MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ lệ nợ xấu lên tới 7,31% nếu tính cả nợ được cơ cấu lại

30-12-2021 - 09:56 AM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ lệ nợ xấu lên tới 7,31% nếu tính cả nợ được cơ cấu lại

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 7,31%.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 diễn ra vào chiều ngày 29/12, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm và vẫn còn đang diễn biến phức tạp đã, đang và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ.

Theo Phó Thống đốc, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu hiện vào khoảng 7,31%. Trước đó, con số ước tính được ông Tú đưa ra tại buổi họp báo ngày 28/12 là 8,2%, tuy nhiên sau khi ước tính lại trên tổng tín dụng tăng, tỷ lệ nợ xấu ước tính đã giảm tương ứng.

‘’Điều này khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các TCTD’’, Phó Thống đốc nhận định.

Cũng theo đại diện NHNN, tính đến 29/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,97% với tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,38 triệu tỷ đồng. Hết năm 2021, con số này ước đạt 13,5% - 14%. Năm 2022, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Trong năm 2022, Phó Thống đốc dự kiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài làm cho năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, ảnh hưởng khả năng trả nợ đúng hạn, khách hàng khó đáp ứng điều kiện vay vốn khiến việc xem xét cho vay mới gặp khó khăn (nếu tạo điều kiện cho khách hàng sẽ dễ dẫn đến việc nới lỏng điều kiện vay vốn, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu và ngược lại).

Bên cạnh đó, việc thẩm định, giải ngân tín dụng, thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục xử lý nợ và việc trả nợ ngân hàng của khách hàng cũng gặp khó khăn khi thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, kể cả giãn cách cục bộ.

Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tiền tệ - ngân hàng đã được chú trọng và hoàn thiện nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều quy định tại các văn bản quy phạm, kể cả Luật, có nhiều bất cập, chồng chéo, nhất là một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ thẩm quyền trong việc cơ cấu lại các TCTD, xử lý các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu, hoạt động tín dụng tiêu dùng, các lĩnh vực chuyển đổi số của NHNN cũng như các Bộ, ngành có liên quan.

Trên cơ sở dự báo trên, ông Tú cho biết NHNN sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn (dưới 3%).

Bên cạnh đó, NHNN cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo "Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Quốc Thụy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên