MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyệt đối không được phép đào tạo thạc sĩ ngoài trụ sở chính, phân hiệu dưới mọi hình thức

21-09-2020 - 08:20 AM | Xã hội

Theo quy định pháp luật hiện hành không cho phép liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ nên dự thảo Quy chế quy định theo hướng không cho phép tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ (dự thảo quy chế), dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12/2020.

Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, đơn vị soạn thảo văn bản, cho biết so với thông tư 15 được ban hành cách đây 6 năm, thì dự thảo thông tư mới có nhiều điểm mới tiệm cận theo hướng quản lý chất lượng đầu ra.

Cụ thể, về tuyển sinh, do Luật Giáo dục Đại học 2018 cho phép việc tuyển sinh có thể thực hiện theo phương thức thii tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển, nên dự thảo quy định tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ theo hướng quy định về nguyên tắc, phương thức tuyển sinh; ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để trên cơ sở đó các cơ sở đào tạo xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường. Nhưng vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu do Nhà nước quy định để thực hiện trách nhiệm giải trình cũng như sự giám sát của các bên liên quan và toàn xã hội.

Quy định về phương thức xét tuyển trong dự thảo này cũng đã tiệm cận với thông lệ của các nước phát triển. Các trường có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế để ban hành quy chế tổ chức xét tuyển bên cạnh dự vào kết quả học tập ở bậc đại học như dự thảo thông tư quy định. Ví dụ như xem xét CV, bài luận về bản thân, thư giới thiệu của giảng viên hoặc người quản lý, đề xuất đề tài nghiên cứu đối với chương trình theo định hướng nghiên cứu…

Về tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ là cho phép đối tượng đầu vào là người học có bằng đại học ở các ngành khác nhau với khối lượng học tập tích lũy khác nhau. Do đó, với mỗi đối tượng đầu vào, cơ sở đào tạo phải căn cứ vào chương trình đào tạo ở trình độ đại học của người học để xác định những nội dung/ học phần mà người học cần học bổ sung trước khi vào học chương trình thạc sĩ.

Về địa điểm đào tạo, Thông tư số hiện hành cho phép các cơ sở đào tạo có thể đào tạo một phần chương trình theo định hướng ứng dụng ở ngoài cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành không cho phép liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ nên dự thảo Quy chế quy định theo hướng không cho phép tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo.

Để việc tổ chức đào tạo tiệm cận với xu hướng quốc tế và hiệu quả khi ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, dự thảo quy định theo hướng cho phép chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ có thể tổ chức đào tạo trực tuyến nhưng không quá 30% khối lượng kiến thức của toàn bộ chương trình đào tạo (trong điều kiện học tập bình thường và trường phải cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo).

Dự thảo quy định khối lượng tín chỉ cho mỗi học kỳ không quá 23 tín chỉ đối với chương trình đào tạo được thiết kế 1 năm có 2 học kỳ.

Để quản lý chất lượng đầu ra, việc tổ chức thi, kiểm tra đánh giá giữ vài trò quan trọng trong quá trình đào tạo. Vì vậy, dự thảo quy định Thủ trưởng cơ sở đào tạo giao cho một đơn vị chuyên trách thực hiện tổ chức thi, chấm thi, quản lý ngân hàng đề thi và đề thi kết thúc học phần theo quy định, quy trình của cơ sở đào tạo; đơn vị chuyên trách này độc lập với các đơn vị tổ chức đào tạo để bảo đảm sự khách quan, công bằng. Đề thi phải xây dựng từ ngân hàng đề thi của cơ sở đào tạo, phù hợp với nội dung và bảo đảm mục tiêu học phần, chuẩn đầu ra đã xác định trong đề cương chi tiết.

Về hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tiêu chuẩn người hướng dẫn dự thảo đã được chỉnh lý làm rõ so với quy định hiện hành về hướng dẫn luận văn đối với chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu để hạn chế việc hướng dẫn luận văn thạc sĩ tràn lan và không có công cụ kiểm soát chất lượng. Đối với chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, cơ sở đào tạo quy định cho từng chương trình cụ thể, học viên có thể học các học phần trong toàn bộ chương trình và có điểm đánh giá dự án hoặc bài luận cuối khóa học (nếu có).

Để quản lý nhà nước trong thực hiện tự chủ đào tạo trình độ thạc sĩ, dự thảo bổ sung quy định về công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo cũng như bổ sung quy định yêu cầu minh bạch tra cứu văn bằng để phục vụ công tác hậu kiểm.

Theo Nghiêm Huệ

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên