MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tướng Công an: Không có chuyện trang bị ngay tên lửa, trực thăng cho công an huyện

15-06-2018 - 09:34 AM | Xã hội

Theo tướng Đức, quy định trang bị tên lửa, trực thăng cho công an cấp huyện trở lên chỉ được xem xét nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở công tác trấn áp tội phạm, bảo vệ nhân dân.

Thông tư 17/2018 quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1/7, công an cấp huyện trở lên có thể được xem xét trang bị súng ngắn, súng trường, súng cối, súng ĐKZ, tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang...

Cụ thể, tướng Đức cho biết, Thông tư 17 của Bộ Công an được ban hành nhằm hướng dẫn thi hành một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.

 Tướng Công an: Không có chuyện trang bị ngay tên lửa, trực thăng cho công an huyện - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức. Ảnh: Việt Hùng.

Theo ông, nội dung Thông tư quy định rõ đối tượng được trang bị các loại vũ khí, trong đó, công an huyện trở lên có thể được xem xét trang bị các loại súng, tên lửa chống tăng, trực thăng vũ trang...

Tuy nhiên, tướng Đức nhấn mạnh, quy định này không có nghĩa công an được trang bị ngay lập tức những loại vũ khí trên mà chỉ thực hiện khi có yêu cầu thực tiễn công tác.

Chẳng hạn, xảy ra tình hình bạo loạn, tấn công trụ sở chính quyền, người dân, các nhóm phỉ, phản động, buôn bán ma túy tập trung đông người, sử dụng vũ khí hiện đại tấn công lực lượng chức năng...

"Quy định như vậy để đảm bảo khi xảy ra tình huống khẩn cấp, tấn công bằng vũ khí... lực lượng công an sẽ được trang bị ngay các vũ khí, công cụ hỗ trợ để giải quyết kịp thời tình huống chứ không phải sau khi Thông tư có hiệu lực, công an xã, huyện sẽ trang bị toàn bộ vũ khí, súng, trực thăng...", tướng Đức nêu rõ.

Ông nói thêm, việc trang bị ngay súng, tên lửa, trực thăng cho công an cấp huyện trở lên cũng không có cơ sở vì kinh phí, nguồn lực của chúng ta không thể đáp ứng.

Vị tướng công an nêu dẫn chứng, việc xem xét trang bị súng cho công an xã, huyện chỉ được thực hiện khi xảy ra tình huống khẩn cấp, chẳng hạn một nhóm phỉ, bạo loạn, buôn bán ma túy sử dụng vũ khí tấn công ở các khu vực biên giới, bìa rừng...

"Nếu xảy ra tình huống đó, công an xã, huyện ở cơ sở phải tham gia giải quyết ngay tình hình còn lực lượng tỉnh, Bộ sẽ điều động đến sau.

Để ứng phó kịp thời tình hình, xử lý tình huống cần có cơ sở pháp lý trang bị ngay các loại súng cho lực lượng này còn thời điểm bình thường không có chuyện trang bị hay cho họ sử dụng vũ khí", tướng Đức nói.

Đối với việc trang bị trực thăng vũ trang cho công an huyện trở lên, tướng Đức giải thích, chỉ thực hiện khi xảy ra tình huống khẩn cấp như bạo loạn, các đối tượng đập phá, quây đường sá khiến giao thông tê liệt, ôtô không đến được hay tình huống cháy nổ nguy hiểm...

Nhiệm vụ của trực thăng vũ trang để đưa lực lượng chức năng tới giải quyết tình hình, tham gia cứu trợ, cấp cứu, chữa cháy, giải thoát con tin...

"Nhiều nước phát triển, trên nóc nhà công an các khu vực giống như quận, huyện đều có sẵn máy bay phục vụ cho bảo đảm an ninh, con người.

Với nước ta, do khó khăn kinh tế, nên việc trang bị máy bay chỉ thực hiện trong những trường hợp cần thiết, đáp ứng nhiệm vụ khẩn cấp", tướng Đức thông tin.

Ông Đức khẳng định, người dân không nên lo lắng việc lạm dụng vũ khí của lực lượng công an khi Thông tư này ra đời, bởi, hiện nay, việc quản lý, sử dụng vũ khí, nhất là súng được quy định rất chặt chẽ và không phải ai muốn sử dụng thế nào cũng được.

"Người dân không bao giờ đồng ý với lãng phí và trang bị không cần thiết cho lực lượng công an

Tuy nhiên, việc xem xét trang bị các loại vũ khí như Thông tư chỉ được tiến hành khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, đấu tranh, trấn áp tội phạm, bảo vệ nhân dân", tướng Đức nhấn mạnh.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên