Tỷ lệ dùng margin trên thị trường chứng khoán ở vùng đỉnh lịch sử, gấp đôi 5 năm trước dù VN-Index "dậm chân tại chỗ"
Margin trên thị trường chứng khoán từ lâu còn được xem là kênh thay thế một phần cho kênh ngân hàng, nhằm phục vụ các cổ đông lớn vay vốn thông qua việc thế chấp cổ phiếu thay vì chỉ là công cụ đòn bẩy cho nhà đầu tư chứng khoán.
Theo thống kê, lượng dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý 3/2023 tăng ấn tượng 15.000 tỷ lên ngưỡng 165.000 tỷ đồng, tương đương giai đoạn cuối quý 3 năm ngoái. Đây chủ yếu là dư nợ đến từ việc cho vay giao dịch ký quỹ (margin) với 159.000 tỷ đồng, còn lại là ứng trước tiền bán cho nhà đầu tư. Đây là quý thứ 2 liên tiếp dư nợ margin có sự gia tăng so với thời điểm cuối quý trước.
Tại cùng thời điểm 30/9/2023, vốn hoá hai sàn HoSE và HNX đạt hơn 4,93 triệu tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ Dư nợ cho vay/Vốn hoá hai sàn ước đạt khoảng 3,3%. Con số này tiếp tục tăng 0,1 điểm % so với thời điểm cuối quý 2 và ngày càng tiến sát với mức cao nhất được ghi nhận trong giai đoạn quý 3/2022 (3,4%). Cần lưu ý, phần lớn dư nợ cho vay trên thị trường hiện là cho vay margin.
So sánh với điểm số thị trường, tỷ lệ dư nợ margin/vốn hóa thị trường tiến sát vùng đỉnh trong bối cảnh VN-Index loanh quanh trong việc giữ mốc 1.100 điểm. Nhìn rộng ra trong giai đoạn đầu năm 2018, chỉ số chính sàn HoSE cùng ở ngưỡng điểm tương đương song tỷ lệ dư nợ margin/vốn hóa thị trường chỉ khoảng 1,5%. Như vậy có thể thấy, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang mạnh dạn hơn trong việc vay nợ để đầu tư dù VN-Index “dậm chân tại chỗ”.
Đáng nói, số dư nợ margin chưa bao gồm cho vay 3 bên hay các "kho" chưa được thống kê. Ngoài ra, sau giai đoạn nửa đầu quý 3 thị trường vô cùng sôi động khi VN-Index lên đỉnh ngắn hạn, thị trường chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong tháng 9 kéo theo hoạt động bán giải chấp "call margin" đưa dư nợ xuống mức thấp hơn đôi chút. Do đó, nếu xét trong quý 3, khả năng cao có những thời điểm tỷ lệ cho vay của các CTCK/vốn hóa thị trường đã chạm, thậm chí vượt xa vùng đỉnh lịch sử.
Lãi suất thấp kích thích nhu cầu sử dụng margin
Sử dụng đòn bẩy (margin) là một trong nhưng công cụ đắc lực giúp nhà đầu tư gia tăng nhanh tài khoản của mình nếu sử dụng hợp lý, đẩy thanh khoản lên mức dồi dào và tạo động lực cho đà đi lên về điểm số của thị trường chung. Lượng margin trên sàn chứng khoán được dự báo còn có thể tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới trong bối cảnh lãi suất giảm và nhà đầu tư rậm rịch trở lại kênh đầu tư chứng khoán. Tính tới cuối tháng 9/2023 tổng số đã vượt mức 7,76 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 8% dân số.
Môi trường lãi suất hạ nhiệt góp phần giảm chi phí vốn, giúp các công ty chứng khoán có thêm dư địa để giảm lãi suất margin. Nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra các gói ưu đãi lãi suất, chính sách hấp dẫn nhằm kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Ngoài ra, sự thuận lợi hơn về công nghệ cộng thêm việc các công ty chứng khoán chủ động huy động vốn mở rộng dư địa cho vay cũng giúp đáp ứng dễ dàng hơn nhu cầu margin của thị trường.
Cần lưu ý margin tăng quá cao cũng có thể mang tới rủi ro, bởi lẽ chỉ một nhịp điều chỉnh mạnh sẽ có thể dễ dàng kéo theo hiện tượng "call margin", từ đó gây áp lực ngược trở lại thị trường, dễ khiến thị trường giảm sâu hơn.
Dư nợ margin tăng tốc nhưng thanh khoản “mất hút”
Tuy nhiên, điểm đối nghịch là dù lượng vay margin tăng nhưng thanh khoản thị trường không thực sự tích cực, thậm chí nhiều phiên VN-Index tăng điểm song ghi nhận giá trị giao dịch thấp kỷ lục nhiều tháng khiến phát sinh câu hỏi “liệu dòng tiền đã đi đâu?”.
Theo ý kiến của ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC , một xu hướng đã hình thành và tiếp tục diễn biến là việc dòng tiền lớn trên thị trường đang co về hoạt động cơ cấu tài sản và tham gia thị trường tái cấu trúc. Thực tế, dư nợ margin trên thị trường chứng khoán từ lâu còn được xem là kênh thay thế một phần cho kênh ngân hàng, nhằm phục vụ các cổ đông lớn vay vốn thông qua việc thế chấp cổ phiếu thay vì chỉ là công cụ đòn bẩy cho nhà đầu tư chứng khoán.
Thị trường tài chính Việt Nam đang dần ổn định trở lại nhờ những nỗ lực từ các cơ quan quản lý. Tuy nhiên điều này đồng nghĩa áp lực sẽ có thể được “đẩy” về tương lai. Do đó, chủ đề đáng lưu tâm nhất của thị trường tài chính năm 2024 sẽ liên quan tới việc cơ cấu nợ đến từ nợ trái phiếu, nợ xấu ngân hàng và cả nợ vay margin trên thị trường.
Theo quan sát của vị chuyên gia tới từ DSC, càng đến giai đoạn cuối năm 2023 và bước dần sang năm 2024, hoạt động mua bán sáp nhập tại các doanh nghiệp càng sôi động cho thấy diễn biến trên thị trường cơ cấu tài sản cũng ngày càng diễn ra rõ nét và quy tụ những luồng tiền có thể xem là trụ cột trên thị trường.
Trong các quý vừa qua, ngoài một số doanh nghiệp đã gia hạn thành công kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu thì còn không ít doanh nghiệp vẫn rơi vào trạng thái không có khả năng thanh toán, dẫn đến chậm trả gốc- lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp lớn loay hoay giải bài toán thanh khoản, cơ cấu tài sản. Nhiều doanh nghiệp thuộc những mảng rất quan trọng của thị trường và trong trạng thái buộc phải dành nguồn lực cơ cấu.
Nhịp Sống Thị Trường