MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương tự Tân Hiệp Phát, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã chuyển 99% cơ nghiệp kinh doanh hàng hiệu trị giá nghìn tỷ sang cho vợ và các con

05-10-2017 - 11:01 AM | Doanh nghiệp

Khi mới thành lập công ty, ông Hạnh Nguyễn nắm giữ tới 90% cổ phần của Imex Pan Pacific.

Được giới truyền thông gọi với danh xưng vua hàng hiệu- ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific- IPP Group) hiện nắm giữ danh mục gồm hàng chục thương hiệu thời trang trung, cao cấp tại Việt Nam như Burberry, Chanel, Versace, Rolex...

Tuy vậy, thời trang chỉ là một phần trong rất nhiều lĩnh vực mà ông Hạnh Nguyễn và IPP Group đang kinh doanh. Tập đoàn hiện còn là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nhượng quyền nhiều chuỗi nhà hàng (Burger King, Dunkin Donuts, Illy Cafe...); kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại sân bay; đầu tư và quản lý các trung tâm thương mại; đầu tư bất động sản, khách sạn...

Đầu mối quản lý các hoạt động kinh doanh của gia đình ông Hạnh Nguyễn tại Việt Nam là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP). Bên dưới IPP là hàng chục công ty thành viên trong đó những công ty nổi bật có thể kể đến như Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC), Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS), Công ty Dịch vụ Phân phối Đông Dương (DFS), Trung tâm thương mại Tràng Tiền...

DAFC là đầu mối kinh doanh một loạt thương hiệu cao cấp như Armani Exchange, Burberry, Bvlgari, Cartier, Rolex, Versace... còn ACFC là nhà phân phối những thương hiệu tầm trung-cao cấp như Tommy Hilfiger, GAP, Levi's, Diesel, Mango, Nike...

Vài năm gần đây, IPP đầu tư khá mạnh vào lĩnh vực hàng không, dịch vụ sân bay. IPP cùng DAFC và ACFC hiện còn nắm giữ 44% cổ phần của SASCO - công ty dịch vụ hàng không lớn nhất nước. Sasco có nguồn thu chủ yếu từ kinh doanh phòng khách thương gia, kinh doanh hàng miễn thuế cũng như kinh doanh thương mại tại sân bay Tân Sơn Nhất cùng một số sân bay ở khu vực phía Nam.

Bên cạnh đó, IPP còn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 30% cổ phần của Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.

Với hoạt động kinh doanh ngày càng mở rộng, quy mô vốn của IPP cũng tăng lên nhanh chóng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi mới thành lập, IPP có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó, ông Hạnh Nguyễn nắm 90% vốn còn vợ ông, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên nắm 10% còn lại.

Mặc dù IPP gắn liền với hình ảnh của ông Hạnh Nguyễn nhưng vai trò của bà Thuỷ Tiên đối với tập đoàn này không hề nhỏ. Nữ diễn viên nổi tiếng một thời này đã đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của IPP từ khi thành lập đến nay. Bà Thuỷ Tiên cũng là người giữ vị trí Chủ tịch của hầu hết các công ty thành viên của IPP.

Tương tự Tân Hiệp Phát, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã chuyển 99% cơ nghiệp kinh doanh hàng hiệu trị giá nghìn tỷ sang cho vợ - Ảnh 1.

Đầu tháng 8/2017, IPP đã tiến hành thay đổi đăng ký kinh doanh, qua đó tăng vốn điều lệ từ 2.500 tỷ lên 3.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiện chỉ nắm giữ vỏn vẹn 1% vốn điều lệ của IPP.

Phần còn lại thuộc về bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - nắm giữ 59% cùng 2 con trai Nguyễn Quốc Khánh (Louis Nguyễn) và Nguyễn Phi Long (Philip Nguyễn) mỗi người nắm giữ 20%.

Một công ty gia đình lớn khác của Việt Nam cũng có cấu trúc sở hữu tương tự như IPP là Tân Hiệp Phát của ông Trần Quí Thanh. Toàn bộ phần vốn của Tân Hiệp Phát hiện cũng do vợ ông Thanh là bà Phạm Thị Nụ cùng 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích nắm giữ. Tuy vậy, ông Thanh vẫn nắm giữ cổ phần nhỏ tại một số công ty thành viên.

Tương tự Tân Hiệp Phát, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã chuyển 99% cơ nghiệp kinh doanh hàng hiệu trị giá nghìn tỷ sang cho vợ - Ảnh 2.

Kinh Kha

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên