Tỷ lệ dân số đầu tư còn thấp có đủ “doping” cho ngành chứng khoán?
Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ dân số đầu tư chứng khoán, dư địa tăng trưởng của ngành chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Dù vậy, quá trình chuyển hóa tiềm năng thành con số thực tế không hề đơn giản.
- 05-10-2023Thị phần môi giới HoSE quý 3/2023: VPS tiếp tục nới rộng khoảng cách, TCBS tăng tốc ngoạn mục
- 05-10-2023Vì sao khối ngoại không “mặn mà” gom hàng trong nhịp giảm mạnh nhất từ đầu năm của chứng khoán Việt Nam?
7,8 triệu là số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước hiện nay, tương đương khoảng gần 8% dân số. Điều này được nhiều tổ chức, chuyên gia đánh giá là cơ hội cho ngành chứng khoán Việt Nam.
Thực tế, so với các thị trường trong khu vực, tỷ lệ dân số tham gia đầu tư chứng khoán tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Cụ thể, tỷ lệ này tại Thái Lan vào năm 2017 đã là 27,9%, Malaysia là 31,6% (năm 2017), Trung Quốc là 10,7% (năm 2020), Ấn Độ là 15,4% (năm 2021),… Rõ ràng, nếu chỉ nhìn vào con số này, dư địa tăng trưởng của ngành chứng khoán cũng như các công ty chứng khoán vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên trên thực tế, ngành chứng khoán vẫn đang gặp phải ít nhiều thách thức, dù tiềm năng là không thể phủ nhận.
Thanh khoản không dễ bùng nổ hơn nữa trong ngắn và trung hạn, áp lực cạnh tranh giữa các CTCK là rất lớn
Đa phần nhà đầu tư chỉ nhìn vào thanh khoản để đánh giá triển vọng ngành chứng khoán và kỳ vọng hệ thống KRX đi vào vận hành sẽ thúc đẩy giá trị giao dịch tăng vọt, kéo theo sự hưởng lợi của các Công ty chứng khoán. Theo VNDirect, hệ thống KRX có thể sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao năng lực về thanh khoản lên 4 tỷ USD/phiên, giảm thời gian thanh toán qua đó có thể đẩy nhanh vòng quay vốn, và giải quyết các vấn đề cần thiết để được nâng cấp lên thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, nâng cao năng lực về thanh khoản không đồng nghĩa với việc thị trường sẽ ngay lập tức sôi động hơn. Ngay cả khi số lượng nhà đầu tư tăng mạnh, không phải ai tham gia chứng khoán cũng chọn giao dịch trong ngày. Khó có thể kỳ vọng thanh khoản sẽ tăng đột biến so với hiện tại khi chứng khoán Việt Nam thực tế đã rất sôi động so với mặt bằng chung.
Theo số liệu từ Bloomberg, tỷ lệ giá trị giao dịch/vốn hóa bình quân phiên trên HoSE trong 6 tháng trở lại đây đã xấp xỉ 0,3%. Trong giai đoạn giao dịch bùng nổ, thanh khoản thị trường lên đến ngưỡng tỷ USD như hồi đầu tháng 9 vừa qua, tỷ lệ này có thời điểm còn lên đến 0,5%. Đây là mức rất cao so với đa phần các thị trường phát triển như Mỹ (Dowjone, Nasdaq), Anh (FTSE 100), Đức (DAX) với đầy đủ các sản phẩm và giao dịch T0 được áp dụng từ lâu.
Ngay tại khu vực châu Á, tỷ lệ GTGD/vốn hóa của chứng khoán Việt Nam đã cao hơn hầu hết thị trường như Hồng Kông (Trung Quốc) - Hangseng, Thái Lan (Set Index), Indonesia (Jarkata Composite), Philippine (Psei),… Tại các thị trường sôi động hơn như Trung Quốc (Shanghai Composite), Nhật Bản (Nikkei 225) hay Hàn Quốc (KOSPI Index), tỷ lệ này cũng không quá 0,8%.
Do đó, mức thanh khoản bình quân 1-1,5 tỷ USD/phiên (tương ứng tỷ lệ GTGD/vốn hóa khoảng 0,6%) đã là rất sôi động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vào giai đoạn hiện nay. Con số này “dư sức” đảm bảo tiêu chí thanh khoản được ước tính theo ATVR (Annualized Traded Value Ratio) của MSCI cho thị trường phát triển (20%).
Những con số trên cho thấy khả năng bùng nổ về thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn, trung hạn là không dễ khi tỷ lệ GTGD/vốn hóa đã ở mức rất cao. Điều này khiến những kỳ vọng về sự bùng nổ thanh khoản hơn nữa trong những năm tới và mang về lợi nhuận lớn cho các Công ty chứng khoán cần phải cân nhắc lại.
Cần phải nhấn mạnh rằng sự sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam có tính chu kỳ cao, phụ thuộc nhiều vào xu hướng của chính sách tiền tệ. Tiền đổ vào mạnh trong các giai đoạn nới lỏng đẩy thanh khoản tăng vọt nhưng ngược lại cũng rút đi nhanh chóng. Trong khi dòng vốn đầu tư dài hạn, ổn định rất hạn chế.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các công ty chứng khoán, đặc biệt là các mảng môi giới, cho vay. Trong các giai đoạn thị trường ảm đạm, nguồn thu từ các hoạt động này của nhóm chứng khoán cũng sụt giảm mạnh, thậm chí một số còn lỗ mảng môi giới do chi phí cho đội ngũ nhân sự quá lớn.
Ngay cả trong giai đoạn sôi động, “miếng bánh” thị phần cũng là cuộc cạnh tranh gay gắt của hàng chục công ty chứng khoán lớn nhỏ. Thị trường Việt Nam quy mô hiện chưa quá lớn so với các quốc gia khu vực, nhưng có tới khoảng 80 CTCK đang hoạt động, điều này sẽ gây ra áp lực cạnh tranh lớn trong ngành.
Hơn nữa, cuộc đua “zero fee” ngày càng khốc liệt sẽ dần bào mòn nguồn lực của các công ty chứng khoán có tiềm lực và sản phẩm hạn chế. Hiệu quả trực tiếp về mặt kinh tế của mảng môi giới có xu hướng sụt giảm. Nếu không thể tận dụng tệp khách hàng một cách tối ưu, các công ty chứng khoán sẽ khó tránh khỏi hụt hơi và bị bỏ lại phía sau.
Thiếu hụt chất lượng "hàng hóa" và sự đa dạng sản phẩm
Để tận dụng tối đa dư địa về mặt khách hàng, con đường tất yếu đối với các công ty chứng khoán là quản lý tài sản. Loại hình này không mới tại các thị trường phát triển và cũng đang dần trở thành xu hướng tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Dù vậy, một số rào cản đang khiến xu hướng này chưa thể phát triển nở rộ.
Thanh khoản không thực sự là vấn đề mà nút thắt nằm ở khả năng thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn. Điều này phụ thuộc nhiều vào chất lượng hàng hóa và mức độ đa dạng của các sản phẩm đầu tư. Tuy nhiên, thực trạng các yếu tố này lại không mấy khả quan.
Sự thiếu hụt “bom tấn” niêm yết mới trong các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, công nghệ, dịch vụ,… khiến cơ cấu thị trường rơi vào tình trạng mất cân bằng trong thời gian dài. Chứng khoán Việt Nam nghiêng hoàn toàn về nhóm cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), chiếm khoảng 40% vốn hóa HoSE, theo sau là bất động sản với tỷ trọng gần 18%. Số lượng các cổ phiếu nhóm này cũng áp đảo, đặc biệt trong nhóm vốn hóa lớn, điển hình như VN30 có đến 13 cổ phiếu ngân hàng, 3 cổ phiếu bất động sản.
So sánh với các thị trường chứng khoán khác có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt lớn. Tại Mỹ, tỷ trọng được phân bổ đều hơn, các nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng cao, ổn định trong dài hạn như công nghệ thông tin, y tế và chăm sóc sức khỏe có tỷ trọng hàng đầu. Trong khi đó, nhóm tài chính chỉ chiếm gần 20%, không quá chênh lệch so với các lĩnh vực khác. Nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng rất nhỏ gần như không đáng kể.
Ngay trong khuc vực, Thái Lan dù chưa thể có một cơ cấu thị trường tiên tiến như Mỹ nhưng cũng đã khác biệt rõ rệt so với Việt Nam. Tỷ trọng nghiêng nhiều về các nhóm ngành thường được định giá cao có thể kể đến như tiện ích, viễn thông, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, năng lượng,...
Cơ cấu mất cân bằng tạo ra không ít trở ngại cho sự phát triển các sản phẩm đầu tư tài chính tại Việt Nam, điển hình như ETF. Thiếu cổ phiếu chất lượng ở nhiều lĩnh vực khác nhau khiến cho việc đa dạng hóa các bộ chỉ số đầu tư gặp khó khăn.
Hiện nay, đa phần các bộ chỉ số đều xoay quanh các cổ phiếu nhóm tài chính hoặc có thành phần khá tương đồng với VN30 – nơi mà nhóm tài chính cũng chiếm tỷ trọng lớn. Một số ít có sự khác biệt như rổ VNDiamond cũng gồm nhiều cổ phiếu ngân hàng với tổng tỷ trọng không nhỏ. Điều này phần nào đã kìm hãm sự phát triển của các quỹ ETF. Số lượng các ETF có sự gia tăng nhưng đa phần đều có quy mô nhỏ, danh mục không quá khác biệt và khó hút tiền.
Trong khi đó, sản phẩm được đánh giá sẽ góp phần gỡ bỏ rào cản cho khối ngoại khi tiếp cận với chứng khoán Việt Nam là NVDR vẫn còn nằm ở tương lai. Chưa tính đến vận hành phức tạp, riêng sự mất cân bằng về cơ cấu thị trường đã thu hẹp đáng kể lựa chọn của nhà đầu tư. Sản phẩm mới, hữu ích nhưng thiếu sự đa dạng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn ngoại.
Việc thiếu vắng các sản phẩm đầu tư khiến nhà đầu tư chứng khoán ít lựa chọn để rót vốn dài hạn. Định hướng nhà đầu tư coi chứng khoán như một kênh tích sản trở nên khó khăn. Vai trò của nhóm công ty chứng khoán trong việc quản lý tài sản không phát huy đầy đủ hiệu quả, ngoài các nghiệp vụ môi giới, tư vấn. Những mảng hoạt động này thực tế lại khó tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thanh khoản thị trường trồi sụt theo chu kỳ.
NVDR là một loại chứng chỉ lưu ký đặc biệt, được phát hành bởi một tổ chức thứ ba gọi là Tổ chức phát hành NVDR (một công ty con của sở giao dịch chứng khoán). Tổ chức này sẽ chuyển giao cho nhà đầu tư tất cả quyền lợi tài chính gắn liền với cổ phiếu như cổ tức, quyền mua cổ phiếu mới…, ngoại trừ quyền biểu quyết (trừ trường hợp biểu quyết về vấn đề hủy niêm yết cổ phiếu).
Ưu điểm đầu tiên và cũng là lý do NVDR ra đời đó là giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận với các cổ phiếu hết room ngoại. Giới hạn tỷ trọng sở hữu đối với khối ngoại từ lâu vẫn được xem là một trong những rào cản chính khiến nhà đầu tư nước ngoài khó tiếp cận với thị trường chứng khoán trong nước.
Nhịp Sống Thị Trường