MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá USD/VND: Thấy trước, bước có qua?

14-03-2017 - 10:26 AM | Tài chính - ngân hàng

Những thay đổi lớn dần xuất hiện, trong khi Việt Nam có hướng kiên định tỷ giá USD/VND...

Gần 5 năm về trước, trong một trao đổi bên lề, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng bấy giờ từng lo xa: rồi đây Việt Nam sẽ bớt đi sự thuận lợi trong tiếp cận vốn ngoại.

Trong mắt nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là quốc gia tiêu biểu về kết quả tích cực của công tác xoá đói giảm nghèo. Nhưng ngược lại, đời sống người dân khá lên thì có thể ưu đãi sẽ ít đi.

Là người từng nhiều năm đại diện cho Việt Nam đi đàm phán với các nhà tài trợ quốc tế, ông Lê Minh Hưng khi đó trù tính lãi suất vay vốn từ các định chế lớn và truyền thống như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)… sẽ dần chuyển sang thương mại hơn. Chính sách vĩ mô cần thấy trước để có sự chuẩn bị.

Không lâu, năm 2016, các bộ ngành liên quan đã đề cập cụ thể đến sự thực trên. Theo đó, dự kiến lộ trình từ tháng 7/2017 một số khoản vay có thể sẽ phải chuyển sang lãi suất thương mại. Gần đây, có tổ chức quốc tế liên quan cũng đã ngồi lại để xem xét tình huống này.

Liên quan, lớn hay nhỏ, có dẫn đến chính sách tỷ giá. Giả dụ, vay vốn quốc tế từ lãi suất ưu đãi sang thương mại hơn, chi phí sẽ cao hơn, Chính phủ có tính đến hướng huy động nguồn lực ngoại tệ trong nước không? Nếu có, chính sách trần lãi suất tiền gửi 0%/năm áp dụng gần hai năm qua có thay đổi không, nếu thay đổi có gây áp lực tỷ giá không khi chênh lệch lãi suất với VND co lại?

Đó là chuyện từng được thấy trước liên quan đến chính sách tỷ giá.

Tiếp theo, ngay từ đầu năm nay, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần thứ ba tăng lãi suất cơ bản đồng USD được thị trường chú ý.

Đây không phải là “con ngáo ộp” từng định hình hài trong năm 2015, từng có nhiều cảnh báo trước đây, mà đã cụ thể ở các quyết định của FED, cũng như mở rộng ở phản ứng giá trị của nhiều đồng tiền trên thế giới trong cả năm qua và cho đến nay.

Từ phản ứng đó, xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng, khi xét đến sức cạnh tranh so với giá hàng hóa của các quốc gia có mức độ phá giá đồng nội tệ lớn hơn.

Thêm nữa, cũng là những chuyển động trong tương lai được nhìn thấy trước, hoặc cần được trù tính trước, và sẽ có khá nhiều chuyển động mới.

Theo TS. Trịnh Quang Anh, nhà nghiên cứu độc lập, nhiều câu hỏi đặt ra: dòng vốn ODA sẽ bất lợi đi như thế nào; rồi cũng cần trù liệu vốn đầu tư nước ngoài FDI có đảo chiều theo xu hướng chung; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có đe doạ tước đi lợi thế “nhân công giá rẻ” của Việt Nam hay không; tình huống hiệp định xuyên thái bình dương (TTP) khó thành hay tình huống hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) khả thi thế nào; xu hướng chủ nghĩa bảo hộ thương mại nổi lên sẽ ảnh hưởng xuất khẩu và nguồn ngoại tệ tới đây ra sao…

Loạt câu hỏi trên, theo ông Quang Anh, thực tế trả lời đang nghiêng nhiều hơn về phía bất lợi cho chính sách ổn định tỷ giá USD/VND, áp lực trong trung hạn là thực sự.

Còn hiện tại, cụ thể áp lực từ đầu năm nay là nhập siêu tăng mạnh trở lại - điều trái ngược với thuận lợi nhập siêu trong cùng kỳ suốt bốn năm trước. Tỷ giá USD/VND có một vài thời điểm biến động khá mạnh rồi khá ổn định, nhưng nếu nhập siêu định hình là xu hướng, kể các tình huống mạnh lên, cũng cần trù liệu trước.

Nhiều chuyển động đã, đang và dự báo sẽ định hình như trên, trong khi chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước phải đáp ứng yêu cầu giữ ổn định, theo định hướng của Chính phủ.

Vấn đề là, trong nhiều chuyển động trên, mức độ và ứng xử đối với nó lại không chỉ riêng chính sách tỷ giá hay chính sách tiền tệ, mà còn phụ thuộc vào nhiều bộ ngành, chính sách vĩ mô khác.

Riêng Ngân hàng Nhà nước, đến nay, để bước qua những áp lực và tác động trên, chính sách tỷ giá vẫn đang gắn với một chênh lệch lãi suất “đô-đồng” đáng kể, theo hướng có lợi cho nắm giữ VND, và với trần lãi suất tiền gửi USD ở 0%/năm; cơ chế tỷ giá trung tâm vẫn đang thể hiện là trục chính bám sát và có phần dẫn dắt thị trường (một phần thể hiện ở diễn biến tăng lên từ đầu tháng 2/2017 đến nay); hoạt động điều tiết nguồn và gián tiếp cân đối lãi suất trên liên ngân hàng thể hiện sự thường trực và nhịp nhàng ngay từ đầu năm nay; chính sách tín dụng ngoại tệ vẫn thận trọng, cùng cơ chế bắt buộc giao dịch kỳ hạn ngoại tệ tránh dồn cầu, đầu cơ… cũng đã định khung.

Nhưng, như trên, một quyết định lớn đối với ổn định tỷ giá là cân đối cung - cầu, trong khi riêng chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá không thể “cân” được hết các yếu tố nguồn và các dòng chảy tác động để chủ động thấy trước và bước qua, nhất là với điều kiện cùng lúc phải đáp ứng đa mục tiêu, những mục tiêu mà Thống đốc Lê Minh Hưng từng phát biểu tại hội nghị toàn ngành đầu năm nay là đôi khi mâu thuẫn nhau.

Theo Minh Đức

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên