Tương lai mờ mịt của giới trung lưu Trung Quốc vì kinh tế giảm tốc
"Thế hệ May mắn", lớn lên trong giai đoạn kinh tế Trung Quốc bùng nổ, đang lo ngại về việc sức mua của họ suy giảm.Trung Quốc đang dựa vào chi tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ chưa kết thúc.
Cảm giác sợ và phiền muộn đang gia tăng trong giới trung lưu tại thành thị ở Trung Quốc. Họ lo ngại về sự thịnh vượng và giàu có của họ giữa lúc kinh tế giảm tốc.
Gia tăng những hạn chế ngăn dòng vốn thoát khỏi Trung Quốc và thông tin không đầy đủ càng làm tầng lớp trung lưu thêm bất an. Bắc Kinh đang trông chờ vào sức chi tiêu của tầng lớp này, vốn hưởng lợi nhiều nhất từ đợt bùng nổ kinh tế của Trung Quốc trong hàng chục năm qua, để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế.
Nhân dân tệ (CNY) suy yếu vì chiến tranh thương mại với Mỹ càng khiến giới trung lưu Trung Quốc thêm lo ngại giai đoạn việc làm gia tăng, cơ hội kinh doanh phong phú, tài sản và thu nhập liên tục tăng, sắp kết thúc.
“Giống như ngồi nhìn ôtô của chúng tôi đi vào hầm và bất ngờ không tìm ra cách bật đèn pha. Và đoạn đường phía trước hoàn toàn đen tối. Bầu không khí chính trị và xã hội đang rất căng thẳng”, Emma Jiang, giảng viên đại học ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, nói.
Giới trung lưu Trung Quốc ngày càng lo ngại về tình trạng kinh tế giảm tốc. Ảnh: Nikkei.
Jiang là “người hưởng lợi” điển hình nhờ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Sau khi nhận bằng thạc sĩ tại Thượng Hải, cô chuyển tới Quảng Châu làm việc và nhanh chóng mua được một căn hộ 2 phòng ngủ rộng 80m2 với giá 450.000 nhân dân tệ (63.000 USD) vào năm 2014. Giá trị căn hộ đạt đỉnh 4,8 triệu nhân dân tệ (675.000 USD) vào đầu năm 2018.
Jiang mua căn hộ thứ hai ở Quảng Châu vào năm 2017 nhưng giá thị trường gần như không thay đổi sau đó. Giờ đây, Jiang không biết phải làm thế nào để bảo vệ khối tài sản vất vả kiếm được cùng lối sống thành thị của cô, khi cả nền Trung Quốc dường như đang ở ngã tư đường.
Các thông tin về tình trạng suy thoái lạm phát – kết hợp giữa tăng trưởng yếu và lạm phát tăng – cùng việc nhân dân tệ mất giá bị hạn chế.
“Chúng tôi ngày càng lo lắng nhưng lại không thể làm gì nhiều”, Jiang chia sẻ.
Jack Long, chồng của Jiang, là giám đốc kinh doanh cho một công ty nước ngoài ở Thâm Quyến. Người đàn ông 43 tuổi này cho biết mọi người đã có cảm giác rằng kinh tế Trung Quốc đang suy yếu từ năm 2018 nhưng khi đó có rất ít dấu hiệu bộc lộ.
Năm nay, với giá lợn tăng, nhân dân tệ suy yếu, “chúng tôi đang gặp rắc rối”, theo Long. “Cảm giác bất an trước đó giờ đã thành hiện thực”.
Nhân dân tệ mất giá mạnh trong tháng 8, CNY/USD vượt ngưỡng tâm lý 7. Ảnh: Reuters. |
Tình trạng lo ngại đặc biệt trầm trọng trong nhóm có học thức cao – sinh ra từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, còn được gọi là "Thế hệ May mắn" bởi họ lớn lên trong giai đoạn kinh tế Trung Quốc “phát triển thần tốc”, hội nhập với thế giới. Họ chính là cốt lõi trong sức tiêu dùng ở Trung Quốc, sống trong những thành phố thịnh vượng như Thâm Quyến và Thượng Hải, đi nghỉ tại châu Âu, lái những chiếc xe hơi nhập khẩu đi làm.
Với nhân dân tệ mất giá, CNY/USD vượt mốc tâm lý 7, giá thực phẩm tăng mạnh do ảnh hưởng từ giá lợn, người dân Trung Quốc ngày càng nhận thấy sức mua của họ giảm dần.
Trên hết, giới trung lưu lo ngại về quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới, liệu sự tự do đi lại của họ có bị hạn chế? Vickie Liu, bác sĩ ở Thâm Quyến, đang nộp đơn xin thị thực nhiều lần đến Australia và New Zealand. Bà đã được Anh và Mỹ cấp loại thị thực này.
“Tôi cũng đổi sẵn ngoại tệ để phòng hờ, giúp tôi có thể ra nước ngoài khi muốn”.
Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa hàng năm trên 6%. Tuy nhiên, tăng trưởng quý II của Trung Quốc chỉ là 6,2%, thấp nhất kể từ năm 1992.
Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị ở Trung Quốc khá ổn định, chỉ hơn 5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn dưới mức mục tiêu 3% của chính phủ.
Lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc đang tăng, đồng nghĩa xu hướng rút tiền khỏi nước này để bảo toàn nguồn vốn vẫn mạnh, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát dòng vốn đầu tư và thanh toán của cá nhân ra nước ngoài cách đây vài năm.
Annie Chen, tư vấn tài chính tại một ngân hàng tư nhân ở Thâm Quyến chuyên phục vụ khách hàng “có tài sản ròng cao”, cho biết giới trung lưu Trung Quốc lo ngại về tương lai là tình trạng có thật.
“Tất cả khách hàng của tôi đều quan ngại về những thay đổi kinh tế, chính trị ở Trung Quốc”, Chen nói. Nhiều người đang tìm cách đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài, đặc biệt là Anh và Mỹ.
Tan Xiaotong, điều hành một công ty tư vấn ở Quảng Châu, là một trong số ít những đơn vị giúp giới nhà giàu Trung Quốc định cư và mua bất động sản nước ngoài.
Mong muốn “bảo toàn giá trị” tài sản gia tăng mạnh do nhân dân tệ suy yếu, Tan chia sẻ. “Khoảng 30 khách hàng tìm đến chúng tôi trong tháng trước, tăng ít nhất 30% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Người đồng hành