Tướng Công an khẳng định: 'Sẽ điều tra triệt để mọi góc cạnh trong vụ kit Covid-19 Việt Á'
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết, cơ quan điều tra làm rõ doanh số bán hàng trong 2 năm của Việt Á khoảng 4.000 tỷ. Đây là doanh số bán hàng, không phải tiền chiếm hưởng.
- 28-12-2021Công ty Việt Á được tặng Huân chương Lao động, sẽ xử lý thế nào?
- 28-12-2021Bộ KH&CN đính chính thông tin WHO chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á
- 27-12-2021Vụ Công ty Việt Á: Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ KH&CN
Tại buổi họp báo chiều nay, báo chí đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến vụ án Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á "thổi giá" kit test Covid-19 .
Ngoài ra, đề tài nghiên cứu kit test được đầu tư bằng tiền ngân sách gần 19 tỷ đồng, trong đó có sự chủ trì của Học viện Quân y, nhưng sau đó lại được chuyển giao cho Công ty Việt Á, qua đó công ty thu lời hàng ngàn tỷ đồng. Trách nhiệm của Bộ KH&CN, Bộ Y tế trong vấn đề này ra sao?
Trả lời các câu hỏi trên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, ngày 17/12, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi khởi tố, cơ quan điều tra đã công bố những thông tin ban đầu, cơ bản về vụ án trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để báo chí và dư luận có thể nắm bắt.
"Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là phải điều tra triệt để mọi góc cạnh liên quan đến vụ án, làm rõ đến đâu thông tin đến đó", tướng Thành nói và cho biết, đến nay cơ quan điều tra xác định Công ty Việt Á bán trực tiếp hoặc gián tiếp sản phẩm kit xét nghiệm đến 62 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong đó, nhiều sản phẩm có thể do Việt Á sản xuất. Nhiều sản phẩm được bán thông qua đơn vị trung gian hoặc nhà tài trợ. Vụ án đang được điều tra mở rộng.
Liên quan đến khoản tiền 4.000 tỷ doanh thu của Việt Á, theo tướng Thành, cơ quan điều tra làm rõ doanh số bán hàng trong 2 năm của Công ty Việt Á khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đây là doanh số bán hàng, không phải số tiền chiếm hưởng. Quá trình điều tra tiếp theo, C03 sẽ làm rõ số tiền các bị can đã chiếm hưởng, thu lợi bất chính để hoàn thiện hồ sơ.
Trước đó, C03 ra quyết định khởi tố bị can đối với 7 người, trong đó có Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương…
Theo công an, tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Tính đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng.
Quá trình cung ứng vật tư, Phạm Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các CDC hoặc bệnh viện hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, xác nhận khống các báo giá... để quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Đồng thời, Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Thực tế, Việt và những người của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit.
Đến nay, C03 làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Trong đó, Phan Quốc Việt đã chi cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.
Doanh nghiệp và tiếp thị