Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng cán mốc 20 triệu lượt khách
Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, kết quả của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt 20 triệu lượt khách sau 2 năm vận hành.
- 13-12-2023ADB thay đổi dự báo tăng trưởng GDP khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng GDP của Việt Nam được đánh giá ra sao so với Thái Lan, Indonesia?
- 13-12-2023Thành lập thị xã Việt Yên ở Bắc Giang, thị trấn Hậu Hiền ở Thanh Hóa
- 13-12-2023Xuất khẩu kỷ lục và những điểm nghẽn của lúa gạo Việt Nam
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt hàng chục triệu lượt khách
Theo số liệu từ Đài truyền hình Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam là Cát Linh - Hà Đông đã cán mốc 20 triệu lượt khách vào đầu tháng 12/2023.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang ngày càng trở nên thân thuộc với từng người dân Hà Nội. Số lượng hành khách lựa chọn đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông ngày một tăng. So với những ngày đầu khai thác thương mại, lượng hành khách hiện đã tăng gấp đôi (từ 15.600 lượt hành khách/ngày năm 2021 lên đến hơn 30.000 lượt/ngày năm 2023).
Nhiều người dân Hà Nội đã có thói quen đi bộ ra ga đường sắt đô thị hoặc lựa chọn các phương tiện công cộng kết nối khác để tiếp cận nhà ga, sử dụng đường sắt trên cao để đi làm, đi học hàng ngày.
Khách du lịch dịp đến Hà Nội cũng lựa chọn đi thử tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông như một trải nghiệm du lịch đặc biệt. Ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng trở thành địa điểm check in phổ biến với giới trẻ.
Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho thấy tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng đến hết tháng 8/2023 là khoảng 60% trên tổng số lượt hành khách.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) từng chia sẻ với báo chí rằng khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường... nên dần hình thành văn hóa tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị.
Số liệu từ Bộ Giao thông vận tải cho thấy đa số khách sử dụng vé tháng (khoảng 60%), riêng giờ cao điểm tỷ lệ khách sử dụng vé tháng lên tới 80% (doanh thu từ vé tháng năm 2022 đạt hơn 66 tỷ đồng). Điều này thể thiện đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trở thành "người đồng hành tin cậy" với người dân Thủ đô.
Tổng doanh thu từ bán vé mang lại cho Hanoi Metro gần 120 tỷ đồng. Trong đó, hai tháng cuối năm 2021 tuyến đường sắt này vận chuyển hơn 870.000 lượt khách, doanh thu hơn 5 tỷ đồng; năm 2022, lượng khách đi tàu tăng lên hơn 8,2 triệu lượt, doanh thu hơn 66 tỷ đồng; trong 8 tháng năm nay, vận chuyển hơn 6,7 triệu lượt khách, doanh thu gần 48,3 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong 2 năm đi vào vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa xảy ra tai nạn, tuy nhiên từng có 2 lần gặp sự cố nhỏ khiến hành trình bị gián đoạn. Lãnh đạo Metro Hà Nội cho rằng các sự cố nằm trong kịch bản ứng phó của đơn vị và được xử lý chỉ trong thời gian rất ngắn, không gây thiệt hại về người.
Kết quả của quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc
Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12/2023 đang diễn ra, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã có bài đăng trên báo Nhân Dân. Một trong số các nội dung có đề cập đến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
"Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng là đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam, đã vận chuyển gần 20 triệu lượt người hành khách, tạo thuận lợi trong đi lại cho người dân Hà Nội. Chuyến tàu liên vận quốc tế Trung Quốc-Việt Nam vận hành thuận lợi, cửa khẩu thông minh được khởi động xây dựng, kết nối các cặp cửa khẩu biên giới trên bộ được đẩy nhanh", ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Tuyến Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam. Dự án sử dụng vốn ODA Trung Quốc, tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ kỹ thuật tiên tiến của nước bạn.
Chính phủ hai nước đã chỉ đạo các Bộ ngành và đơn vị thi công nỗ lực với quyết tâm cao để đưa tàu vào vận hành từ tháng 11/2021. Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông không chỉ là một trong những công trình tiêu biểu của Thủ đô, mà còn là hình ảnh thu nhỏ của tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Ông Hùng Ba - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam từng phát biểu tại Lễ khánh thành Dự án rằng: "Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam sử dụng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, sử dụng tiêu chuẩn công nghệ kỹ thuật của Trung Quốc và do doanh nghiệp Trung Quốc làm Tổng thầu xây dựng. Đây là dự án biểu tượng, cùng nhau xây dựng vành đai và con đường giữa hai nước trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng".
"Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác, vận hành thuận lợi là hình ảnh thu nhỏ của mối quan hệ thực chất giữa Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển" - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa tại Việt Nam chia sẻ.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Dự án được khởi công từ tháng 10/2011 và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.
Ngày 6/11/2021, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã chính thức ký kết bàn giao, tiếp nhận và vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Thủ đô cũng như cả nước.
Đời sồng & Pháp luật