MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá trung tâm cần được quan tâm đúng mức

15-06-2016 - 10:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Để giảm mức thấp nhất tác động của biến động tỷ giá đến lợi nhuận thì việc dự báo biến động tỷ giá có ý nghĩa rất quan trọng đối với DN.

Tỷ giá có ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các công ty xuất nhập khẩu, nhất là những DN có vay vốn tín dụng ngoại tệ. Vì vậy, để giảm mức thấp nhất tác động của biến động tỷ giá đến lợi nhuận thì việc dự báo biến động tỷ giá có ý nghĩa rất quan trọng đối với DN.

Thực tế là tỷ giá không thể không có biến động sát với nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, ngày 4/1/2016 NHNN đã đưa ra “cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm”, theo đó, hiện nay hàng ngày NHNN công bố tỷ giá trung tâm, và dựa vào đây các NHTM xác định tỷ giá mua - bán với khách hàng của mình với biên độ (+-) 3%.

Tỷ giá trung tâm được NHNN xác định theo phương pháp định lượng kết hợp với định tính, dựa vào ba căn cứ cơ bản sau: Căn cứ vào biến động tỷ giá đồng tiền so với USD của 8 quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam; Dựa vào biến động cung cầu ngoại tệ, biến động tỷ giá trên thị trường liên NH và các cân đối vĩ mô trong nước; Căn cứ vào mục tiêu điều hành tỷ giá.

Về nguyên lý, tỷ giá được xem xét và đánh giá dựa trên 2 yếu tố chính là cung và cầu. Sự thay đổi về cung và cầu ngoại tệ tác động lên tỷ giá làm cho nó thay đổi tương ứng. Quá trình điều chỉnh tỷ giá luôn được dẫn dắt bởi các yếu tố tác động lên cung - cầu ngoại tệ. Ví như chênh lệch lạm phát trong nước với lạm phát của quốc gia có đồng tiền so sánh, chênh lệch lãi suất đồng tiền trong nước với lãi suất ngoại tệ.

Thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán và yếu tố tác động có tính ngắn hạn hay gây sốc là yếu tố kỳ vọng, tác động lên cơ chế điều hành tỷ giá, mức độ can thiệp tỷ giá của NHTW. Từ đó, tỷ giá trở thành biến số kinh tế không chỉ có tác động mạnh đến ổn định kinh tế vĩ mô mà còn tác động đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN.

Ở các nước có thị trường ngoại hối phát triển, tỷ giá biến động cơ bản theo quan hệ cung - cầu ngoại tệ, thị trường tự phát hình thành các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Việt Nam có thị trường ngoại hối mới ở mức độ thấp, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá còn nghèo nàn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, không ít DN chưa tạo được thói quen phòng ngừa biến động tỷ giá.

Do vậy khi tỷ giá có biến động lớn thì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng rất nặng nề. Sở dĩ như vậy là do trong một thời gian dài để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, nhà điều hành thường cam kết ổn định tỷ giá, điều này có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của thị trường ngoại hối.

Có thể nói cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016 được xác định gắn với các yếu tố thị trường hơn tỷ giá công bố trước đây. Điều này đã đóng góp tích cực vào ổn định tỷ giá trong bối cảnh thâm hụt thương mại, lạm phát có xu hướng tăng trong 5 tháng qua.

Trong những năm tới, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, cạnh tranh thị trường tài chính ngày càng gay gắt, dù không cam kết tự do hóa tỷ giá trong các ký kết song phương và đa phương của những hiệp định thương mại tự do (FTA), kể cả cam kết TPP.

Để giảm thiểu rủi ro tỷ giá đối với DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thì quản trị DN cần quan tâm đến những biến động tỷ giá. Đó là việc dự báo xu hướng biến động của tỷ giá trung tâm trên cơ sở dự báo các nhân tố tác động đến cung cầu ngoại tệ, các yếu tố mà NHNN căn cứ để xác định tỷ giá trung tâm. Quan trọng hơn, các DN phải sử dụng thành thạo các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá và hình thành quỹ dự phòng biến động tỷ giá.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên