MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá USD tăng, doanh nghiệp nào hưởng lợi?

14-07-2018 - 19:34 PM | Doanh nghiệp

Doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU và các công ty vay nợ khác đồng USD đều được hưởng lợi từ câu chuyện tỷ giá.

Kể từ khi FED quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% và chắc chắn về lộ trình tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, tỷ giá USD/VND đã có nhiều biến động đáng kể. Tính tại ngày 13/7, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 70 USD, ở mức 23.050 đồng.

Tỷ giá USD tăng, doanh nghiệp nào hưởng lợi? - Ảnh 1.

Tỷ giá USD/VND tăng 1,5% từ tháng 4 đến nay

Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán dầu khí (PSI) cho biết tỷ giá tăng thì đối tượng hưởng lợi thuộc về những ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, dầu khí, cao su, công nghệ...

Đối với ngành thủy sản, Tổng cục thủy sản cho biết kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 13% cùng kỳ năm trước. Trong đó, danh sách 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam có thể kể đến Vĩnh Hoàn (VHC), Hùng Vương (HVG), Agifish (AGF) và Nam Việt (ANV). Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp này chủ yếu là Châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản…

Riêng Vĩnh Hoàn, trong 7 năm liên tiếp (2010 – 2017), công ty đứng đầu trong top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Năm 2017, giá trị xuất khẩu đã lên tới 270,3 triệu USD, gấp 2,2 lần so với Hùng Vương. Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn với giá trị 148,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 55%. Vĩnh Hoàn dẫn đầu thị phần xuất khẩu vào Mỹ với 43%.

Trong 5 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn xuất khẩu 130,25 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ.

Tỷ giá USD tăng, doanh nghiệp nào hưởng lợi? - Ảnh 2.

Top 5 thị trường xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ (Nguồn: BCTN VHC 2017)

"Vua tôm" Minh Phú (MPC) cũng có kim ngạch xuất khẩu tới 692 triệu USD năm 2017, tăng 2% so với năm trước. Giá trị xuất khẩu chiếm phần lớn trong tổng doanh thu của công ty.

Theo số liệu mới nhất, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Nhật, Châu Âu, Hàn Quốc chiếm 76% trong tổng cơ cấu doanh thu. Công ty còn cho biết doanh thu từ Mỹ, Nhật sẽ tăng mạnh trong các tháng cuối năm khi Minh Phú thực hiện xuất khẩu theo đơn hàng. Công ty ước lợi nhuận trước thuế năm 2018 sẽ đạt 1.265 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch cả năm.

Đối với ngành dệt may, doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ như Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) cũng được hưởng lợi không kém. Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược công ty cho biết do STK luôn duy trì tỷ trọng doanh thu xuất khẩu ở mức 50 – 60% tổng doanh thu nên luôn có đủ nguồn USD để nhập khẩu nguyên liệu, trả nợ gốc và lãi vay. Do vậy, biến động của tỷ giá trong thời gian vừa qua không ảnh hưởng gì nhiều tới hoạt động kinh doanh của STK. Việc bán hàng và mua nguyên vật liệu của Công ty vẫn diễn ra như bình thường.

Cũng theo bà Chi, lỗ tỷ giá thực hiện (liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa) và trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá (liên quan tới việc đánh giá lại các khoản vay ngoại tệ vào cuối kỳ kế toán) trong 6 tháng đầu năm của STK vẫn nằm trong phạm vi kế hoạch ngân sách 2018. Do đó, Công ty vẫn đạt kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm.

Vị đại diện STK cho biết quý II, công ty ước đạt doanh thu 588 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 43 tỷ đồng. Như vậy tính chung nửa đầu năm, STK đạt 1.177 tỷ đồng doanh thu và 83 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành lần lượt 50% và 66% kế hoạch.

Bà Chi đồng thời khẳng định diễn biến tỷ giá USD/VND hiện nay khó có thể lường trước được do chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài (ví dụ nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung). Tuy nhiên, cho dù tỷ giá có biến động lớn thì với tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cao, STK sẽ có được nguồn cung ngoại tệ ổn định để nhập khẩu và trả nợ. Do đó, việc ghi nhận lỗ tỷ giá thực hiện sẽ không nhiều. Phần lớn lỗ tỷ giá mà STK đã và sẽ ghi nhận là khoản trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá theo nguyên tắc kế toán thận trọng và việc trích lập dự phòng này không ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền mặt của công ty.

Nhẹ gánh nặng nợ vay

Từ đầu tháng 4 đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng 1,5% trong khi tỷ giá YEN/VND giảm 6,3%, EUR/VND giảm 4%. Điều này được nhiều chuyên gia nhận định giúp các doanh nghiệp vay nợ Yên, EUR hưởng lợi.

Tỷ giá USD tăng, doanh nghiệp nào hưởng lợi? - Ảnh 3.

Tỷ giá YEN/VND giảm 6,3% từ tháng 4 đến nay

Đầu tiên phải kể đến Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Tính đến 31/3, tổng nợ vay của ACV vào khoảng 14.475,7 tỷ đồng, chủ yếu là vay đồng Yên cho các dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga T2 sân bay Nội Bài. Trong đó, ACV có khoản nợ đến hạn phải trả 731 triệu USD cho năm 2018, chia làm hai kỳ.

Một công ty chứng khoán kỳ vọng ACV có thể đạt 3.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II, tăng 2,1 lần cùng kỳ chủ yếu nhờ tăng phí hàng không nội địa và lưu lượng giao thông tăng.

Tỷ giá USD tăng, doanh nghiệp nào hưởng lợi? - Ảnh 4.

Tỷ giá EUR/VND giảm 6,3% từ tháng 4 đến nay

Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) còn nợ 78 triệu USD và 70,8 triệu EUR được bảo lãnh bởi Chính phủ. Lãi suất được tính theo Euribor 6 tháng và Libor 6 tháng cộng các khoản lãi suất điều chỉnh. Nợ gốc và lãi vay được trả 6 tháng 1 lần, trong đó thời gian trả nợ gốc là 9,5 năm (từ tháng 6/2012) chi thành 19 kỳ trả nợ. Thời gian trả nợ gốc đến năm 2021, do đó sắp hết thời gian trả nợ.

Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) có khoản vay dài hạn của Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 bằng đồng Yên, tương đương 950 tỷ đồng. Khoản vay được bảo lãnh bởi Bộ Tài chính. Gốc vay được thanh toán trong vòng 22 năm 6 tháng bắt đầu từ 2006, tức đáo hạn vào năm 2038.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDS) còn dự phóng PPC có thể lãi 1.201 tỷ đồng trong năm nay do ghi nhận 2 khoản lợi nhuận đột biến, gồm 125 tỷ đồng hoàn nhập khoản lỗ tỷ giá thực hiện trong năm 2016 và 117 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính.

Trong 4 tháng đầu năm, LNTT của PPC đạt 401 tỷ đồng, thực hiện 55% kế hoạch cả năm trong khi chưa cần tới các khoản lợi nhuận bất thường. Điều này một lần nữa củng cố kỳ vọng của VDS về lợi nhuận cả năm có thể vượt hơn 60% kế hoạch.

Theo Khổng Chiêm

Người đồng hành

Trở lên trên