MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú Đài Loan với triết lý kinh doanh đủng đỉnh lạ thường tiết lộ 3 từ khiến ông quyết định chọn Việt Nam để đầu tư lớn

26-09-2021 - 16:16 PM | Tài chính quốc tế

Tỷ phú Đài Loan với triết lý kinh doanh đủng đỉnh lạ thường tiết lộ 3 từ khiến ông quyết định chọn Việt Nam để đầu tư lớn

"Tôi chỉ muốn được ngủ thật ngon mỗi đêm", vị tỷ phú này trả lời đơn giản khi được hỏi vì sao ông không hề tỏ ra sốt ruột khi các đối thủ liên tục khuếch trương quy mô kinh doanh.

Tháng 6/2015, công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester tại Khu công nghiệp đô thị Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng, Bình Dương) có diện tích 99 ha với số vốn đăng ký đầu tư giai đoạn I là 274 triệu USD.

Đây là nhà máy lớn thứ 3 trên thế giới sau nhà máy tại Trung Quốc và Đài Loan của Tập đoàn Far Eastern Group có quy mô toàn cầu của Đài Loan với 10 ngành nghề đầu tư hiện nay.

Chỉ một năm sau đó, vào tháng 10/2016, đích thân chủ tịch tập đoàn là ông Douglas Hsu đã sang Việt Nam và đến Bình Dương để tìm hiểu các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh nhằm mở rộng quy mô hoạt động tại địa phương này với định hướng sản xuất những sản phẩm thông minh thuộc các lĩnh vực may mặc và linh kiện điện tử.

Và gần đây nhất, vào ngày 21/5/2021, công ty TNHH Polytex Far Eastern đã đón Giấy chứng nhận điều chỉnh tăng thêm 610 triệu đô la Mỹ để mở rộng năng lực sản xuất các sản phẩm xơ tổng hợp polyester, sản phẩm kéo sợi cotton.

Như vậy, kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư cách đây 6 năm với số vốn đăng ký ban đầu chưa tới 300 triệu USD, sau hai lần điều chỉnh tăng vốn, đến nay tập đoàn Far Eastern Group đã nâng tổng vốn đầu tư vào khu sản xuất của mình ở tỉnh Bình Dương lên đến 1,37 tỷ đô la.

Tỷ phú Đài Loan với triết lý kinh doanh đủng đỉnh lạ thường tiết lộ 3 từ khiến ông quyết định chọn Việt Nam để đầu tư lớn - Ảnh 1.

Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Bình Dương là thành viên của Tập đoàn Far Eastern Group Đài Loan (Ảnh: E-Invoice)

Là một trong những dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp dệt may có quy mô lớn của tập đoàn Far Eastern đầu tư vào Việt Nam, hiện công ty có hơn 2.000 chuyên gia, công nhân, người lao động được đào tạo và có tay nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại trong chiến lược ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại trong phát triển sản xuất kinh doanh của công ty này.

Tại Việt Nam, bên cạnh công ty Polytex Far Eastern, tập đoàn Far Eastern Group còn sở hữu 2 công ty khác là Công ty TNHH Apparel Far Eastern có trụ sở tại tỉnh Bình Dương và Công ty TNHH New Apparel Far Eastern có trụ sở tại tỉnh Bình Phước chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu.

Tỷ phú Đài Loan với triết lý kinh doanh đủng đỉnh lạ thường tiết lộ 3 từ khiến ông quyết định chọn Việt Nam để đầu tư lớn - Ảnh 2.

"Sau nhiều năm khảo sát ở các nước, Tập đoàn chúng tôi quyết định chọn Bình Dương và Bình Phước để đầu tư và sẽ xây dựng các nhà máy hiện đại nhất Việt Nam", ông Douglas Hsu, Tổng GĐ Tập đoàn Far Eastern Group nói, và nhấn mạnh rằng, Việt Nam luôn là điểm đến ổn định, lý tưởng và phát triển.

Làm giàu bằng tư duy "chậm mà chắc"

Tập đoàn Far Eastern có giá trị thương hiệu hơn 85 tỷ USD, hoạt động với 10 ngành nghề kinh doanh chính và hơn 200 công ty cùng hơn 80.000 nhân viên tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với những thị trường chính như Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Nhật Bản và Mỹ. Toàn bộ "cỗ máy khổng lồ" này được vận hành dưới bàn tay chỉ huy tài ba của ông Douglas Hsu, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn.

Đây chính là nhân vật đứng đầu danh sách gồm 12 doanh nhân và tổ chức xuất sắc của Đài Loan được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng tinh thần doanh nhân châu Á – Thái Bình Dương 2019 (Asia Pacific Entrepreneurship Awards 2019 – APEA 2019) với giải thưởng Thành tựu Đặc biệt (Special Achievement Award). Còn trên bảng xếp hạng 50 người giàu nhất Đài Loan năm 2021 do tạp chí Forbes công bố thì vị tỷ phú 79 tuổi này xếp thứ 16 với khối tài sản ròng 2,5 tỷ USD.

Khi được hỏi bí quyết đã giúp ông thành công trong hơn 20 năm chèo lái tập đoàn qua nhiều giai đoạn thăng trầm, người đàn ông này chỉ dùng đúng một câu nói thể hiện tư duy quản trị của mình, đó là: "Duy trì sự bền vững".

Tỷ phú Đài Loan với triết lý kinh doanh đủng đỉnh lạ thường tiết lộ 3 từ khiến ông quyết định chọn Việt Nam để đầu tư lớn - Ảnh 3.

Ông Douglas Hsu khởi đầu sự nghiệp chuyên môn của mình tại ngân hàng Citibank ở thành phố New York (Mỹ) trước khi trở về Đài Loan và gia nhập Far Eastern Group vào năm 1971. 8 năm sau đó, ở tuổi 38, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch công ty Far Eastern Textiles như là một bước đệm để tôi luyện nhằm chuẩn bị cho việc tiếp quản tập đoàn về sau.

Con đường học vấn "đậm chất Mỹ" của ông với tấm bằng cử nhân và thạc sĩ của Đại học Notre Dame, bang Indiana (Mỹ) và chương trình sau đại học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Columbia (Mỹ) đã thể hiện rõ điều đó. Ngoài ra, ông còn được trao bằng tiến sĩ danh dự về quản lý của Đại học Quốc gia Chiao Tung (Đài Loan) vào năm 2002.

Một trong những sở thích của ông Douglas Hsu khi còn trẻ chính là lặn biển, một hoạt động thể thao đòi hỏi sự tập trung và thận trọng ở mức cao độ cùng với những nguyên tắc đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Và vì vậy, như ông từng tiết lộ, việc định hướng và dẫn dắt một tập đoàn với hơn 230 công ty con và 50.000 nhân viên không khác gì việc lặn xuống một vùng nước đen kịt sâu hun hút tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường mà bản thân ông phải nỗ lực để có thể vượt qua.

Điều này là có thật khi trong quá khứ, công ty viễn thông FarEasTone, một thành viên của tập đoàn Far East Group, đã từ lâu vẫn chỉ mãi dẫm chân ở vị trí thứ 3 trong ngành công nghiệp viễn thông của xứ Đài với con số khách hàng lẫn lợi nhuận ở mức khiêm tốn. Các nền tảng kinh doanh khác của ông Douglas Hsu cũng đã từng phải rơi vào tình trạng "trầy trật" bởi luôn phải đứng ở vị trí "hít khói" khi so sánh với những đối thủ khác trong cùng lĩnh vực.

Nhiều nhà quan sát trong lĩnh vực kinh tế có hiểu biết về cấu trúc vận hành doanh nghiệp của Far Eastern Group đều có chung nhận xét rằng, tập đoàn này chưa bao giờ sẵn sàng đón nhận rủi ro trong công việc làm ăn của mình. Theo đó, hầu hết các công ty thành viên đều không hề vội vã với phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" như các doanh nghiệp khác thường làm mà luôn duy trì thực hiện chiến lược "đi chậm lượm hoa rơi". Hay nói một cách hình tượng thì Far Eastern Group không khác gì một cậu học sinh xếp đâu đó ở lưng chừng chứ không thuộc nhóm đầu hay nhóm cuối của lớp học.

Chẳng hạn như, trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi cửa hàng, họ chưa bao giờ vượt qua được tập đoàn Shin Kong đầy tiếng tăm ở Đài Loan. Với lĩnh vực viễn thông như đã đề cập ở trên, họ cũng luôn đứng sau lưng công ty di động Taiwan Mobile; còn khi nhắc đến việc kinh Doanh chuỗi siêu thị thì Far East Group còn lâu mới đứng chung hàng với "vua siêu thị" RT Mart.

Vậy nên câu hỏi đặt ra là, tại sao các doanh nghiệp khác không ngừng khuếch trương quy mô kinh doanh của mình càng nhanh càng tốt trong khi ông Douglas Hsu lại không hề tỏ ra vội vã hay sốt ruột gì cả?

"Tôi chỉ muốn được ngủ thật ngon mỗi đêm", ông chủ của tập đoàn Far Eastern Group chỉ trả lời một cách đơn giản như vậy khi được thời báo kinh doanh CommonWealth đặt câu hỏi trong một lần phỏng vấn.

"Nhiều người thường bảo rằng, tôi là một kẻ bảo thủ. Và rằng, tại sao tôi không chạy thật nhanh để có thể nhân đôi, nhân ba phạm vi kinh doanh của mình. Câu trả lời là: Giá trị cổ phiếu tăng cao không phải là ưu tiên cao nhất của tôi. Tính bền vững mới là mục tiêu lâu dài mà tôi hướng tới", ông Douglas Hsu nhấn mạnh.

Tỷ phú Đài Loan với triết lý kinh doanh đủng đỉnh lạ thường tiết lộ 3 từ khiến ông quyết định chọn Việt Nam để đầu tư lớn - Ảnh 4.

"Tính bền vững và đổi mới là chìa khóa của sự thành công lâu dài"

Thận trọng là một trong những đức tính đã được hun đúc thành truyền thống của Far Eastern Group. Nó luôn chảy trong huyết mạch của tập đoàn này ngay từ những ngày đầu khi vừa được lập nên bởi nhà sáng lập Yu-Ziang Hsu vào năm 1940 ở Trung Quốc, và sau này được con trai là Douglas Hsu kế thừa cùng với "gia vị" đậm kiểu Mỹ mang tên "sự đổi mới".

"Đổi mới khoa học và công nghệ tạo ra cơ hội kinh doanh, cũng như sức cạnh tranh toàn cầu. Khi mô hình tiêu dùng và đối thủ cạnh tranh đang thay đổi, thì chúng ta buộc phải kiên trì đổi mới và phát triển để duy trì sự tồn tại của mình. Các công ty do chúng tôi sở hữu không còn có thể hoạt động như một thực thể độc lập. Tình hình sẽ còn phức tạp và thách thức hơn nữa với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT)", ông Douglas Tong Hsu nhận định

"Đế chế" sản xuất và kinh doanh vải, hóa sợi Far Eastern New Century lớn nhất châu Á do ông Douglas Hsu làm chủ đã thể hiện một cách sinh động tinh thần này. Đây là một doanh nghiệp thân thiện với môi trường thông qua thực hành tái chế bao bì rác thải nhựa (R-PET) trên toàn bộ dây chuyền sản xuất của mình.

Và trong khi nhiều nhãn hàng thời trang quốc tế vẫn đang ngụp lặn trong mớ bòng bong của những lời chỉ trích nặng nề vì lạm dụng hóa chất và tạo ra lượng rác thải nhựa cho môi trường thì doanh nghiệp của ông Douglas Hsu vẫn kiên trì với sứ mệnh của một "doanh nghiệp xanh" bằng cách nghiên cứu và phát triển các giải pháp sản xuất thân thiện với môi trường.

Tỷ phú Đài Loan với triết lý kinh doanh đủng đỉnh lạ thường tiết lộ 3 từ khiến ông quyết định chọn Việt Nam để đầu tư lớn - Ảnh 5.

"Trong thế giới đầy bất ổn và thay đổi nhanh đến chóng mặt này thì sáng tạo không còn là sự lựa chọn mà là con đường sống của chúng tôi", ông Douglas Hsu nói (Ảnh: APEA Asia)

Theo ông Douglas Hsu thì trong tương lai, nguyên liệu để làm ra sợi vải không nên chỉ dựa vào nguồn than đá, dầu mỏ hay khí đốt. Thay vào đó, nên lấy từ các nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên từ các loại cây trồng do con người trồng và chăm sóc để khai thác lấy sợi.

"Các doanh nghiệp cần nhận ra rằng, tính bền vững luôn là cách tiếp cận đúng đắn trong sản xuất kinh doanh", ông Douglas Hsu phát biểu.

Far Eastern New Century chính là doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng các phương pháp mới để tái chế sản phẩm của mình để tạo thành nguyên liệu sản xuất cho công ty cũng như hợp tác với các hãng công nghệ của Mỹ để xây dựng nên hàng loạt công nghệ tạo ra sợi vải nhân tạo mà không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu truyền thống là dầu mỏ.

Nhờ sự nỗ lực bền bỉ trong suốt thời gian dài, năm 2016, ông Douglas Hsu được lãnh đạo Đài Loan trao tặng Huân chương Ngôi sao rực rỡ với Grand Cordon (tạm dịch: Dải băng lớn) vì những đóng góp của ông cho Đài Loan. Ông cũng được đánh giá là một trong những chuyên gia xuất sắc về phát triển doanh nghiệp bền vững và được trao Giải thưởng doanh nghiệp bền vững Đài Loan năm 2018. Ngoài ra, ông còn được vinh danh trong danh sách Top 50 CEO xuất sắc nhất Đài Loan của tạp chí Harvard Business Review trong liên tiếp 2 năm 2016 và 2018.

Quý 2/2020, nền kinh tế toàn cầu bị đứng khựng lại do sự tấn công của đại dịch Covid-19 khiến hàng loạt nhà sản xuất hàng may mặc phải chịu tác động nặng nề với cơn khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử đến nỗi phải bán tống bán tháo tài sản để tránh bị vỡ nợ. Tập đoàn Far Eastern Group cũng không thể đứng ngoài tầm ảnh hưởng của đại dịch.

"Chúng tôi buộc phải điều chỉnh khá nhiều cho chiến lược phát triển của mình, đồng thời phải nhìn thế giới với một viễn cảnh mới", ông Douglas Hsu nói. "Chúng tôi đang sẵn sàng để bước vào cuộc chạy đua đường dài kể cả khi đại dịch chưa chịu chấm dứt vào cuối năm sau".

Tỷ phú Đài Loan với triết lý kinh doanh đủng đỉnh lạ thường tiết lộ 3 từ khiến ông quyết định chọn Việt Nam để đầu tư lớn - Ảnh 6.

Tuy nhiên, vị chủ tịch tỷ phú này tỏ vẻ lạc quan khi nhìn thấy các cơ sở của mình ở Trung Quốc, Việt Nam, các nước Đông Nam Á "và nhiều nơi khác nữa" vẫn đang vận hành tốt trong tình hình dịch bệnh khó khăn hiện nay.

"Chúng tôi có thể không có tất cả các câu trả lời cho những gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng một điều tôi chắc chắn sẽ không thay đổi là Tập đoàn sẽ tuân thủ các giá trị cốt lõi của mình bằng cách thích ứng với các xu hướng mới, theo kịp và đối phó có hiệu quả các thách thức mới nhất, từ đó tạo ra động lực mới cho tăng trưởng và biến Tập đoàn thành mô hình của một doanh nghiệp toàn cầu hàng đầu", ông Douglas Tong Hsu nhấn mạnh trong một lần tiếp xúc với báo giới gần đây.

Theo Nguyễn Thuận

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên