TV Hàn Quốc, Nhật Bản đua doanh số tại Việt Nam
Theo các nhà bán lẻ, một số thương hiệu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản như Samsung, Sony và LG đang chiếm phần lớn thị phần ngành hàng TV tại Việt Nam.
- 31-05-2021Cận kề mùa Euro, thị trường TV vẫn "nguội"
- 30-05-2021Cứ 2 TV bán ra toàn cầu thì 1 đến từ Hàn Quốc
- 21-05-2021TV, laptop, đồ điện tử có thể tăng giá mạnh
Khi giải đấu Euro đang diễn ra cũng là lúc các hệ thống bán lẻ giảm giá hàng loạt mẫu TV nhằm thu hút người dùng mua sắm. Một số model được giảm giá mạnh đáng chú ý như Samsung Neo QLED 55QN85A 2021 (giảm 5 triệu đồng, còn 38,9 triệu đồng), Sony OLED 55A9G (giảm 6,1 triệu đồng, còn 39,8 triệu đồng), LG NanoCell 55NANO95TNA (giảm 8 triệu đồng còn 27,9 triệu đồng).
Theo đại diện hệ thống Điện Máy Xanh, doanh số TV 5 tháng đầu năm 2021 giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân phần nào đến từ tình hình dịch bệnh bất ổn, ảnh hưởng thu nhập cũng như quyết định chi tiêu của người tiêu dùng. Các giải bóng đá lớn như Euro, World Cup có tác động đến sức mua, doanh số tăng nhưng không quá đột biến. Samsung, Sony, LG và TCL đang chiếm hơn 90% thị phần TV hiện nay.
“Bộ ba thương hiệu đang dẫn đầu thị trường TV tại Việt Nam bao gồm Samsung, Sony và LG. Trong đó, Samsung chiếm thị phần lớn nhất khoảng 40%, Sony 26% và LG là 20%”, đại diện hệ thống Media Mart chia sẻ.
Samsung đang chiếm thị phần TV lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: Samsung.
Đại diện hệ thống Media Mart cho biết những mẫu TV bán chạy hiện nay gồm Samsung 4K 55 inch 55TU7000 Crystal UHD (13,9 triệu đồng), Sony 4K KD-55X7500H HDR (15,1 triệu đồng) và LG 4K 70 inch 70UN7070PTA UHD (17 triệu đồng).
Để lý giải cho sự thành công của những thương hiệu trên, các hệ thống bán lẻ đều cho rằng TV Samsung, Sony hay LG đều có mức giá hấp dẫn, dải sản phẩm đa dạng từ phân khúc giá rẻ đến cao cấp, chất lượng, độ bền cao cùng nhiều công nghệ mới.
Bên cạnh đó, những hãng này liên tục đổi mới với kiểu dáng khác biệt hướng đến nhiều đối tượng khách hàng hơn như Samsung có TV khung tranh The Frame, TV có thể xoay ngang, dọc The Sero hay mẫu TV dán tường của LG.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Samsung Việt Nam cho biết TV The Frame 2021 là sản phẩm có lượng đặt hàng tốt nhất trong dòng Lifestyle TV năm nay. Sự khác biệt về kiểu dáng và thiết kế mới của TV The Frame đã ghi nhận những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng Việt.
Đại diện các nhà bán lẻ cho biết TV ở phân khúc giá từ 8-20 triệu đồng đang được khách hàng chọn lựa nhiều nhất. Người dùng chủ yếu chọn TV có kích thước từ 43 inch đến 55 inch. Các dòng từ 65 inch trở lên cũng tăng nhưng chiếm tỷ trọng không nhiều. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng được quan tâm như thương hiệu, tấm nền màn hình, khả năng hiển thị, âm thanh vòm và chip xử lý hình ảnh.
Công nghệ AI sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các mẫu TV đời mới. Ảnh: Sony.
Theo ông Nam Anh, đại diện truyền thông LG Việt Nam, khi các hãng đều mang đến sản phẩm có khả năng hiển thị hình ảnh đẹp, âm thanh tốt thì TV sẽ cạnh tranh nhau bằng thiết kế. Một chiếc TV không đơn thuần là thiết bị giải trí mà còn trở thành một phần nội thất cho không gian sống.
“Tôi nghĩ công nghệ AI sẽ trở thành xu hướng phát triển trên các mẫu TV trong thời gian tới. Công nghệ này giúp cá nhân hóa, tối ưu hóa trải nghiệm giải trí của người dùng. Ngoài ra khi công nghệ ngày càng phát triển, khả năng kết nối và tương thích dễ dàng giữa các thiết bị cũng là một phần quan trọng mà LG đang tập trung phát triển”, ông Nam Anh nhận định.
Đại diện Samsung Việt Nam cho rằng người dùng đang quan tâm đến tính năng TV thông minh, đáp ứng nhu cầu làm việc và giải trí tại nhà. Đặc biệt, ngày càng có nhiều người dùng quan tâm đến khả năng chơi game trên TV. Đây cũng là lý do mà công ty tiếp tục tập trung phát triển công nghệ chơi game cải tiến trên TV cao cấp trong năm 2021.
Trái ngược với sự thành công đáng mơ ước của những “ông lớn” kể trên, một số cái tên cho thấy không còn mặn mà tại thị trường TV Việt Nam như Toshiba, Sharp hay Panasonic. Bằng chứng là những mẫu TV của các thương hiệu này đã ngừng kinh doanh tại nhiều hệ thống.
Ngày 9/5/2021, Vingroup chính thức công bố VinSmart sẽ dừng sản xuất TV và điện thoại thông minh để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm IoT và tính năng Infotainment cho ô tô VinFast.
Các hệ thống bán lẻ cho rằng với chi phí sản xuất và nhập khẩu tăng cao, không chủ động được về sản xuất do phải nhập khẩu linh kiện dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. Các hãng như VinSmart, Panasonic, Toshiba phải chuyển hướng tập trung sang các loại mặt hàng khác có biên độ lợi nhuận cao hơn.