MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và những cuộc lấn sân bất ngờ: Từ hàng không đến điện và dầu khí

09-09-2021 - 11:02 AM | Doanh nghiệp

Tập đoàn Sovico của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air đã có bước "lấn sân" ngoạn mục sang lĩnh vực mới khi tham gia phát triển và đầu tư các dự án điện đa dạng như Bắc Hà, Bình Điền, Đaksrong... Điều gì đã giúp người phụ nữ này làm nên những điều phi thường như vậy trên thương trường?

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn SOVICO của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất dự án đầu tư trung tâm điện khí LNG tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Sau khi xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đầu mối, hướng dẫn Công ty cổ phần Tập đoàn SOVICO thực hiện hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư trung tâm điện Khí LNG tại khu kinh tế Nghi Sơn, để báo cáo kết quả trước ngày 10/8.

Tập đoàn Sovico đã tham gia phát triển và đầu tư các dự án điện đa dạng như Bắc Hà, Bình Điền, Đaksrong,… Bên cạnh đó, Sovico cũng đang xem xét khả năng phát triển mảng nhiệt điện và điện mặt trời.

Một số dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam đang được triển khai cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các tập đoàn dầu khí nước ngoài.

Cụ thể, hồi tháng 10/2017, tập đoàn Sovico cùng với Petrovietnam cũng đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) tại lô 125-126 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam với Tập đoàn dầu khí SOCO International.

Theo kế hoạch, giếng khoan thăm dò đầu tiên tại lô dầu khí trong hợp đồng này sẽ được thực hiện vào năm 2021. Lô dầu khí 125-126 nằm tại bể Phú Khánh, ngoài khơi miền Trung, được đánh giá cao về tiềm năng dầu khí nhưng chưa có nhiều hoạt động khai thác.

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO LÀ AI?

Nguyễn Thị Phương Thảo là một nữ doanh nhân, tỷ phú trên cương vị là Tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank, Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico Holdings, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Phú Gia, Chủ tịch Công ty Địa Ốc Phú Long, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Đầu Tư Hướng Dương Sunny.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế và Tài chính, Tín dụng – Ngân hàng, Tiến sĩ Kinh tế. Bà là người Việt Nam thứ 2 được được Forbes - Tạp chí có bảng xếp hạng tỷ phú uy tín nhất thế giới - ghi nhận là tỷ phú đô la, chỉ sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang xếp vị trí 1.111 trong danh sách tỷ phú USD toàn cầu với tổng tài sản 2,8 tỷ USD và cũng là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và những cuộc lấn sân bất ngờ: Từ hàng không đến điện và dầu khí - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO VietJet Air.

Xuất thân là một Tiến sĩ kinh tế học, lĩnh vực chính là Tài chính – Ngân hàng nhưng chính ngành hàng không lại mang về cho bà Thảo danh hiệu nữ tỷ phú tự thân đầu tiên khu vực Đông Nam Á.

Nữ tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử với thị trường ngành hàng không nước nhà. Bà được công nhận là: "Người làm nên cuộc cách mạng hàng không Việt Nam với mục tiêu ai cũng có thể bay".

TIỂU SỬ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 trong gia đình gốc Hà Nội. Năm 17 tuổi, bà may mắn cơ hội đi du học Đại học ngành Kinh tế tài chính ở Moscow, Nga.

Trong thời gian là du học sinh, bà Thảo đã nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh không chỉ với thành tích học tập xuất sắc mà còn có tài kinh doanh thiên bẩm của mình. Năm 18 tuổi, bà đã bắt đầu tập tành kinh doanh, tiến bước vào thương trường khi còn là cô sinh viên năm 2.

Nhân cơ hội thị trường Đông Âu đang trong tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm, bà Thảo đã bắt đầu kinh doanh đủ thứ với số vốn rất khiêm tốn.

Bà trở thành nhà phân phối các sản phẩm từ quần áo, văn phòng phẩm đến hàng tiêu dùng, hàng điện tử, máy tính, máy fax, băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản của Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong, Đông Âu và bán lại ở Nga.

Song song với đó, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như thiết bị, sắt thép, phân bón…

Bà Thảo kể, thời đó, 8h sáng đi học, chiều về bà bắt đầu làm các công việc kinh doanh khác nhau. Hôm nào cũng 12h đêm mới về để ngồi thống kê sổ sách. Tận 2h sáng chị em cùng phòng mới lọ mọ nấu cơm, ăn tối. Ngủ chưa tròn giấc, 5h sáng lại gọi nhau dậy sắp xếp một số việc kinh doanh trước khi đi học.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và những cuộc lấn sân bất ngờ: Từ hàng không đến điện và dầu khí - Ảnh 2.

Nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam đã từng kiếm 1 triệu USD khi mới 21 tuổi.

Theo hãng tin Bloomberg, 3 năm sau đó, Nguyễn Thị Phương Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi. Trong bài phỏng vấn với Bloomberg, nữ tỷ phú chia sẻ bí quyết làm nên thành công của bà chỉ nằm ở hai chữ: "Trung thực".

Bà luôn thành thật với đối tác, nhà cung cấp sản phẩm. Bởi vậy, ngay cả khi bà không có nhiều tiền để lấy hàng, người ta vẫn tín nhiệm và trao hàng cho bà.

SỰ NGHIỆP TỶ PHÚ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Sau khi hoàn tất việc học của mình, bà đã quay trở về Việt Nam và góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank, sau đó là VIB, hai trong số ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài ra, nữ tỷ phú còn đầu tư vào bất động sản và lĩnh vực hàng không với vị trí Tổng giám đốc Vietjet Air.

Năm 2007, bà Phương Thảo nhận được giấy cấp phép thành lập Vietjet, tuy nhiên dự án phải hoãn lại vì giá dầu thời điểm này quá cao.

Năm 2010, bà Thảo liên doanh với hãng AirAsia, tuy nhiên mô hình liên doanh này cũng sớm đổ vỡ vì có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Năm 2011, thông qua tập đoàn Sovico của chồng bà thành lập hãng hàng không Vietjet và đi vào hoạt động.

Thời điểm này hãng hàng không Vietjet Air gây cú nổ lớn với dư luận việc quảng cáo là "hãng hàng không bikini", tuy rằng sau đó không được áp dụng nhưng đây là một hình thức quảng cáo hiệu quả, được nhiều người biết đến.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và những cuộc lấn sân bất ngờ: Từ hàng không đến điện và dầu khí - Ảnh 3.

Tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo gắn liền với hãng hàng không Vietjet Air.

Để xây dựng Vietjet Air tăng trưởng thần tốc như hiện nay, bà Thảo đã gặp rất nhiều khó khăn khi mới bắt đầu. Bà còn phải đứng trước áp lực cạnh tranh của các ông lớn như Vietnam Airlines và con mắt nghi ngờ của thị trường.

Với việc thực hiện "giấc mơ bay", nữ tủ phú từng chia sẻ: "Trước khi Vietjet tham gia thị trường, chỉ có 1% dân số được tiếp cận với phương tiện được cho là xa xỉ và chỉ dành cho người giàu này. Chúng tôi đã có quyết định rất đột phá là hướng tới những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, thậm chí chưa biết chữ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê của mình".

Năm 2013 Vietjet làm dư luận xôn xao khi VietJet của bà Phương Thảo đặt mua 100 chiếc máy bay của Airbus giá trị 9,1 tỷ USD.

Dưới bàn tay lãnh đạo tài tình của bà, Vietjet Air đã tăng trưởng thần tốc. Chỉ trong giai đoạn 2014 – 2016, hãng bay này đã chiếm 29% thị phần. Thành tích đáng nể này chính là nhờ sức tăng trưởng của ngành GTVT, và động lực từ kết quả kinh doanh của đối thủ Vietnam Airlines.

Ngày 23/5/2016, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hãng hàng không VietJet đã ký thỏa thuận mua 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 của tập đoàn đến từ nước Mỹ trị giá 11,3 tỷ USD. Theo đó, 100 máy bay 737 MAX 200 sẽ được Boeing giao cho Vietjet trong vòng 4 năm (2019 - 2023)

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và những cuộc lấn sân bất ngờ: Từ hàng không đến điện và dầu khí - Ảnh 4.

Bản hợp đồng mua 100 máy bay Boeing được Tổng giám đốc Boeing - Ray Conner trao cho Tổng giám đốc Vietjet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Năm 2017 Bà Phương Thảo được Forbes ghi nhận là nữ tỷ phú thế giới, là nữa tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Tính đến năm 2019, Vietjet đã chiếm hơn 40% thị phần nội địa, ghi nhận lãi kinh doanh ngay trong năm thứ 2 cất cánh.

Ngoài hàng không và ngân hàng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và khu nghỉ dưỡng.

Cụ thể, tháng 6/2021, tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất khảo sát, nghiên cứu làm các dự án gồm: khu logistic và công nghiệp hàng không Cần Thơ tại đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy (quy mô khoảng 1.650ha, giai đoạn 1 khoảng 350ha) và dự án khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền, huyện Phong Điền (quy mô khoảng 1.000ha).

Tháng 8/2021, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã "giải cứu" và cam kết rót vốn thực hiện dự án khách sạn – sân golf Hoàng Đồng hơn 1.000 tỷ đồng ở Lạng Sơn sau hàng chục năm bỏ hoang, nằm phơi sương nắng với hy vọng trong tương lai không xa, Lạng Sơn sẽ có dự án bất động sản kết hợp sân golf đẳng cấp.

GIA ĐÌNH BÀ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo xuất thân là một thành viên của thế hệ dòng họ Nguyễn Cảnh, với hơn 600 năm lịch sử, có nhiều đóng góp cho đất nước.

Chồng tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là ông Nguyễn Thanh Hùng sinh năm 1967, quê ở Bến Tre. Ông Hùng từng có bằng Kỹ sư Điện từ trường học Kharkov, Tiến sĩ chuyên ngành điều khiển tự động từ Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.

Ông Nguyễn Thanh Hùng là một trong những thanh niên thuộc thế hệ 6x từng lập nghiệp ở Đông Âu như ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang. Được biết, vợ chồng bà Thảo - ông Hùng là cặp vợ chồng người Việt giàu có khi còn ở Đông Âu.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và những cuộc lấn sân bất ngờ: Từ hàng không đến điện và dầu khí - Ảnh 5.

Nguyễn Thanh Hùng - Vị phu quân kín tiếng của tỷ phú Vietjet.

Ông cũng chính là nhà đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT của Sovico Hodings – Tập đoàn lớn đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực bao gồm: hàng không, tài chính ngân hàng, điện năng lượng và bất động sản ở Việt Nam.

Sovico Holdings hiện đang nắm giữ hàng loạt thương hiệu nổi bật tại Việt Nam như HDBank và Vietjet Air, đồng thời là sáng lập viên của VIB và Techcombank. Tập đoàn cũng là cổ đông lớn nhất của Vietjet, bà Phương Thảo được biết đến là CEO của hãng hàng không này, ông Hùng là Phó chủ tịch HĐQT.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Nguyễn Thanh Hùng có con trai tên là Nguyễn Phước Hùng Anh Victor, tên tiếng anh là Tommy Nguyễn.

Chia sẻ về con trai, bà Thảo kể: "Bạn ấy học ở trường phổ thông nội trú ở Anh, vẫn học tiếng Việt online với thầy Việt Nam, nhắn tin cho mẹ tiếng Việt có dấu và năm nay bạn dự thi vào khoa quản lý kinh tế của Đại học Oxford với bài luận mở đầu bằng câu 'mẹ tôi là một hình mẫu để tôi mong muốn phấn đấu noi theo'.

Con tự viết mà không chia sẻ gì với tôi. Khoa đó rất khó, chưa biết kết quả ra sao nhưng tôi cũng may mắn là bạn ấy học giỏi và tự lập. Sau này nếu bạn ấy kế nghiệp được thì tốt", nữ tỷ phú tự hào chia sẻ.

Đúng như ước muốn của mẹ, chàng thiếu gia nhà tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã khởi nghiệp và kinh doanh giống mẹ. Năm 2019, Tommy Nguyễn trở thành đồng sáng lập startup công nghệ SWIFT247 về mảng logistics, kỳ vọng bước ra châu Á với slogan của công ty: "Ship nước rút, kịp từng phút".

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và những cuộc lấn sân bất ngờ: Từ hàng không đến điện và dầu khí - Ảnh 6.

Tommy Nguyễn phát biểu trong lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa Vietjet, Swift247 và Grab nhằm phát triển các giải pháp kết nối di chuyển bằng đường bộ và đường hàng không cho khách hàng trên toàn khu vực Đông Nam Á, đồng thời cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa siêu hỏa tốc tại Việt Nam.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và những cuộc lấn sân bất ngờ: Từ hàng không đến điện và dầu khí - Ảnh 7.

Bà Thảo cùng con trai chụp ảnh kỷ niệm tại lễ ký kết.

Theo cập nhật mới nhất cho thấy Vietjet hiện đang là cổ đông chi phối nắm 67% vốn của Swift 247.

TÀI SẢN NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Theo thống kê của Forbes, tính đến ngày 9/7/2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet sở hữu khối tài sản ước tính 2,4 tỷ USD, và là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách tỷ phú USD của tạp chí danh tiếng này.

Phần lớn tài sản của bà Thảo đến từ số cổ phần đã niêm yết của Vietjet Air (mã chứng khoán VJC) sau khi hãng bay này IPO vào tháng 2/2017.

GIẢI THƯỞNG VÀ DẤU ẤN NỔI BẬT CỦA TỶ PHÚ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Tháng 11/2018, Tổng thống Singapore Halimah Yacob và Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN Robert Yap trao cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo hai giải thưởng Nữ doanh nhân xuất sắc tại khu vực ASEAN và Nữ doanh nhân xuất sắc Việt Nam.

Đến tháng 12/2018, Forbes chính thức vinh danh nữ doanh nhân của Vietjet Air trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Ngoài ra, Bloomberg cũng đánh giá bà là một trong 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu 2018, bên cạnh những nhân vật toàn cầu như Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ, Giám đốc tài chính của Microsoft, Ngoại trưởng Canada, Tổng thống Nam Phi…

Ngày 14/4/2021, Đại sứ Pháp tại Việt Nam - ông Nicolas Warnery đã trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Đây là huân chương do Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte sáng lập, lâu đời và danh giá bậc nhất của Nhà nước Pháp trao cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp đặc biệt.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và những cuộc lấn sân bất ngờ: Từ hàng không đến điện và dầu khí - Ảnh 8.

Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Vị Đại sứ tôn vinh những đóng góp của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, đánh giá cao tầm nhìn, trí tuệ và lòng nhân ái, triết lý kinh doanh vì sự phát triển của cộng đồng, thế hệ tương lai của nữ doanh nhân, cảm ơn các doanh nghiệp do bà dẫn dắt như Sovico, Vietjet, HDBank.. đã luôn đồng hành, hợp tác cùng các doanh nghiệp Pháp, người dân Pháp, đặc biệt trong suốt giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo Hải Yến

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên