MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai của con đường sữa tươi sạch

06-12-2017 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Khi những xẻng đất động thổ đầu tiên của Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao TH được cắm xuống mảnh đất biên cương Vị Xuyên- nhiều người đã hình dung về một con đường sữa tươi sạch ngày càng vươn xa của tập đoàn TH và của nữ doanh nhân quyền lực ngành sữa- bà Thái Hương.

Vẽ lại bản đồ sữa tươi

Tại Việt Nam, tập đoàn TH được biết tới là nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu trong nước và vươn tầm quốc tế. Khởi dựng Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” từ năm 2009 tại Nghệ An, tới nay TH đã sở hữu trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất Châu Á với quy mô đàn bò 45.000 con; nhà máy chế biến sữa công suất giai đoạn 1 đạt 200.000 tấn/năm. Sản phẩm sữa mang thương hiệu TH true MILK của tập đoàn TH hiện là một trong những thương hiệu chiếm thị phần lớn trong phân khúc sữa tươi thị trường Việt Nam.

Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, bà Thái Hương tự tin sẽ vẽ lại “bản đồ sữa tươi” của Việt Nam. Con đường sữa tươi sạch đó chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng với bà đó chính là hướng đi của ngành sữa, khi mà dư địa thị trường cho sản phẩm sữa tươi vẫn còn rất lớn.

Lần đầu bước chân tới mảnh đất bốn bề núi dựng ở xã Phong Quang (huyện Vị Xuyên, Hà Giang), nơi trang trại bò sữa TH sẽ được dựng lên, bà Thái Hương vô cùng hào hứng. Phát biểu trước Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh, bà chia sẻ:

“Đặt chân lên vùng đất này tôi nhớ lại cảm giác khi lần đầu tôi về Nghệ An để làm Dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao. Từ muôn vàn khó khăn, Dự án của chúng tôi đã thành công. Sự thành công đó đã đưa ly sữa của Nghệ An, Việt Nam ra thế giới và ngày hôm nay tôi lại thấy cảm giác như vậy. Đây cũng là mảnh đất đầy khó khăn, chỉ bước qua một dòng sông, qua con đường khoảng 10 km là đến cửa khẩu quốc tế. Thế nhưng, nơi này sẽ hiện thực hóa định hướng ngành sữa mà tôi muốn vươn xa”.

Bà Thái Hương phát biểu tại Lễ Động thổ.
Bà Thái Hương phát biểu tại Lễ Động thổ.

Về mặt sản phẩm, tại Hà Giang- dưới sự định hướng của bà Thái Hương- sẽ có thêm Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng với diện tích lên tới 5.536 ha. Dự định của bà sẽ là kết hợp sữa tươi với thảo dược, sữa tươi với hoa quả đặc trưng trên địa bàn để sáng tạo ra dòng thức uống thảo dược, sữa tươi thảo dược.

Tư duy mới cho con đường mới

Tiếp theo Nghệ An, Hà Giang, bà Thái Hương cùng cộng sự đã bắt tay ngay vào đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Thanh Hóa (20.000 con), Phú Yên (20.000 con) và Sóc Trăng (10.000 con). Như vậy, trong tương lai gần, các trang trại bò sữa của TH sẽ hình thành tại nhiều vùng kinh tế của Việt Nam giúp tiếp cận nhanh thị trường trong nước, bù đắp cho lượng sữa phải nhập ngoại và hướng tới xuất khẩu.

Hiện, bản đồ sữa tươi Việt Nam đang tập trung tại một số điểm có lượng chăn nuôi bò sữa lớn: TP Hồ Chí Minh (có lượng bò sữa nhiều nhất cả nước với hơn 90.000 con), Nghệ An (hơn 62.000 con), Sơn La, Lâm Đồng (khoảng 20.000 con), Hà Nội (hơn 15.000 con). Trong đó chủ yếu chăn nuôi bò sữa trong các trang trại, gia trại nhỏ. Các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn của tập đoàn TH sẽ vẽ thêm các điểm mới trên bản đồ sữa tươi Việt Nam, in dấu ấn Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới.

Người dân vùng dự án trông đợi sự thay đổi trên mảnh đất quê hương.
Người dân vùng dự án trông đợi sự thay đổi trên mảnh đất quê hương.

Những thước đất đầu tiên đã được đánh thức từ lễ động thổ, bà Thái Hương tin rằng mảnh đất này sẽ sớm “nở hoa” và con đường sữa tươi sạch của TH tiếp tục được nối dài theo dặm dài đất nước.

Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á và vận hành bởi Công ty TNHH trang trại bò sữa công nghệ cao Hà Giang (thuộc tập đoàn TH) có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Tại huyện Vị Xuyên, Dự án sẽ xây dựng các hạng mục của trang trại chăn nuôi bò sữa với quy mô đàn 10.000 con; quy hoạch diện tích đất trồng cây nguyên liệu thức ăn cho bò sữa gồm 663 ha vùng lõi và 2.000 ha liên kết với vùng nguyên liệu của người dân địa phương.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên