MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai nào cho giá dầu?

02-11-2018 - 20:12 PM | Tài chính quốc tế

Nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang với các động thái trừng phạt mới giữa hai bên, giá dầu sẽ trở thành một nạn nhân chịu ảnh nghiêm trọng của cuộc chiến này.

Đầu tháng 10 vừa qua, giá dầu thô chuẩn WTI giao ngay trên thị trường hàng hóa New York đã chạm mốc 76 USD lần đầu tiên sau 4 năm kể từ tháng 10/2014. Mức giá này tăng khoảng 25% so với đầu năm 2018 và tăng gần gấp ba lần so với đáy thấp nhất trong vòng 5 năm qua được xác lập hồi đầu năm 2016.

Nguyên nhân khiến giá dầu tăng vọt trong suốt năm vừa qua được giới đầu cơ nhận định đến từ ba nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, triển vọng tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thế giới khiến nhu cầu tích trữ các năng lượng thiết yếu như dầu mỏ tăng lên. Thứ hai, nỗ lực cắt giảm sản lượng của Nga và các nước OPEC do Arabia Saudi dẫn đầu, nhằm mục tiêu đẩy giá dầu lên trên 80 USD/thùng để vực dậy và cải tổ nền kinh tế của các nước phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Thứ ba, Mỹ chính thức cấm vận đối với Iran hồi tháng 8/2018 khiến nước này không thể xuất khẩu dầu thô đi nhiều nơi, trong đó có Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới, càng khiến cho nguồn cung suy kiệt.

Tuy nhiên, trong khoảng một tháng trở lại đây, giá dầu thô WTI đã nhanh chóng sụt giảm so với mức đỉnh 4 năm vừa mới được thiết lập. Cụ thể, kết thúc ngày 31/10, giá dầu đã giảm tới 16% so với mức đỉnh 76 USD/thùng hồi tháng trước và đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018 và chính thức phá vỡ xu hướng tăng giá dài hạn.

Vậy nguyên nhân của đợt sụt giảm mạnh lần này là gì, và tương lai nào cho giá dầu trong thời gian tới?

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung làm thay đổi cục diện

Sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ tới Trung Quốc đã giảm xuống mức gần bằng 0 hồi tháng 8/2018 trong bối cảnh các căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Điều này khiến các nhà sản xuất dầu mỏ tại Mỹ buộc phải đi đường vòng qua nước thứ ba hoặc tìm kiếm những người mua mới ở các nước khác, bởi trước đó, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Mỹ trong nửa đầu năm 2018. Trong tháng 9/2018, Trung Quốc cũng chỉ nhập khẩu 30.000 thùng/ngày từ Mỹ, giảm từ mức trung bình hơn 350.000 thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 7/2018 trở về trước.

Việc chuỗi cung ứng dầu mỏ từ Mỹ sang Trung Quốc bị gián đoạn làm tác động mạnh tới cục diện ngành dầu mỏ thế giới. Thay vì nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc bù đắp phần thiếu hụt bằng cách mua dầu mỏ từ các quốc gia trong cùng lục địa như Nga hay Trung Đông. Xuất khẩu dầu của Arab Saudi sang Trung Quốc tăng 258.000 thùng/ngày trong tháng 8, trong khi xuất khẩu của Nga tăng gần 200.000 thùng/ngày, theo số liệu của Công ty chuyên theo dõi thị trường năng lượng Kpler. Điều này khiến sản lượng dầu mỏ sản xuất tại Mỹ, vốn đang ở mức cao kỷ lục, có nguy cơ bị dư thừa nghiêm trọng. Khi đó, các nhà sản xuất dầu mỏ tại Mỹ buộc phải tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác, mà khả thi nhất là các là các quốc gia lân cận như Argentina hay Brazil. Tuyến đường vận tải biển từ Mỹ đi Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đe dọa nhiều công ty khai thác tuyến đường này.

Tại Mỹ, cuộc cách mạng khai thác dầu dưới các lớp đá phiến đã thúc đẩy sản lượng dầu thô của nước này lên tới 11,2 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2018, là mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử, theo số liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA). Kể từ năm 2015 khi Quốc hội Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận chuyển dầu từ Mỹ tới hầu hết các nước, xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng trưởng nhanh chóng. Hiện tại theo số liệu của EIA, Mỹ xuất khẩu khoảng 2,6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tăng tức mức 500.000 thùng/ngày hồi tháng 12/2015.

Khi Trung Quốc gần như không còn nhập khẩu dầu thô từ Mỹ, các quốc gia nhập khẩu chủ yếu còn lại là Ấn Độ, Hong Kong, Úc và Đan Mạch. Dầu thô của Mỹ thậm chí đã bắt đầu được xuất khẩu tới Gruzia, quốc gia nằm giữa hai cường quốc dầu mỏ là Nga và Azerbaijan.

Nhiều chuyên gia cho rằng chính sự cạnh tranh khốc liệt trong việc tiêu thụ nguồn cung dầu khổng lồ từ Mỹ, cùng với việc đồng USD mạnh lên đã tạo ra cú sụt giảm mạnh của giá dầu trong tháng 10 vừa qua.

Trong khi đó, việc Trung Quốc buộc phải nhập khẩu dầu thô từ các quốc gia OPEC ở khu vực châu Á và Nga được xem là đối trọng thúc đẩy giá dầu tăng trở lại, nhất là khi các cường quốc dầu mỏ vùng Trung Đông vẫn tiếp tục theo đuổi các nỗ lực nhằm tăng giá dầu để phục vụ mục tiêu kinh tế. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn đang chìm sâu trong cuộc suy thoái kéo dài và nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp trong đó có dầu thô tăng lên không đáng kể trong những năm gần đây. Điều này khiến cho động lực tăng của giá dầu có phần không mạnh mẽ.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị bước vào cuộc đàm phán tiếp theo nhằm tìm ra tiếng nói chung giải quyết các bất đồng thương mại giữa hai bên. Nếu kết quả đảm phán suôn sẻ, dòng vận chuyển hàng hóa giữa hai bên được khơi thông trở lại, có thể sẽ là động lực vực dậy nền kinh tế Trung Quốc và gia tăng nhu cầu dầu mỏ của nước này. Ngược lại, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang với các động thái trừng phạt mới, giá dầu sẽ trở thành một nạn nhân nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại này.

Quang Huân

Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên