Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu bất ngờ tăng vọt, tháng 5 huy động gần 30 nghìn tỷ đồng
Tính chung từ đầu tháng đến 24/5, Kho bạc gọi thầu 32.500 tỷ đồng trái phiếu thì trúng thầu 29.533 tỷ đồng, tỷ lệ thành công gần 91%...
Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 29.533 tỷ đồng so với con số gọi thầu 32.500 tỷ đồng.
VnEconomy cập nhật từ thị trường cho thấy, trong tháng 4/2021, thông qua 16 đợt đấu thầu trái phiếu được tổ chức tại HNX, Kho bạc Nhà nước huy động tổng cộng 26.302 tỷ đồng trái phiếu, tăng 215% so với tháng 3/2021 và tăng tới hơn 756% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu cũng tăng mạnh lên mức 85%, trong khi trước đó có nhiều phiên tỷ lệ này chỉ khoảng 20-30%.
Bên cạnh đó, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước tăng từ 0,05 - 0,06%/năm tại các kỳ hạn 5, 10 và 15 năm, giữ nguyên tại các kỳ hạn 20 và 30 năm. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm có giá trị trúng thầu lớn nhất trong các kỳ hạn phát hành.
Mức độ sôi động của tháng 4 được kéo dài sang tận những tuần tháng 5. Cụ thể, tuần từ 10/5-14/5, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 10,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu, đây là lượng gọi thầu lớn nhất từ đầu năm đến nay. Thị trường sơ cấp sôi động khi tỷ lệ đăng ký tăng mạnh lên 320% và toàn bộ được phát hành hết, tức tỷ lệ trúng thầu lên tới 100%.
Sang đến tuần 17/5 – 21/5, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 11.497/12.000 tỷ đồng trái phiếu gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 96%). Tính chung từ đầu tháng đến 24/5, Kho bạc gọi thầu 32.500 tỷ thì trúng thầu 29.533 tỷ đồng, đạt tỷ lệ thành công rất cao.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos tuần qua đạt trung bình 10.106 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 9.298 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Tuần từ 10/5-14/5, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 10,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu, đây là lượng gọi thầu lớn nhất từ đầu năm đến nay. Thị trường sơ cấp sôi động khi tỷ lệ đăng ký tăng mạnh lên 320%.
Theo nhận định của các chuyên gia, kết quả trên cho thấy mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và Bộ Tài chính vẫn là giải ngân đầu tư công tập trung vào chất lượng. Bởi vậy, Kho bạc Nhà nước không quá vội vã trong việc phát hành mà thay vào đó điều chỉnh và phân bố hoạt động đấu thầu một cách hợp lý.
Cùng kỳ năm ngoái, Kho bạc Nhà nước cũng chỉ huy động được 36 nghìn tỷ đồng/300 nghìn tỷ đồng gọi thầu (hoàn thành 12% kế hoạch năm) chủ yếu do hoạt động phát hành bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 lần thứ nhất.
Đánh giá về sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ nói chung, đại diện Kho bạc Nhà nước nhận định, thị trường trái phiếu chính phủ đã có sự hỗ trợ hiệu quả cho Chính phủ cũng như giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Lãi suất phát hành duy trì ở mức thấp trên tất cả các kỳ hạn, giúp tiết kiệm chi phí sử dụng vốn cho Chính phủ. Đáng chú ý, kỳ hạn bình quân trái phiếu phát hành qua đấu thầu đạt trên 10 năm, đem lại sự chủ động và ổn định trong hoạt động đầu tư phát triển các dự án trọng điểm và dài hạn của Chính phủ.
Trong quý 2/2021, Kho bạc Nhà nước đưa ra kế hoạch sẽ đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua HNX với tổng mức phát hành là 100 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Khối lượng còn lại trong quý của hai tháng 5 và 6/2021 là gần 74 nghìn tỷ đồng, trung bình mỗi tháng phải huy động khoảng 37 nghìn tỷ đồng, tức là tăng 40% so với khối lượng của tháng 4.
Riêng trong tháng 5, ước tính có khoảng 23,4 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ đáo hạn nên nhu cầu tái đầu tư của các ngân hàng và công ty bảo hiểm khá lớn, thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến sôi động.
Tuy nhiên, thị trường nhận định, trong các tháng tiếp theo, Kho bạc Nhà nước cũng sẽ tiếp tục linh hoạt trong việc điều chỉnh khối lượng các kỳ hạn phù hợp với tình hình và nhu cầu sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước.
VnEconomy