nguyên phát cao nhưng không biết còn có lại chủ yếu do bệnh nhân bỏ thuốc, bị stress hoặc sau khi hoạt động gắng sức, khi thay đổi thời tiết, bị nhiễm lạnh, bỏ thuốc hạ huyết áp, đột quỵ chảy máu não …

Tưởng cảm lạnh bỗng tử vong đột ngột: BS cảnh báo có dấu hiệu này tới viện ngay kẻo muộn - Ảnh 1.

Bệnh dễ gây xuất huyết não.

Triệu chứng của cơn tăng huyết áp đó là bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương cơ quan đích như: nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, đau ngực, đau lưng, khó thở, nhìn mờ, lẫn lộn…

Khi có các dấu hiệu trên người bệnh cần được nghỉ ngơi yên tĩnh, dùng các thuốc hạ áp (như: Captopril 25mg x 1 viên nhai và ngậm trong miệng…, có thể tiếp tục dùng thuốc hạ áp trong ngày), dùng các thuốc an thần (như seduxen…) và nhanh chóng gọi cấp cứu đưa đến bệnh viện gần nhất.

Để dự phòng cơn tăng huyết áp phòng biến chứng xuất huyết não, nhồi máu cơ tim… bệnh nhân cần kiểm soát tốt huyết áp hàng ngày bằng việc dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều trị các yếu tố nguy cơ rối loạn lipid máu, bệnh đái tháo đường.

Giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Không hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng các đồ uống hoặc các chất kích thích, tránh căng thẳng, tránh nhiễm lạnh đột ngột. Kiểm soát cân nặng, tập thể dục thường xuyên. Khám sức khỏe định kì để được tư vấn, phát hiện và điều trị kịp thời tăng huyết áp.

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên