MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai nguồn cung và giải pháp thay thế khí đốt Nga ở EU

21-07-2024 - 19:37 PM | Tài chính quốc tế

Liên minh châu Âu (EU) đang hướng đến cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027, nhưng hiện gần một nửa lượng khí đốt của Nga sang châu Âu vẫn phải qua Ukraine. Thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga - Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm 2024, gây lo ngại về nguồn cung trong tương lai của châu Âu.

Tương lai nguồn cung và giải pháp thay thế khí đốt Nga ở EU- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mục tiêu cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, hiện nay, gần một nửa lượng khí đốt của Nga được vận chuyển qua đường ống đến châu Âu và Moldova vẫn phải đi qua Ukraine, đạt tổng cộng 13,7 tỷ mét khối (bcm) trong năm 2023.

Khi EU đang xem xét khả năng ký kết thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Azerbaijan trong tương lai, thỏa thuận trung chuyển khí đốt hiện tại giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm 2024, gây ra lo ngại về nguồn cung khí đốt trong tương lai. Công ty bảo hiểm kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy dự đoán rằng EU sẽ cần thêm 7,2 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm để thay thế lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine. Gián đoạn nguồn cung có thể xảy ra sớm hơn dự kiến.

Slovakia, Áo và Moldova là những quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào lượng khí đốt trung chuyển Nga sang châu Âu qua Ukraine, với khối lượng nhập khẩu lần lượt là 3,2 bcm, 5,7 bcm và 2 bcm vào năm 2023. Năm ngoái, khí đốt của Nga qua Ukraine đã cung cấp cho các nước EU qua các điểm nhập cảnh ở Slovakia và Moldova. Moldova đang điều chỉnh nguồn cung và đã đạt được thỏa thuận với Ukraine về việc cung cấp khí đốt Nga liên tục đến cuối năm 2025, chủ yếu cho khu vực ly khai Transnistria.

Trong năm 2023, Moldova đã nhập khẩu 74% khí đốt qua Ukraine và lần đầu tiên nhận khí đốt từ Romania qua đường ống xuyên Balkan. Công ty năng lượng Eni của Italy và Hungary cũng đang nhập khẩu khí đốt của Nga qua Ukraine, trong khi Slovenia và Croatia nhận khí đốt của Nga qua Ukraine với khối lượng nhỏ hơn.

Việc ngừng dòng khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia phụ thuộc vào lĩnh vực này. Ví dụ, khi thỏa thuận quá cảnh hết hạn sau năm 2025, Moldova sẽ phải chuyển hướng 2 bcm khí đốt được cung cấp qua Ukraine, có thể qua các đường ống xuyên Balkan. Để đến Moldova, khí đốt của Nga có thể sử dụng điểm nhập Isaccea giữa Romania và Ukraine, nhưng cần có thỏa thuận quá cảnh cho đoạn ngắn khoảng 25 km qua Ukraine.

Ngoài ra, khí đốt từ Hành lang khí đốt phía Nam của Azerbaijan, cùng với các trạm nhập khẩu LNG ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, có thể cung cấp cho Moldova qua phía Nam. Như vậy, khi thỏa thuận quá cảnh Nga  -Ukraine kết thúc, các tuyến cung cấp thay thế cho các nước Trung và Đông Âu sẽ là Dòng chảy Balkan.

Trong khi Gazprom và các nhà nhập khẩu châu Âu mong muốn tiếp tục cung cấp khí đốt qua Ukraine, nhưng các quan chức Ukraine phủ nhận bất kỳ ý định nào về việc ký kết thỏa thuận mới với Nga.

Áo, nước mua khí đốt lớn nhất của Nga vào năm 2023, sẽ phải tăng cường nhập khẩu từ Đức qua điểm nhập Oberkappel, dự kiến sẽ hoạt động ở công suất tối đa hàng năm là 8 bcm. Tuy nhiên, công suất tại Oberkappel trong năm 2023 không đủ để thu hẹp khoảng cách nhập khẩu 8,53 bcm.

Nếu không điều chỉnh công suất ngắn hạn, lượng khí đốt trung chuyển đến Hungary sẽ giảm và lượng khí đốt chảy chảy sang Italy sẽ bị dừng lại. Nếu tất cả các luồng khí đốt của Nga qua Ukraine ngừng lại, Áo sẽ cần phải nhập khẩu tới 2,5 bcm từ Italy qua điểm giao cắt Arnoldstein-Tarvisio.

Italy có nhiều lựa chọn thay thế cho đường ống khí đốt của Nga và phần lớn đã không phụ thuộc vào khí đốt quá cảnh qua Ukraine. Tuy nhiên, quốc gia này sẽ phải cung cấp khoảng 3,75 bcm cho Slovakia và Áo. Hungary sẽ đối mặt với những thách thức lớn nếu dòng khí đốt của Nga qua Ukraine hoàn toàn dừng lại.

Trước bối cảnh đó, các nước Trung và Đông Âu đang chuẩn bị cho khả năng ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine và đã hợp tác để tạo ra Hành lang khí đốt theo Sáng kiến kết nối năng lượng Trung và Đông Nam Âu của EU (CESEC).

Đầu năm nay, một biên bản ghi nhớ (MoU) đã được ký kết tại Athens với sự tham gia của ủy viên năng lượng EU Kadri Simson và các nhà điều hành hệ thống truyền tải (TSO) từ Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Hungary, Slovakia, Ukraine và Moldova. Hành lang này sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có ở Ukraine và Moldova và cho phép nhập khẩu LNG từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đến Slovakia, Hungary và có thể là Ba Lan.

Hơn nữa, nhà điều hành hệ thống truyền tải BOTAS của Thổ Nhĩ Kỳ và nhà điều hành Bulgartransgaz của Bulgaria đã ký một thỏa thuận vào tháng 1 năm nay để tăng công suất khí đốt tại điểm vào Strandzha 1, cho phép tăng lưu lượng khí đốt từ Azerbaijan và khu vực Biển Caspi vào châu Âu. Việc mở rộng này có thể hỗ trợ lượng khí đốt xuất khẩu của Azerbaijan sang EU từ 13 bcm lên 20 bcm mỗi năm vào năm 2027 và trong tương lai, có khả năng vận chuyển khí đốt của Iran thông qua Sáng kiến "Vành đai Đoàn kết".

Theo Vũ Thanh

Báo Tin Tức

Trở lên trên