MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương ớt Chilica – startup ‘đẹp trai con nhà giàu học giỏi’ vượt bão Covid: 6 tháng dự 22 hội chợ, gửi thư cho 100 thương vụ nước ngoài

24-12-2021 - 17:09 PM | Doanh nghiệp

Tương ớt Chilica – startup ‘đẹp trai con nhà giàu học giỏi’ vượt bão Covid: 6 tháng dự 22 hội chợ, gửi thư cho 100 thương vụ nước ngoài

Cũng như những sự vật sự việc khác, khởi nghiệp cũng có ‘khởi nghiệp this, khởi nghiệp that’. Thời gian đầu startup, ‘nhà nghèo’ thường chắt bóp và đi từng bước dò đường, còn ‘nhà giàu’ chỉ nghĩ làm sao để sản phẩm – thương hiệu mình được nhiều người biết tới càng nhanh càng tốt. Chilica ‘đẹp trai con nhà giàu học giỏi’ là một trong những trường hợp như vậy!

Nếu bạn đi hỏi các Founder khởi nghiệp tại Việt Nam và cả trên thế giới về ‘lý do khiến họ khởi nghiệp’, câu trả lời có thể khiến bạn không mấy ngạc nhiên vì nghe có vẻ ‘sáo rỗng’: "Góp phần nhỏ khiến cuộc sống của người dân và xã hội tốt hơn". Nhưng, đó chính là sự thật! Vì nếu muốn kiếm tiền, thì với tài năng và tầm nhìn của mình, hầu hết founder sẽ có nhiều cách dễ dàng hơn là đi khởi nghiệp.

Founder Nguyễn Thanh Hiền của tương ớt Chilica kiêm Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare, cũng là một trường hợp như thế. Sau khi kiếm "đủ tiền" lo cho gia đình nhờ 13 năm miệt mài sản xuất - phân phối các sản phẩm phục vụ cho ngành nuôi trồng thuỷ sản cùng thương hiệu Tomcare, anh mới nghĩ đến chuyện khởi nghiệp với Chilica.

Chính xác thì phải tháng 7/2020, Chilica mới chính thức ra mắt thị trường, nhưng dự án khởi nghiệp này đã được anh thai nghén cách đây 5 năm. 5 năm là khoảng thời gian mà anh từ quyết tâm phải làm gì đó đóng góp nhiều hơn cho xã hội, đến đi tìm ngành nghề - sản phẩm mình có thể sống chết, rồi tìm vùng nguyên liệu – thuê người làm R&D, mua sắm trang thiết bị nhà máy, tung sản phẩm ra thị trường.

Do đã có thời gian dài chuẩn bị và quyết tâm cao độ, nên chỉ sau khi chính thức ra mắt, Chilica đã nhanh chóng tìm đủ mọi cách để sản phẩm – thương hiệu của mình bao phủ thị trường trong và ngoài nước. Bằng tích cực marketing online và đưa hàng lên tất cả các kênh thương mại điện tử có thể, marketing offline – tham gia các hội chợ trong và người nước, xuất khẩu – gửi thư tới các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhờ họ hỗ trợ thâm nhập thị trường thế giới.

5 NĂM THAI NGHÉN DỰ ÁN TƯƠNG ỚT CHILICA

Cách đây 5 năm, sau khi Tomcare cơ bản đã đi vào ổn định và tài khoản đã tích lũy một số tiền tương đối - có thể lo cho gia đình chu toàn, anh Nguyễn Thanh Hiền bắt đầu nghĩ về chặn đường tiếp theo của bản thân.

Tương ớt Chilica – startup ‘đẹp trai con nhà giàu học giỏi’ vượt bão Covid: 6 tháng dự 22 hội chợ, gửi thư cho 100 thương vụ nước ngoài - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Thanh Hiền đang đi giới thiệu sản phẩm ở một hội chợ trong năm 2020.

"Lúc đó, tôi đã nghĩ: chẳng nhẽ, mình sẽ tiếp tục tình trạng ổn định này trong vài chục năm tiếp theo? Sau khi đã xong ‘nghĩa vụ’ với gia đình, phải chăng mình cần làm gì đó đóng góp cho xã hội?", anh Nguyễn Thanh Hiền hồi tưởng.

Sau khi đã quyết định sẽ ‘làm cái gì đó" thì anh vẫn chưa ngay lập tức nghĩ ra được là ‘mình sẽ làm gì’. Tuy nhiên, theo quan điểm của anh, mình không nên xông vào những lĩnh vực đã có ông lớn ngự trị, vì chắc chắn startup sẽ đấu không lại, cần tìm những thị trường ngách chưa ai khai phá.

Thay vì ‘làm nhỏ cái lớn’ thì mình nên ‘làm lớn cái nhỏ’, tức dù mình có sản xuất sản phẩm nhỏ rẻ tiền, cũng phải ‘làm tới đỉnh’ – phải ngon nhất thị trường theo quan điểm của bản thân.

"Cũng như những công dân thành thị khác, tôi cùng đám bạn của mình cũng hay ngồi chê bai hàng Việt thế này hàng Việt thế kia trong những lúc ‘trà dư tửu hậu’. Nhưng tới một ngày tôi chợt nhận ra: thay vì ngồi chê bai người khác, mình hãy thử làm cái gì đó, nhỏ thôi, để thay đổi thực trạng hiện tại. Chê hoài chê mãi cũng chẳng có gì thay đổi!

Còn sở dĩ tôi chọn lĩnh vực tương ớt để thử sức, vì ngoài nước mắm và muối, thì đây là loại gia vị mà 25 triệu hộ gia đình Việt hay dùng nhất trong các bữa ăn của mình. Hơn nữa, tôi không hài lòng với chất lượng của những sản phẩm tương ớt đang lưu hành trên thị trường bởi nó không có hương vị thơm ngon của ớt tươi mà mọi người vẫn hay dùng.

Khi bắt tay vào việc, thì tôi mới biết, thật ra không phải các ‘ông lớn’ trên thị trường không phải không muốn giữ hương vị ớt tươi, mà do quy trình – công nghệ của họ làm mất đi hương vị thật của ớt tươi. Hơn nữa nếu ra sản phẩm mới thì miếng bánh còn nhỏ, không có lợi về kinh tế như cách làm công nghiệp bây giờ", Founder Chilica nhận định.

Tương ớt Chilica – startup ‘đẹp trai con nhà giàu học giỏi’ vượt bão Covid: 6 tháng dự 22 hội chợ, gửi thư cho 100 thương vụ nước ngoài - Ảnh 2.

Vùng trồng ớt nổi tiếng Thanh Bình - Đồng Tháp.

Kể cả sau khi đã chọn lĩnh vực tương ớt để dấn thân, thì anh vẫn tiếp tục tự vấn bản thân: Mình có thật sự tâm huyết với dự án này hay không?, liệu mình có sống chết được với nó hay không?. Anh không sợ thất bại mất tiền, mà chỉ sợ mình không ‘chịu khó, chịu khổ’ được rồi bỏ ngang, sẽ không còn mặt mũi khi gặp anh em bạn bè – người thân gia đình?

Bởi lúc nghe anh khởi nghiệp, không ít người chung quanh đã ngăn cản quyết liệt. Thậm chí. có người thân của nhân viên tại Tomcare nói anh là người ‘không bình thường, sướng không thích lại thích khổ, bày chuyện’.

Với tâm thế ‘làm lớn chuyện nhỏ’ như đã nói ở trên, khi đã đủ niềm tin vào bản thân và dự án Chilica, Nguyễn Thanh Hiền mất thêm 2 năm nữa để đi tìm vùng nguyên liệu, làm R&D và mua sắm trang thiết bị máy móc.

Sau khi thử ớt ở rất nhiều vùng miền khác nhau, anh cảm thấy loại ớt chỉ thiên, mọng nước, cay thơm ở Thanh Bình – Đồng Tháp (nhất là ớt tơ đầu mùa) rất thích hợp với hương vị và chất lượng sản phẩm mà mình muốn sản xuất nhất.

Sau rất nhiều nghiên cứu - thử nghiệm, anh biết rằng: ngay sau khi thu hoạch, ớt cần được đưa vào chế biến ngay lập tức, tránh nhiễm khuẩn – tăng tỷ lệ hư hại và giữ được hương vị - các giá trị nguyên bản của ớt tươi. Muốn thế, nhà máy phải xây gần vùng nguyên liệu, khoảng cách từ nhà máy đến vùng trồng phải trong bán kính 200km, thời gian di chuyển không quá 4 giờ.

Tương ớt Chilica – startup ‘đẹp trai con nhà giàu học giỏi’ vượt bão Covid: 6 tháng dự 22 hội chợ, gửi thư cho 100 thương vụ nước ngoài - Ảnh 3.

Nhà máy Chilica.

Vậy nên, Chilica đã quyết định đầu tư hơn 1 triệu USD để hoàn thiện dây chuyền sản xuất với công suất lớn chỉ để làm tương ớt lên men tại Bình Chánh – TP.HCM.

Vốn học ngành Thủy sản của đại học Nha Trang, nên anh không có bất cứ kiến thức nào về lĩnh vực F&B – như tương ớt. Vậy nên, anh buộc phải thuê 4 nhân sự có chuyên môn về để làm R&D cho Chilica. Trong thời gian đầu, đã có vô số tranh cãi giữa anh và team R&D, bởi những yêu cầu hoặc ý tưởng báo bạo của anh không theo các ‘quy trình’ mà họ đã từng học và từng biết khi ngồi trong nhà trường.

Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì làm tới cùng của anh, mà Chilica mới có 3 sản phẩm đặc biệt như hôm nay: tương ớt Chilica với 76% là ớt tươi lên men bằng giấm gạo, ớt bằm Chilica (bình thường và có tỏi) – 85% ớt tươi lên men bằng giấm gạo. Đây là những sản phẩm chưa từng xuất hiện trên thị trường Việt Nam trước đó.

KỶ LỤC 6 THÁNG ĐĂNG KÝ THAM GIA 22 HỘI CHỢ

Tháng 7/2020, dù đang Covid-19, song anh Hiền không thể không ra mắt sản phẩm của mình, bởi anh đã chuẩn bị quá lâu và không thể chờ được nữa. Cả team dồn hết sức, nhanh nhất có thể để đưa tương ớt và ớt bằm Chilica lên các nền tảng TMĐT như Tiki/Sendo/Lazada/Shopee, nhằm chính thức ‘bước ra ánh sáng’.

Nhưng anh cũng biết, với việc sản phẩm của anh quá mới, rất khó để tiếp thị online hiệu quả, tiếp thị offline là điều mà anh bắt buộc phải làm. Vậy là, anh và team của mình bắt đầu đi chinh chiến khắp các hội chợ.

Tương ớt Chilica – startup ‘đẹp trai con nhà giàu học giỏi’ vượt bão Covid: 6 tháng dự 22 hội chợ, gửi thư cho 100 thương vụ nước ngoài - Ảnh 4.

"Sau khi ra mắt vào tháng 7/2020, trong khoảng 6 tháng tiếp theo, chúng tôi đã đăng ký tham gia tất cả những hội chợ mà mình biết – khoảng 22 cái cả trong và ngoài nước, tuy nhiên 4 trong số đó đã bị hủy vào phút chót bởi vướng các làn sóng Covid. Hơn nữa, các hội chợ đều giảm về quy mô hơn những năm trước, cảm giác cả người bán lẫn người mua đều khá chán nản.

Nhưng chúng tôi thì không! Quan điểm của tôi: nếu đã marketing ở hội chợ thì phải thật hoành tráng. Chilica sẽ không để 1 nhân viên mang vài ba sản phẩm tới đứng một góc hội chợ như các nhãn hàng khác; mà chúng tôi thường mang rất nhiều sản phẩm cộng đội hình 3 đến 4 người và trang trí cho quầy hàng của mình thật bắt mắt.

Tôi và các nhân sự Chilica đã có nhiều trải nghiệm ‘dở khóc dở cười’ trong suốt nửa năm chạy khắp Nam Bắc, trong và ngoài nước đó.

Ví dụ: có lúc chúng tôi phải tham gia 3 hội chợ cùng lúc; có lần, sau khi kết thúc hội chợ ở Hà Nội, chúng tôi vội chạy vào tham dự hội chợ ở Vinh – Nghệ An, cùng lúc đó TP.HCM dịch bùng phát nhưng mọi người nghĩ chúng tôi từ TP.HCM ra nên không ai dám bén mảng tới gian hàng của Chilica.

Hay việc chúng tôi mang chiếc Audi màu đỏ của Chilica về trang trí cho gian hàng tại hội chợ ở Bạc Liêu khiến thương hiệu được viral tự nhiên rất tốt", anh Nguyễn Thanh Hiền kể.

Chilica đã tốn rất nhiều tiền bạc và công sức trong nửa năm đó, nhưng theo anh thì kết quả thu lại rất xứng đáng. Hầu hết khách hàng thử sản phẩm ở các hội chợ đều khen hương vị rất tươi, độc đáo và thơm ngon – đặc biệt là những người thích ăn cay. Anh tin rằng, có thể rất nhiều đơn hàng online của mình xuất phát từ những lần thử sản phẩm của khách hàng ở các hội chợ.

Năm 2021, do Covid ngày càng diễn biến phức tạp, không có hội chợ để Chilica tham gia, kể cả trong lẫn ngoài nước; nên Founder này đã ra mắt các gói tương ớt nhỏ và gửi ở các hàng quán, nhờ họ bỏ vào phần ăn mang đi, nhằm tiếp cận với khách hàng mới dễ hơn. Trên mẫu thử này, Chilica sẽ in hình chai tương ớt của mình để thuận tiện cho việc nhận diện nếu khách muốn mua sản phẩm trên kênh online hoặc offline.

Tương ớt Chilica – startup ‘đẹp trai con nhà giàu học giỏi’ vượt bão Covid: 6 tháng dự 22 hội chợ, gửi thư cho 100 thương vụ nước ngoài - Ảnh 5.

Founder cũng chính là nhân viên tiếp thị nhiệt thành nhất của Chilica.

GỬI THƯ GIỚI THIỆU VÀ NHỜ HỖ TRỢ TỚI 100 THƯƠNG VỤ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Mặc dù là người mới, nhưng tham vọng của Chilica là rất lớn, họ không những muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước mà cả nước ngoài. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến họ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận thị trường quốc tế, không có hội chợ để tham gia lại không thể trực tiếp ra nước ngoài để giới thiệu sản phẩm với các nhà buôn được.

"Cái khó ló cái khôn", anh Nguyễn Thanh Hiền đã quyết định gửi email cho hơn 100 thương vụ Việt Nam tại các nước. Tất nhiên, không phải email nào của anh cũng được hồi âm và tin tốt, song chỉ cần vài email thiện chí đến từ các lãnh đạo thương vụ Việt Nam tại Campuchia, Myanmar, Nhật Bản, CH Czech, Hà Lan; … là anh đã cảm thấy thỏa mãn.

Thương vụ Việt Nam tại Campuchia đã livestream giới thiệu tương ớt lên men Chilica, Thương vụ tại Nhật Bản – Singapore - Hà Lan thì mang Chilica đi trưng bày ở gian hàng Việt tại các hội chợ, tuần lễ hàng Việt Nam ….

Thành quả: vào tháng 10/2020, Chilica đã xuất khẩu sang Úc, 9/2021 đưa vào siêu thị tại Campuchia. Về thị trường CH Czech, Chilica đang làm nhãn lại theo yêu cầu nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, sản lượng xuất khẩu của họ vẫn hạn chế, chưa đáng kể so với kỳ vọng.

"Nhờ chúng tôi tích cực marketing trong năm 2020, nên năm 2021, dù thị trường rất khó khăn bởi thời gian dài lock-down tại TP.HCM và Hà Nội, song doanh thu của Chilica chỉ tăng chứ không giảm. Tất nhiên, nó không thể tăng đột biến hoặc bùng nổ như mong đợi, vì thế, hiện tại chúng tôi chỉ mới sử dụng một phần công suất của nhà máy.

Tóm lại, tiềm năng thị trường tương ớt lên men Chilica - sản phẩm thay thế ớt tươi là rất lớn – khi 25 triệu hộ gia đình sẽ sử dụng trong 3 bữa ăn hàng ngày. Thế nên, chỉ chờ thị trường sẵn sàng là chúng tôi sẽ bung hết công suất. Và tôi tin ngày đó sẽ không còn xa nữa", Founder Chilica kết luận.

https://cafebiz.vn/tuong-ot-chilica-startup-dep-trai-con-nha-giau-hoc-gioi-vuot-bao-covid-6-thang-du-22-hoi-cho-gui-thu-cho-100-thuong-vu-nuoc-ngoai-20211223185045542.chn

Theo Quỳnh Như

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên