MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú giàu nhất hành tinh tung nước cờ chưa từng có trong lịch sử Mỹ: Đó là gì?

24-10-2019 - 09:41 AM | Tài chính quốc tế

Động thái này thể hiện quyết tâm bảo vệ vị thế tiên phong của Mỹ trong sứ mệnh thám hiểm không gian sâu của loài người.

5 tháng sau ngày tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos tuyên bố kế hoạch chưa từng có trong lịch sử xét riêng cá nhân/công ty vũ trụ tư nhân: Đưa người đổ bộ Mặt Trăng sau năm 2020 tại Trung tâm Hội nghị Walter E. Washington, thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 9/5/2019, CEO của Amazon vừa có tuyên bố bất ngờ ngày 22/10 vừa qua.

Reuters cho biết, Công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos vừa ký thỏa thuận với Lockheed Martin Corp, Northrop Grumman Corp và Phòng thí nghiệm Draper để cùng nhau phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng GIÚP NASA nhanh chóng hoàn thành sứ mệnh cao nhất của cơ quan này: Đưa 2 phi hành gia (1 nam, 1 nữ) lên Mặt Trăng vào năm 2024.

"Tại đây, tôi rất vui mừng thông báo rằng, chúng tôi (gồm Blue Origin, Lockheed Martin Corp, Northrop Grumman Corp và Phòng thí nghiệm Draper) đang tập hợp một đội ngũ quốc gia để chung tay góp sức đưa Mỹ trở lại Mặt Trăng theo đúng hoạch định" - Tỷ phú Jeff Bezos tuyên bố tại Đại hội Hàng không Quốc tế ngày 22/10.

Hiện tại, 4 'ông lớn' này đang chuẩn bị kế hoạch phát triển tàu đổ bộ để đệ trình lên NASA theo Chương trình Mặt Trăng thế kỷ 21 mới của họ - Chương trình Artemis.

Tỷ phú giàu nhất hành tinh tung nước cờ chưa từng có trong lịch sử Mỹ: Đó là gì? - Ảnh 1.

Mỹ đang quyết tâm thực hiện sứ mệnh đưa người định cư vĩnh viễn tại Mặt Trăng. Ảnh: Internet

Tỷ phú Jeff Bezos gọi sự hợp tác này là hợp tác kỹ nghệ vũ trụ xuyên quốc gia bởi điều đặc biệt ở chỗ các đối tác đều ít nhiều ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của NASA trong sứ mệnh thám hiểm không gian của cơ quan này.

Đơn cử, Lockheed Martin đang phát triển riêng biệt tàu vũ trụ Orion (thuộc Chương trình Artemis) của NASA. Northrop Grumman thì giúp cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới này chế tạo tàu đổ bộ Mặt Trăng thuộc Chương trình Apollo vào những năm 1960. Còn Draper, một tổ chức nghiên cứu và phát triển phi lợi nhuận Mỹ, đã chế tạo máy tính điều hướng cho các tàu đổ bộ Mặt Trăng của Apollo Program.

Hiện tại, tàu vũ trụ Blue Moon - cỗ máy phi thường của tỷ phú Jeff Bezos đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, phục vụ cao nhất mục tiêu đưa người lên Mặt Trăng, tạo bàn đạp khám phá không gian sâu; cũng như tăng cường hợp tác với NASA, thúc đẩy chương trình không gian Mỹ lớn hơn nữa trong thế kỷ 21.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên NASA nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ các công ty vũ trụ tư nhân Mỹ trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh quyết tâm 'vĩ đại trở lại' dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Việc 4 'ông lớn' trong ngành nghiên cứu/sản xuất máy bay, vệ tinh, tên lửa Mỹ bắt tay cùng hỗ trợ NASA cho sứ mệnh đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng sau nhiều thập kỷ quốc gia này 'ngủ yên' là động thái mới nhất liên quan đến chương trình vũ trụ Mỹ.

Cùng điểm lại những sự kiện cho thấy quyết tâm giữ vững vị thế cường quốc vũ trụ qua các mốc thời gian sau:

- Ngày 26/3/2019:

Tại cuộc họp thứ năm của Hội đồng Vũ trụ Quốc gia, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence công bố kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump về sứ mệnh sẽ tái đổ bộ Mặt Trăng trong 5 năm nữa (vào năm 2024), sớm hơn 4 năm so với mục tiêu năm 2028 của NASA.

- Ngày 9/5/2019:

Tỷ phú Mỹ Jeff Bezos công bố kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng sau năm 2020 đồng thời ra mắt tàu đổ bộ Blue Moon. Tàu tuy nhỏ nhưng có tải trọng lớn lên tới 7 tấn, và sử dụng  động cơ BE-7 tối tân nhất của Blue Origin. Những động cơ mới này sẽ được cung cấp nhiên liệu Hydro lỏng (LH2) và Oxy lỏng (LOX).

- Ngày 13/5/2019:

Chia sẻ trên Twitter, Tổng thống Donald Trump nói: "Dưới chính quyền của tôi, NASA sẽ vĩ đại trở lại . Nước Mỹ sẽ quay lại Mặt Trăng, rồi sau đó đổ bộ sao Hỏa. Tôi đã thêm 1,6 tỷ USD cho NASA để nước Mỹ tái thiết lập kỳ tích vũ trụ vô tiền khoáng hậu ấy."

Với mức tăng viện trợ này, tổng mức chi tiêu cho NASA trong năm tài khóa 2020 lên tới 22,6 tỷ USD. Đây là mức chi tiêu cao nhất trong lịch sử mà một vị tổng thống dành cho NASA.

- Ngày 29/8/2019:

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra mắt Bộ tư lệnh Vũ trụ (SpaceCom), đồng thời tiến cử Tướng không quân John Raymond chỉ huy SpaceCom.

- Năm 2019-2024:

NASA đẩy mạnh Chương trình Artemis (tên nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, người em sinh đôi với thần Apollo) - chương trình thám hiểm Mặt Trăng thế kỷ 21 của NASA với mục tiêu lớn nhất: Đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng năm 2024, tạo bàn đạp đổ bộ sao Hỏa trong tương lai.

Lộ trình Chương trình Artemis: 

- Tích cực phát triển thế hệ tên lửa mạnh phiên bản mới mang tên Hệ thống phóng không gian (SLS - Space Launch System) nhằm đưa người lên Mặt Trăng và thám hiểm không gian sâu.

- Hoàn thiện tàu vũ trụ Orion phục vụ sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng.

- Năm 2020: NASA khởi động Artemis 1, nhằm thử nghiệm hệ thống tên lửa đẩy SLS và tàu vũ trụ Orion.

- Năm 2022: Thực hiện sứ mệnh Artemis 2 - sứ mệnh tiền đồn trước khi đổ bộ Mặt Trăng, đưa phi hành gia kết nối phi thuyền Gateway tại vùng quỹ đạo Mặt Trăng. Gateway đóng vai trò là ngôi nhà ngoài không gian của phi hành gia để sinh sống, làm việc, nghiên cứu Mặt Trăng kỹ lưỡng hơn.

- Năm 2024: Triển khai sứ mệnh Artemis 3, chính thức đưa người (2 phi hành gia) tái đổ bộ Mặt Trăng tại cực Nam vệ tinh này.

Bài viết sử dụng nguồn: Reuters, NASA

Theo Trang Ly

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên