Tỷ phú Quang tự tin VinCommerce, VinEco sẽ hết lỗ ngay năm 2020 và hoạt động độc lập với Masan Consumer
Mục tiêu của tập đoàn này muốn biến VinCommerce sẽ trở thành nhà bán lẻ số 1 ở thị trường Việt Nam. VinCommerce tiếp tục tôn trọng các chính sách làm việc, các điều khoản hợp đồng đã thống nhất với các đối tác kinh doanh.
- 06-12-2019VinMart & VinMart+ tạm dừng nhập hàng 1 – 2 ngày kiểm kê chuẩn bị sáp nhập với Masan
- 04-12-2019Thương vụ bom tấn của Vingroup và Masan: Hai tỷ phú Việt toan tính những gì?
- 03-12-2019Từ thương vụ chuyển giao Vinmart, Vinmart+ và VinEco cho Masan điều hành, thấy gì về xu hướng M&A Hàng tiêu dùng - Bán lẻ?
Một văn bản nội bộ được gửi đi vào ngày 17/12/2019 từ Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nguyễn Đăng Quang đến hai thành viên mới sáp nhập là CTCP Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce và CTCP TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco, cùng toàn thể nhân viên Masan.
Đây là lời động viên chia sẻ đầu tiên của lãnh đạo Masan đến nhân viên của tập đoàn sau thương vụ sáp nhập hoán đổi cổ phần giữa Tập đoàn Vingroup và tập đoàn Masan. Theo ông Quang, thương vụ này sẽ "giúp cho việc tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo ra một tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam".
Với tinh thần này, để tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, ban điều hành sẽ quyết định để các công ty VinCommerce, VinEco và Masan Consumer tiếp tục là các công ty hoạt động độc lập với nhau, nhưng sẽ tương hỗ nhau để cạnh tranh được trên thị trường bán lẻ đầy khốc liệt. VCM sẽ coi Masan Consumer như một đối tác, một nhà cung cấp bình đẳng như các nhà cung cấp khác. Masan Consumer cũng sẽ có các chính sách kinh doanh với VCM hoàn toàn bình đẳng với các chuỗi kinh doanh siêu thị đối tác khác.
Mục tiêu của tập đoàn này muốn biến VinCommerce sẽ trở thành nhà bán lẻ số 1 ở thị trường Việt Nam. VinCommerce tiếp tục tôn trọng các chính sách làm việc, các điều khoản hợp đồng đã thống nhất với các đối tác kinh doanh.
Masan có tham vọng sau khi về Masan một năm, VinCommerce sẽ hòa vốn ngay trong năm 2020 (Ebitda = 0) và bắt đầu có lãi từ năm 2021.
Theo ông Quang, việc sáp nhập này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hệ thống quản trị hiện tại của các công ty cũng như các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký kết với nhân viên của VinCommerce và VinEco, các nhân viên hai công ty này sẽ tiếp tục hưởng và dy trì quyền lợi cũ như ở Vingroup trong thời gian hiện nay. Ngoài ra, các nhân viên này sẽ được hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan, như được tham gia Chương trình ưu đãi đặc quyền dành cho nhân viên theo giá vốn.
Chốt thư, Chủ tịch Masan mong nhân viên các công ty ổn định công tác, "để cùng nhau có một năm 2019 thật thành công và lấy đà cho năm 2020 đại thắng".
Hệ sinh thái bán lẻ của Vingroup và Masan
Trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã phản ứng rất mạnh với thông tin Masan Consumer nhận sáp nhập hai công ty của Vingroup, giá cổ phiếu MSN trên sàn đã giảm mạnh từ 70.000 đồng/cp xuống còn 55.000 đồng/cp (giảm sàn 3 phiên liên tiếp ngay tại thời điểm công bố khiến vốn hóa của MSN giảm 7.600 tỷ đồng). Thị trường lại phản ứng ngược lại với giá cổ phiếu Masan vì cho rằng, mảng kinh doanh bán lẻ của Vingroup lỗ 5.000 tỷ/năm và Masan sẽ phải gánh lỗ cho Vingroup.
Ở một góc độ khác, Masan vừa đưa công ty MeatLife lên sàn với tham vọng sẽ trở thành một Vinamilk trong ngành thịt và chiếm 10% thị phần thịt 10 tỷ USD vào năm 2022. Như vậy Masan vừa kinh doanh hàng tươi sống và hàng tiêu dùng, cũng như sở hữu các công ty đồ uống nước giải khát, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống bán lẻ. Trước sự xâm lấn của các ông lớn toàn cầu trong ngành bán lẻ, cả online và offline, Masan buộc phải tự xây dựng kênh phân phối của riêng mình. Nhưng với giá bất động sản như hiện nay, để bắt đầu xây dựng hệ thống bán lẻ từ con số 0 rất mất nhiều thời gian và chi phí, do đó việc Masan nhận lại hệ thống bán lẻ của Vingroup được giới đầu tư đánh giá là một bước đi khôn ngoan để hoàn thiện hệ sinh thái trong ngành tiêu dùng.
Trước đó, Phó Tổng giám đốc Masan Nguyễn Anh Nguyên tại diễn đàn công nghệ của FPT đã từng chia sẻ về tầm quan trọng của hệ thống phân phối trong ngành tiêu dùng. Nếu các công lớn như Amazon, Alibaba đổ bộ, "Không chỉ riêng Masan đâu, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không cẩn thận có khi chỉ 3 - 5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu có thể vẫn còn, khả năng sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất.
Hoặc họ sẽ bòn tất cả lợi nhuận bạn có thể có mới cho phép bạn đưa hàng đến tay người tiêu dùng. Bạn mất kênh phân phối. Và điều đó rất nguy hiểm. Bán gói mỳ có lời bao nhiêu đâu, nhưng bạn phải đóng 24% lợi nhuận biên ra siêu thị thì chắc chắn đổ máu.
Và Masan đang phải trở mình, quyết định làn sóng thứ 2 là chính thức bước ra và xây dựng mô hình kinh doanh mới - New Retail" ", Phó TGĐ Masan cảnh báo.
Vincommerce cho biết sau 5 năm hoạt động, VinMart & VinMart+ đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất thị trường với gần 2.600 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Trong 5 năm tới, VinMart & VinMart+ sẽ phát triển bán lẻ đa kênh, tích hợp các kênh trực tuyến và hệ thống siêu thị/ cửa hàng trên toàn quốc. Các kênh trực tuyến mũi nhọn bao gồm: mua sắm qua ứng dụng điện thoại, qua cổng thương mại điện tử và website VinMart.com nhằm đem lại sự thuận tiện tối đa cho khách hàng mua sắm. Dự kiến tới 2025, hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, tiên phong phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Trí Thức Trẻ