Tỷ phú Mark Cuban chưa kiếm được bất kỳ lợi nhuận từ các khoản đầu tư tại Shark Tank
Theo một số chuyên gia, có vẻ như Shark Tank là chương trình thiên về sân khấu hơn là kinh doanh.
- 16-05-2022Tấm séc 500.000 USD từ tỷ phú Mark Cuban thay đổi cuộc đời một nhân viên cũ của Jeff Bezos
- 13-05-2022Tỷ phú Mark Cuban nói gì khi thị trường tiền điện tử lao dốc?
- 12-05-2022Tấm séc 500.000 USD từ tỷ phú Mark Cuban thay đổi cuộc đời một nhân viên cũ của Jeff Bezos
Mark Cuban là một doanh nhân và nhà đầu tư người Mỹ. Ông là chủ sở hữu đội bóng Dallas Mavericks của NBA, đồng sở hữu 2929 Entertainment và chủ tịch của AXS TV. Bên cạnh đó, ông cũng là một trong những "cá mập" chính của Shark Tank. Thời điểm hiện tại, ông sở hữu khối tài sản trị giá 4,7 tỷ USD.
Tên tuổi của ông càng được chú ý kể từ khi tham gia Shark Tank. Chắc hẳn, nhiều người cho rằng ông đã thu được không ít lợi nhuận từ khoản đầu tư vào các startup tham gia chương trình. Tuy nhiên, cách đây không lâu, tỷ phú 64 tuổi đã tiết lộ trong một podcast rằng về tổng thể, đến nay, ông chưa kiếm được lợi nhuận từ các khoản đầu tư trên.
Có thể nói, Shark Tank đã thu hút được không ít khán giả trên toàn thế giới nhờ các thương vụ đầu tư mạo hiểm thú vị. Mặc dù vậy, điều tạo nên một chương trình hay không phải lúc nào cũng tạo ra những khoản đầu tư và lợi nhuận tốt. Cuban chính là ví dụ không thể rõ ràng hơn.
Mark Cuban tại Shark Tank (Ảnh: Internet).
Theo thống kê của một trang web. Cuban đã đầu tư gần 20 triệu USD vào 85 công ty qua 111 tập của Shark Tank kể từ năm 2009. Còn trên trang web của Cuban, ông liệt kê 54 khoản đầu tư từ khi tham gia chương trình, loại bỏ những công ty không còn tồn tại. Một trong số đó là Breathometer – công ty mà vị tỷ phú gọi là khoản đầu tư tồi tệ nhất mà ông từng thực hiện.
Breathometer được nhà sáng lập quảng cáo như một thiết bị đo nồng độ cồn qua hơi thở bằng smartphone đầu tiên. Startup này đã làm nên lịch sử tại Shark Tank khi thuyết phục được cả 5 "cá mập" đồng đầu tư. Cụ thể, Mark Cuban, Kevin O’Leary, Daymond John, Lori Greiner và Robert Herjavec cùng đầu tư 1 triệu USD để đổi lấy 30% cổ phần Breathometer ở mức định giá 3,3 triệu USD.
"Đó là một ý tưởng và sản phẩm tuyệt vời. Nhưng sau đó, khi vào Instagram của người sáng lập, tôi thấy anh ta đang ở Bora Bora. 2 tuần trôi qua, anh ta ở Vegas tiệc tùng rồi bay tới Necker Island cùng Richard Branson.
Tôi nhắn tin rằng lẽ ra anh ta phải đang làm việc chứ thì nhận được câu trả lời là anh ta đang kết nối thêm để gọi vốn cho công ty. Tất cả những gì tôi biết sau đó là tất cả số tiền đã ra đi", Cuban kể lại.
Nhà sáng lập Breathometer (phải) và "cá mập" Lori Greiner (Ảnh: Internet).
Năm 2016, nhà sáng lập tuyên bố rời bỏ dự án Breathometer để phát triển sản phẩm có khả năng đo mức độ hợp chất lưu huỳnh trong miệng người dùng, từ đó đưa ra chẩn đoán tình trạng sức khỏe của họ.
Đến đầu năm 2017, nhà sáng lập và Breathometer bị kiện với cáo buộc lừa đảo người tiêu dùng về khả năng đo nồng độ cồn trong máu. Theo đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cho rằng Breathometer "thiếu các bằng chứng khoa học cho các khẳng định của mình trong quảng cáo". Kết quả là Breathometer đề nghị hoàn lại tiền cho bất cứ sản phẩm nào được bán ra trên thị trường từ năm 2013 đến năm 2015.
Theo một số chuyên gia, có vẻ như Shark Tank là chương trình thiên về sân khấu hơn là kinh doanh, ít nhất là dựa trên số liệu thống kê về các khoản đầu tư và lợi nhuận của "cá mập" Mark Cuban.
Trong một chia sẻ trên Twitter, Cuban viết: "Tôi không tham gia chương trình để có được những khoản đầu tư tốt nhất. Không phải lúc nào tôi cũng đầu tư vì nghĩ rằng mình sẽ kiếm được tiền. Đôi khi các quyết định của tôi hoàn toàn là để giúp đỡ người tham gia hoặc đơn giản là gửi đi một thông điệp nào đó".
Nguồn: TechCrunch
Nhịp sống kinh tế