MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá trung tâm có thể giữ mức giảm từ 2-2,5% trong năm 2018

20-08-2018 - 07:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Báo cáo về thị trường ngoại hối và tình hình thương mại Mỹ - Trung vừa được CTCK Vietcombank (VCBS) công bố đã chỉ ra nhiều yếu tố tích cực giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn thành mục tiêu giữ mức giảm giá hợp lý của VND trong 6 tháng cuối năm.

Cụ thể là dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng, dự trữ ngoại hối đạt 63,5 tỷ USD, cán cân thương mại được duy trì và kiều hồi về nước được dự báo tiếp tục tăng trưởng.

VCBS tiếp tục duy trì quan điểm áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn vẫn có thể tiếp diễn, nhưng với nguồn lực hiện có cùng thông điệp rõ ràng về định hướng điều hành, NHNN hoàn toàn có thể giữ mức giảm của tỷ giá trung tâm với USD quanh 2 - 2,5% cho năm 2018, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.

Trong khi đó, vào các thời điểm căng thẳng, tỷ giá tại các NHTM có thể giao dịch ở ngưỡng sát trần tính trong biên độ 3% đã được quy định so với tỷ giá trung tâm. Theo VCBS, chính sách tiền tệ nới lỏng của Trung Quốc tiếp diễn sẽ tác động sát sườn tới Việt Nam, điều này từ một góc độ tích cực có thể mang lại những hiệu ứng tốt cho nền kinh tế.

Năm 2016-2017 là thời điểm then chốt trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Chính phủ Trung Quốc (2016-2020), chuyển dịch mô hình nền kinh tế dựa vào đầu tư và xuất khẩu, sang chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa và ngành dịch vụ.

Trung Quốc đã có sự chọn lọc với dòng vốn đầu tư FDI. Điều này, cùng với giá nhân công tăng lên khiến cho dòng vốn đầu tư FDI vào Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển và tìm kiếm những điểm đến mới có sự tương đồng về chi phí nhân công giá rẻ và mức độ chọn lọc không quá khắt khe. Việt Nam được xem là một trong những điểm đến lý tưởng nhất của dòng vốn này.

Từ năm 2015 việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong các năm gần đây, nhằm hạn chế ảnh hưởng từ USD mạnh lên, sau khi FED bắt đầu thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ khiến cho cầu đầu tư của dòng vốn nội địa ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng lên, đồng thời khiến cho các quốc gia đang có chính sách thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam được hưởng lợi.

Trong các năm gần đây, việc thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp đã tạo ra nhiều dư địa để nhà điều hành duy trì sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Dòng vốn khối ngoại tạo ra nguồn cung ngoại tệ đủ lớn và dồi dào để NHNN tiến hành tăng dự trữ ngoại tệ đi kèm với tăng quy mô hoạt động xuất nhập khẩu vốn luôn tăng trưởng mạnh ở mức 2 con số trong các năm 2017 (gần 21%) và 6 tháng 2018 (13,3%).

Tính đến hết tháng 6, dự trữ ngoại hối Việt Nam đạt 63,5 tỷ USD, tương đương 12-15 tuần nhập khẩu. Nguồn lực này đã hỗ trợ gián tiếp, giúp thanh khoản trên hệ thống ngân hàng dồi dào. Từ đó, các Ngân hàng thương mại (NHTM) có dư địa để tăng trưởng tín dụng, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, đóng góp từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cụ thể là các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, hay Formosa đang là cấu phần quan trọng đóng góp tăng trưởng chung của nền kinh tế, giúp cho khu vực công nghiệp chế biến chế tạo trở thành đầu tàu tăng trưởng.

Từ góc độ này, ưu tiên chính sách của Chính phủ trong các năm tiếp theo sẽ là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo sự ổn định của các số liệu kinh tế vĩ mô, từ đó duy trì sức hấp dẫn của điểm đến đầu tư Việt Nam đối với dòng vốn ngoại. Theo VCBS, các mục tiêu liên quan đến chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ bao gồm đảm bảo lạm phát được kiểm soát, không vượt quá mục tiêu cam kết đưa ra hàng năm của Chính phủ và giữ cho đồng nội tệ giảm giá ở mức tương đối hợp lý so với các nước trong khu vực.

NHNN vẫn đang làm khá tốt trong vai trò của nhà điều hành đối với tỷ giá khi đã đưa ra định hướng chính sách rõ ràng và các biện pháp điều hành dựa trên sự vận hành của thị trường và không bị cuốn theo các diễn biến khó lường trên thị trường thế giới, VCBS nhận định.

Tuy nhiên, CTCK cũng đề cập đến tính trạng leo thang của tỷ giá thời gian qua, bắt nguồn từ việc thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ tiền mặt tạm thời do sự thay đổi đối tác khai thác dịch vụ này không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Với sự kiện này, bất chấp những điều hành dựa trên quy luật thị trường được đưa ra đúng thời điểm của NHNN, tỷ giá trên thị trường tự do vẫn được dự báo chưa thể thoát khỏi áp lực tăng ngắn hạn. Diễn biến này cùng với việc thị trường ngoại hối khá ổn định trong liên tiếp hai năm gần đây, đã tạo nên tâm lý đầu cơ hưởng chênh lệch giá đáng kể trên thị trường. Đây là nguyên nhân lý giải cho hiện tượng lượng lớn ngoại tệ khoảng 2,12 tỷ USD được NHNN bán ra với mức “giá thấp” 23.050 đồng để các NHTM hấp thụ chỉ trong tuần cuối tháng 7, trong khi nhu cầu thực phục vụ cho các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu được đánh giá là không đột biến.

Theo Gia Miêu

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên