Tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc tăng chóng mặt
Tổng số nợ trái phiếu không trả được của doanh nghiệp Trung Quốc trong 6 tháng lên mức 3,8 tỷ USD. Con số này của cả năm 2018 chắc chắn cao hơn mức kỷ lục từng được thiết lập năm 2016.
- 16-11-2017Doanh nghiệp Trung Quốc đổ tiền giành nhân sự giỏi của Nhật như thế nào?
- 28-09-2017Đối mặt với làn sóng cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp Trung Quốc, các nước nên làm gì?
- 10-08-2017Kế hoạch ngàn tỉ nhân dân tệ cứu doanh nghiệp Trung Quốc
Tỷ lệ vỡ nợ trong doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng nhanh, giờ đây tình trạng vỡ nợ này đang lan ra cả những trái phiếu bằng ngoại tệ, chủ yếu được nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua gom.
Trong khoảng thời gian 6 tháng tính đến hết tháng 6/2018, các công ty đã không thể trả nợ ít nhất 3,19 tỷ USD trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ và 350 triệu USD trái phiếu bằng đồng USD, tỷ lệ vỡ nợ như vậy đã tăng đến 40% so với cùng kỳ năm trước.
Chiến dịch giảm nợ của chính phủ Trung Quốc và quyết tâm thu hẹp hoạt động của hệ thống ngân hàng ngầm mà chính phủ đưa ra đã khiến nhiều doanh nghiệp thiếu tiền.
Tập đoàn CEFC Shanghai International Group đã không trả được 2,1 tỷ nhân dân tệ tiền nợ trái phiếu trong tháng trước, và dự kiến sẽ không xoay nổi tiền để trả nợ 2 tỷ nhân dân tệ nợ trái phiếu khác đáo hạn cuối tháng 6/2018.
Tổng số nợ trái phiếu không trả được của doanh nghiệp Trung Quốc trong 6 tháng lên mức 3,8 tỷ USD. Con số này của cả năm 2018 chắc chắn cao hơn mức kỷ lục từng được thiết lập năm 2016.
Trong nỗ lực bình ổn nền kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã chấp nhận cho nợ doanh nghiệp tăng cao cho đến Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào mùa thu năm ngoái.
Từ đó đến nay, chính phủ Trung Quốc rất cố gắng giải quyết tình trạng này, chính phủ gây áp lực buộc các ngân hàng hạn chế bớt các khoản vay vốn chỉ để giúp duy trì hoạt động của doanh nghiệp đang "thoi thóp".
Cũng trong tháng 4/2018, chính phủ Trung Quốc đồng thời công bố bản thảo cuối cùng của quy định giúp hạn chế bớt hoạt động của hệ thống ngân hàng ngầm. Khi mà các bên tham gia trong hệ thống cố gắng tuân thủ, nguồn cung tín dụng dành cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân giảm nhanh trong hai tháng qua, tình trạng thiếu tiền mặt trở nên tồi tệ hơn.
Tình trạng tín dụng thắt chặt và việc căng thẳng thương mại với Mỹ tăng cao đang gây sức ép lên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,4% xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm là 2.875 điểm. Nhìn chung, nhà đầu tư cho rằng việc tỷ lệ vỡ nợ tăng cao phản ánh những yếu tố ví như thanh khoản ngày một tồi tệ và nền kinh tế hạ nhiệt.
Việc tỷ lệ vỡ nợ đối với trái phiếu được định giá bằng ngoại tệ tăng, loại trái phiếu này chủ yếu được mua gom bởi nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy hiện đang có quá nhiều vấn đề tồi tệ trên thị trường. Doanh nghiệp Trung Quốc đã phát hành quá nhiều trái phiếu bằng ngoại tệ trong năm nay, họ phải tìm đường huy động tiền ở nước ngoài khi điều kiện trong nước ngày một khó khăn hơn.
BizLIVE